Nhà báo Mỹ Peter Theo Curtis. |
Trong một tuyên bố, ông Kerry khẳng định Mỹ sẽ dùng "mọi công cụ ngoại giao, tình báo và quân sự" có thể để đảm bảo rằng các con tin người Mỹ khác tại Syria được trả tự do.
Thông tin về nhà báo Curtis xuất hiện chỉ vài ngày sau sự kiện mà Ngoại trưởng Kerry gọi là "thảm kịch không thể miêu tả bằng lời", khi phiến quân nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết nhà báo Mỹ James Foley - người cũng bị bắt cóc tại Syria vào năm 2012.
Nhà báo Peter Theo Curtis, 45 tuổi, là phóng viên tại Yemen trước khi đến Syria. Anh bị nhóm Jabhat al-Nusrah, một chi nhánh của al-Qaeda, bắt cóc tháng 10/2012. Curtis đã được giao cho các thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Cao nguyên Goland, theo một tuyên bố trên trang web của LHQ. Sau khi kiểm tra sức khỏe, Curtis được đưa về các cơ quan đại diện của chính phủ Mỹ.
Chi tiết về việc Theo Curtis được trả tự do cũng như thông tin ai đã đứng ra dàn xếp vụ việc vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, một nguồn tin từ gia đình Curtis cho biết chính phủ Qatar đóng vai trò nhà đàm phán chính trong vụ việc. “Chúng tôi nhiều lần được đại diện của chính phủ Qatar nói rằng họ đang làm trung gian để người ta thả Theo mà không cần phải trả tiền chuộc”, Nancy Curtis, mẹ của nhà báo nói.
Được biết, tên khai sinh của anh là Peter Theophilus Eaton Padnos, nhưng anh đã đổi tên thành Theo Curtis để “dễ dàng đi lại trong thế giới Hồi giáo”. Anh thường lấy bút danh là Theo Padnos.
Curtis bị bắt cóc tại Syria cùng phóng viên ảnh người Mỹ Mathew Schrier, người đã trốn thoát hồi tháng 7/2013. Schrier sau đó kể với tờ New York Times rằng anh đã trốn qua lổ hổng của phòng giam bằng cách trèo lên lưng Curtis. Sau đó, anh tìm cách giúp Curtis chui qua lỗ, nhưng đột nhiên Curtis bị mắc kẹt và anh đã quyết định ở lại.
N.K (theo Bloomberg)