Dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm do vấn đề lịch sử, tranh chấp chủ quyền và các hạn chế thương mại.
Giờ đây, khi Nhà Xanh sắp đổi chủ, mọi chuyện liệu có khác?
Ông Yoon Suk-yeol sẽ trở thành Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5 tới. (Nguồn: Reuters) |
Nhiều trở ngại
Về phần mình, Tokyo vẫn giữ thái độ thận trọng khi đề cập triển vọng quan hệ với Seoul.
Ngày 10/3, chúc mừng Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định: “Quan hệ Nhật-Hàn đang ở tình trạng rất nghiêm trọng và chúng ta không thể để điều này tiếp diễn... Mối quan hệ lành mạnh giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là điều không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới”, đặc biệt là khi Nhật Bản đang đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt là thách thức từ xung đột Nga-Ukraine. Ông nói thêm: “Hợp tác giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc cũng rất quan trọng”.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết Nhật Bản sẽ giữ vững lập trường rằng tất cả các vấn đề bồi thường ở thời chiến với Hàn Quốc đã được giải quyết bằng hiệp ước năm 1965, hiệp ước ông cho là cơ sở của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh điều quan trọng với Hàn Quốc là “giữ vững cam kết giữa các nước”. Ông nói: “Tôi tin rằng điều quan trọng là phải giao tiếp với tổng thống mới và chính quyền mới của ông ấy để khôi phục mối quan hệ lành mạnh dựa trên quan điểm nhất quán của Nhật Bản... Tôi hy vọng có thể tổ chức các đàm phán với chính phủ mới trong khi tôi theo dõi các hành động của họ”.
Trong khi đó, phát biểu cùng ngày, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho rằng hai nước nên tập trung vào tương lai và khẳng định: “Trọng tâm trong quan hệ Hàn-Nhật nên là tìm ra những con đường tương lai có lợi cho người dân của cả hai nước. Trong quá trình hợp tác tập trung vào tương lai này, chúng ta cũng cần cùng nhau thảo luận, tìm ra sự thật và giải quyết các vấn đề liên quan đến quá khứ”.
Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh quân sự của Mỹ và có chung quan tâm về Triều Tiên và Trung Quốc song từ lâu, hợp tác giữa hai nước thường xuyên chịu ảnh hưởng do các vấn đề lịch sử. Quan hệ song phương đã xấu đi rõ rệt sau khi tòa án Hàn Quốc yêu cầu công ty Nhật Bản phải bồi thường cho người lao động nước này bị lạm dụng trong Thế chiến II. Một điểm đáng chú ý khác là vấn đề “phụ nữ mua vui” của Hàn Quốc, những người từng bị quân đội Nhật Bản lạm dụng tình dục trong chiến tranh.
“Trọng tâm trong quan hệ Hàn-Nhật nên là tìm ra những con đường tương lai có lợi cho người dân của cả hai nước. Trong quá trình hợp tác tập trung vào tương lai này, chúng ta cũng cần cùng nhau thảo luận, tìm ra sự thật và giải quyết các vấn đề liên quan đến quá khứ” - Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. |
Trong khi đó, Nhật Bản khẳng định tất cả các vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo hiệp ước năm 1965 và phán quyết của tòa án Hàn Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Dưới thời bà Park Geun-hye, quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc đã đạt được một số bước đột phá như: ký kết một hiệp ước quốc phòng cho phép các nước chia sẻ trực tiếp thông tin quân sự với nhau - thay vì phải thông qua Mỹ - và một thỏa thuận được cho là “cuối cùng và không thể đảo ngược” nhằm giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui”. Tuy nhiên, cả hai thỏa thuận đều gây tranh cãi gay gắt trong nội bộ Hàn Quốc.
Sau khi trở thành Tổng thống, ông Moon Jae-in đã rút Hàn Quốc khỏi thỏa thuận năm 1965 và chỉ ra rằng các nạn nhân đã không được bồi thường xứng đáng.
Năm 2019, sau khi Nhật Bản áp hạn chế thương mại để đáp lại phán quyết của tòa án về bồi thường cho lao động cưỡng bức, Hàn Quốc từng doạ rút khỏi Hiệp định An ninh thông tin quân sự chung (GSOMIA), song đã đổi ý vào phút chót.
Hai nước cũng không khoan nhượng trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima.
Trong bối cảnh đó, ông Yoon Suk-yeol có thể tìm cách cải thiện quan hệ song phương, nhưng các lựa chọn của nhà lãnh đạo này sẽ bị hạn chế do sức ép từ dư luận Hàn Quốc, cũng như hành động của phía Nhật Bản. Việc dư luận Hàn Quốc thường xuyên chỉ trích các bình luận mang tính chủ nghĩa dân tộc từ đảng LDP có thể cản trở khả năng cải thiện quan hệ của bất kỳ tổng thống Hàn Quốc nào.
Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tranh chấp gay gắt về chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima. (Nguồn: Dokdo-Takeshima) |
Chuyên gia hoài nghi
Các quan chức và chuyên gia Nhật Bản bày tỏ sự nhẹ nhõm khi nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc ủng hộ việc tăng cường liên minh với Mỹ và thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng sự thay đổi lãnh đạo ở Hàn Quốc có thể sẽ không giúp hai bên tìm ra một giải pháp nhanh chóng.
Bà Matsukawa Rui, nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và là cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản, đã chúc mừng chiến thắng của ông Yoon và sự trở lại của phe bảo thủ tại Seoul. Đặc biệt, bà đánh giá cao việc Tổng thống đắc cử Hàn Quốc sẵn sàng cải thiện quan hệ với Nhật Bản. “Tôi kỳ vọng vào một chính sách ngoại giao thực tế và hướng tới tương lai thay vì quá khứ”.
Tuy nhiên, ông Sato Masahisa, nhà lập pháp cấp cao phụ trách Bộ phận Đối ngoại của LDP cảnh báo không nên kỳ vọng quá nhiều: “Chúng ta nên từ bỏ ảo tưởng rằng chiến thắng của phe bảo thủ có thể hàn gắn quan hệ Nhật-Hàn vốn đang có nhiều rạn nứt”. Ông khẳng định sự lãnh đạo của phe bảo thủ “tốt hơn phe đối lập, nhưng không có gì thay đổi thực tế là ‘quả bóng vẫn ở phần sân’ của Hàn Quốc”.
Chuyên gia Kim Du-yeon, làm việc tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ tại Washington D.C (Mỹ), lại nhận định: “Chúng ta có thể mong đợi (ông Yoon) cố gắng tách biệt trong việc giải quyết các vấn đề lịch sử và cùng nhau giải quyết những thách thức chung... Tuy nhiên, Seoul có thể sẽ rơi vào thế khó nếu dư luận phản đối Nhật Bản, trừ khi chính quyền của ông ấy tiến hành hợp tác ba bên với Washington và Tokyo mà không công khai”.
Sự thận trọng từ hai nước cùng thái độ hoài nghi của giới chuyên gia cho thấy Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ còn nhiều việc phải làm để cải thiện quan hệ Nhật Bản, vì lợi ích chung của hai nước, khu vực và thế giới.