TIN LIÊN QUAN | |
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ giúp định hình quan hệ hai nước | |
Pakistan và quan hệ Ấn Độ - Thổ Nhĩ Kỳ |
Một bài phân tích gần đây của hãng Tân Hoa Xã viết rằng, quan hệ Mỹ - Ấn đã đạt được những tầm cao mới sau cuộc gặp giữa ông Trump và ông Modi vào ngày 26/6, cụ thể là trong vấn đề quốc phòng, an ninh và kinh tế.
Cuộc gặp cũng giúp xoa dịu những lo ngại của New Delhi rằng cách tiếp cận không nhất quán của ông Trump trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao có thể cản trở mối quan hệ song phương. Ông Modi đã thành công khi tranh thủ được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Trump trong hàng loạt vấn đề kinh tế và an ninh - vốn là trọng tâm trong các chính sách ngoại giao ưu tiên của New Delhi. Có thể nói, cuộc gặp chính thức đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn đã đem lại những lợi ích chiến lược mà Ấn Độ đang theo đuổi ở Đông Á.
Bước tiến về hợp tác an ninh, quốc phòng
Theo tác giả Prashanth Parameswaran viết trên The Diplomat, một trong những vấn đề được chú ý nhiều nhất trong lĩnh vực quốc phòng trước khi thượng đỉnh Trump-Modi diễn ra là việc hiệu quả hóa vị thế mà Ấn Độ mới đạt được - “Đối tác quốc phòng quan trọng”. Với vị thế này, New Delhi được quyền tiếp cận công nghệ quốc phòng của Mỹ một cách hiệu quả như các đồng minh khác. Điều này từng bị trì hoãn nhiều lần khiến giới chức Ấn Độ tỏ ra không mấy lạc quan trước khi cuộc gặp diễn ra.
Thực tế, những tiến triển trong vấn đề quốc phòng song phương tuy đáng chú ý nhưng vẫn chỉ ở tầm khiêm tốn, dù các cuộc đối thoại đã tập trung nhiều vào hợp tác sâu rộng hơn. Đặc biệt, tuyên bố chung có nhắc đến việc Washington chào bán cho New Delhi 22 hệ thống bảo vệ biển tự động từ trên không hay máy bay không người lái trị giá hơn 2 tỷ USD. Đây vốn là một thỏa thuận mà hai bên đã đàm phán trong một thời gian dài và hiện gặp nhiều trở ngại.
Việc này chỉ là 1 phần nhỏ trong hàng loạt vấn đề về trang thiết bị quốc phòng giữa hai bên, trong đó có trực thăng chiến đấu, tàu máy bay tuần tra biển và chiến đấu cơ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, ngày 26/6. (Nguồn: CNN) |
An ninh biển cũng là một vấn đề quan trọng tại cuộc gặp thượng đỉnh. Hai bên đã nhắc tới cuộc tập trận Malabar sẽ khởi động vào tháng tới. Việc mở rộng hoạt động này, vốn được coi là nền tàng mới cho sự hợp tác Ấn Độ - Thái Bình Dương, vẫn đang là một chủ đề gây tranh cãi.
Theo nhận định sau cuộc gặp của chuyên gia Joshua White, người từng phụ trách vấn đề Nam Á tại Nhà Trắng dưới thời ông Obama, rất nhiều điều cần được hoàn thiện trước khi Mỹ-Ấn đạt được tiến triển trong vấn đề này.
Các vấn đề quốc phòng sâu rộng hơn cũng đã được đề cập tại hội nghị, cụ thể là chủ nghĩa khủng bố, chiếm tới 4 trang trong tuyên bố chung. Điểm tương đồng giữa hai bên là ưu tiên bảo vệ an ninh nước nhà, trong đó là mối đe dọa của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đối với Mỹ, cũng như mối lo ngại các vụ tấn công liên biên giới từ Pakistan và Afghanistan đối với Ấn Độ.
Hãng Tân Hoa Xã dẫn lời chuyên gia chính trị Jishan Shah nhận định rằng, “thành quả đáng chú ý tại cuộc gặp này là hai nước đã đạt được một quyết định về hợp tác chống khủng bố và tiêu diệt “các hệ tư tưởng cực đoan”. “Trước các vụ tấn công ở Anh và sự nổi lên của IS, Ấn Độ và Mỹ cần phải là những đối tác chủ chốt trong việc bảo đảm an ninh của trật tự toàn cầu”.
Nhân tố Pakistan
Một số chuyên gia cho rằng, dù Ấn Độ và Mỹ có nhiều lợi ích chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì Mỹ vẫn không muốn thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách chống Pakistan của Ấn Độ.
Thực chất, việc Mỹ liệt Syed Salahuddin - thủ lĩnh của nhóm Hizbul Mujahideen ở Pakistan, là một phần tử khủng bố toàn cầu, không làm giảm bớt các thách thức của Ấn Độ. Ngoài ra, với sự hỗ trợ tích cực của Trung Quốc, Pakistan hiện có điều kiện tốt hơn để vượt qua mọi rào cản kinh tế và quân sự mà Mỹ có thể đặt ra.
Có thể nói, đẩy Pakistan đến chỗ cô lập không phải là điều mà cả New Delhi lẫn Washington quan tâm. Một Pakistan bị cô lập và không có gì để mất có nguy cơ tăng cường hỗ trợ cho nhiều nhóm nổi dậy khác, đồng thời làm suy yếu những nỗ lực của Washington ở Afghanistan - điều chắc chắn sẽ khiến bạo lực gia tăng tại quốc gia này.
Quân đội Ấn Độ đã tấn công phá huỷ 4 chốt quân sự của Pakistan ngày 29/10/2016. (Ảnh: Reuters) |
Đồng tâm trong cả quân sự và kinh tế
Trong khi tuyên bố chung không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, thì kết cấu của nó, vốn được xây dựng trên 3 quy tắc – tự do hàng hải, hàng không và thương mại; các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp cho các tranh chấp; và sự bảo vệ kết nối kinh tế khu vực được duy trì trên tinh thần trách nhiệm, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và môi trường – có vẻ đối lập với cách thức hành động của Bắc Kinh hiện nay, dù là ở Biển Đông hay trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Ông Donald Trump cũng ủng hộ lập trường của Ấn Độ khi từ chối sáng kiến này của Trung Quốc bởi một phần của dự án này đi qua các khu vực do Pakistan kiểm soát (vốn gây tranh cãi giữa Islamabad và New Delhi).
Có thể nói, bằng cách ủng hộ đường lối chống lại tham vọng kinh tế của Trung Quốc, Ngài Modi có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ và Ấn Độ vẫn duy trì cam kết về một quan hệ đối tác, không chỉ để tìm cách kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc, mà còn để khẳng định sự đồng tâm trong lĩnh vực quân sự và kinh tế.
Ngoài ra, trong các phát biểu của mình về vấn đề Triều Tiên - “mối đe dọa khẩn cấp nhất” đối với an ninh quốc gia Mỹ hiện nay, ông Trump đã trực tiếp nói lời cảm ơn New Delhi vì đã cùng Washington áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Bình Nhưỡng.
Động lực mới cho quan hệ Mỹ - Ấn Độ Một tuyên bố chung cam kết thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về quốc phòng, là kết quả mà ... |
Mỹ, Ấn Độ ra Tuyên bố chung cam kết thúc đẩy quan hệ Ngày 26/6, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Washington của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng ... |
“Ấn Độ, Mỹ nên hợp tác với Trung Quốc” Theo cựu viên chức ngoại giao Mỹ Anja Manuel, sự hợp tác giữa New Delhi và Washington với Bắc Kinh sẽ tạo ra thiện chí ... |