Trong chuyến thăm Indonesia từ ngày 13-14/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinked gặp Tổng thống Joko Widodo và hội đàm với người đồng cấp Retno Marsudi. (Nguồn: Reuters) |
Năm yếu tố chính
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ định hình sự phát triển của thế giới trong thế kỷ XXI, đồng thời đưa ra 5 yếu tố cốt lõi trong tầm nhìn của Mỹ với khu vực.
Thứ nhất, thúc đẩy khu vực “tự do và rộng mở”: các vấn đề được giải quyết công khai; luật pháp được áp dụng minh bạch, công bằng; hàng hóa, ý tưởng và con người được lưu thông tự do, hệ thống quản trị phải phục vụ người dân.
Thứ hai, tạo ra kết nối mạnh mẽ hơn trong và ngoài khu vực, củng cố và liên kết quan hệ giữa các đồng minh và đối tác: trong đó, vai trò trung tâm của ASEAN là nền tảng, Mỹ sẽ mời lãnh đạo ASEAN tới nước này trong thời gian tới.
Thứ ba, thúc đẩy thịnh vượng trên diện rộng: đưa ra khuôn khổ kinh tế mới, tập trung vào chuỗi cung ứng bền bỉ và đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
Thứ tư, xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn của khu vực, giúp ứng phó với Covid-19 và biến đổi khí hậu; Mỹ cam kết sẽ tiếp tục cùng Bộ tứ hỗ trợ đầu tư, sản xuất và phân bổ vaccine.
Thứ năm, tăng cường an ninh khu vực, nhấn mạnh “răn đe tích hợp” ngoại giao-quân sự-tình báo và AUKUS và nhấn mạnh cam kết giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, hai nước sẽ hành xử có trách nhiệm để tránh dẫn đến xung đột.
| Dự báo thế giới 2022: Những vấn đề kinh tế thế giới sắp phải đối mặt Cựu lãnh đạo mảng quản lý tài sản của Goldman Sachs, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Jim O’Neill đã nêu quan điểm về một ... |
Khung chính sách toàn diện hơn
So với các tuyên bố trước của Tổng thống Joe Biden tại Thượng đỉnh ASEAN và tại Cấp cao Đông Á tháng 10/2021 hay phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại Singapore tháng 7/2021, tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken đưa ra khung chính sách về khu vực toàn diện và hệ thống nhất cho đến thời điểm này.
Cụ thể, Bộ trưởng Austin chỉ nhấn mạnh cách tiếp cận khu vực với “ba yếu tố” là phục hồi kinh tế hậu Covid-19, tăng cường năng lực răn đe và thúc đẩy các nguyên tắc chung, trong khi Tổng thống Biden chỉ nhắc đến “tầm nhìn khu vực” chung chung và đưa ra ý tưởng về trụ cột kinh tế mới trong chính sách khu vực.
Tuyên bố lần này của Ngoại trưởng Blinken đầy đủ hơn, thêm yếu tố về kinh tế và chính trị - ngoại giao. Thiếu vắng trụ cột kinh tế chính là điều các nước khu vực thường xuyên góp ý với Mỹ từ sau khi nước này rút khỏi TPP.
Một điểm đáng chú ý nữa là tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đã có hàng loạt động thái triển khai cam kết tại khu vực, đặc biệt là với Đông Nam Á.
Tin liên quan |
Cạnh tranh Mỹ-Trung tại Đông Á: Cuộc chiến 'mượn tay kẻ khác' hay sự đối đầu chiến lược giữa hai siêu cường? |
Thứ nhất, về mặt ngoại giao, sau 6 tháng đầu có phần yên ắng, Mỹ đã liên tiếp triển khai các chuyến thăm cấp cao tới khu vực, trong đó khẳng định mức độ quan tâm tới khu vực của Mỹ.
Tiêu biểu là chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, chuyến thăm 2 nước Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Phó Tổng thống Kamala Harris và hiện diện của Tổng thống Joe Biden tại ASEAN (lần đầu tiên sau 4 năm một Tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN).
Thứ hai, Mỹ đã có nhiều dự án cụ thể để triển khai các cam kết, điển hình là: kế hoạch viện trợ 100 triệu liều vaccine Covid-19 và các khoản hỗ trợ khác trị giá 2,8 tỷ USD (riêng Việt Nam đã nhận 15 triệu liều); mở trung tâm huấn luyện hàng hải trị giá 3,5 triệu USD tại Indonesia; tuyên bố một loạt sáng kiến với ASEAN có tổng trị giá 102 triệu USD; mở rộng hợp tác năng lượng và hạ tầng trong khuôn khổ Hợp tác Mekong-Mỹ…
Những điểm hạn chế
Tuy nhiên, khung chính sách vẫn còn một số điểm cần xem xét, chưa phù hợp với đặc thù chính trị của Đông Nam Á nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung:
Thứ nhất, Mỹ đặt mục tiêu thúc đẩy Internet “rộng mở, đáng tin cậy và an toàn”.
Tuyên bố chưa nhắc đến thách thức từ các yếu tố “phi chính phủ” trên không gian mạng. Ví dụ: đại dịch Covid-19 đã bộc lộ yếu kém của chính Mỹ trong việc kiểm soát thông tin độc phát tán bởi cá nhân trên mạng.
Thứ hai, Mỹ nhấn mạnh liên kết chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong và ngoài khu vực, trong khi không hề nhắc đến hợp tác với Trung Quốc.
Các nước khu vực, đặc biệt là ASEAN đều không muốn rơi vào thế phải lựa chọn giữa “anh em xa” Mỹ và “láng giềng gần” Trung Quốc.
Thứ ba, Mỹ tuyên bố ASEAN là trung tâm kiến trúc khu vực và ủng hộ vai trò của ASEAN nhưng lại dẫn ra các ví dụ về liên minh an ninh ba bên AUKUS và Bộ tứ để cho thấy cam kết với các đối tác khu vực và chưa nhắc đến điều ASEAN còn thận trọng: AUKUS và Bộ tứ sẽ hỗ trợ ASEAN như thế nào?
Phản ứng có phần dè dặt của nhiều nước ASEAN trong thời gian vừa qua với các tập hợp an ninh mới nổi trong khu vực phần nào thể hiện thái độ thận trọng này.
Thứ tư, Mỹ đặt nội dung về dân chủ lên đầu tiên trong yếu tố thứ nhất. Đây vốn là vấn đề nhạy cảm với nhiều đối tác của Mỹ tại khu vực và ASEAN.
Tiềm năng cho đột phá?
Khung chính sách mới cũng chưa có nhiều đột phá về sáng kiến cụ thể như mong đợi.
Mặc dù có trụ cột kinh tế (khung chính sách kinh tế) nhưng tuyên bố chủ yếu lặp lại ngôn từ của ông Biden tại EAS trước đó và không đưa thêm thông tin gì cụ thể.
Mỹ đặt mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, chuẩn hóa nền kinh tế số, tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng… nhưng chưa làm rõ phương án hiện thực hóa mục tiêu ấy. Liệu khung chính sách này là một thỏa thuận, dự án hay chính sách kinh tế?
Khái niệm “răn đe tích hợp” ông Blinken thúc đẩy cũng chưa được định nghĩa cụ thể. Ông Austin cũng nhắc tới khái niệm này tại Singapore nhưng chưa có nhiều giải thích.
Trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, “răn đe” chỉ phát huy tác dụng khi chủ thể làm rõ đối tượng “bị” răn đe, đối tượng phải nhận thức rõ mục tiêu, năng lực và hành động đáp trả của chủ thể răn đe.
Hiện Mỹ vẫn chưa nói “răn đe” này hướng vào đối tượng nào, có tích hợp năng lực hạt nhân hay không, tích hợp với những đối tác nào và sẽ được sử dụng khi nào, ranh giới “đỏ” trong các tình huống ra sao…
Ngoài ra, nhiều hoạt động triển khai được nêu ra theo hướng “Mỹ đã làm…” thay vì “Mỹ sẽ làm”. Do đó, tuyên bố cho cảm giác Mỹ chưa thực sự đưa ra được sáng kiến nào mới mẻ.
Nhìn chung, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang dần thể hiện rõ cam kết với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đã có những điều chỉnh chính sách phù hợp với tiếng nói từ các nước khu vực.
Tuyên bố của ông Blinken về khung chính sách khu vực của Mỹ tại Indonesia phần nào thể hiện các tiến triển này dù còn nhiều điểm chưa rõ ràng.
Dự kiến, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ sớm đưa ra bản cập nhật Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và rất có thể, văn bản này có thể lấp những khoảng trống tuyên bố của ông Blinken còn bỏ ngỏ.
| Mỹ điểm loạt thành tựu đối ngoại nổi bật Ngày 16/12, Nhà Trắng đã điểm loạt thành tựu được coi là hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ ... |
| Ngoại trưởng Mỹ tới Indonesia, bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á Ngày 13/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Indonesia, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á nhằm thúc đẩy ... |