📞

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ: Khi tình sắp cạn và lợi dần vơi

Phan Quân 16:50 | 28/04/2021
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden về "diệt chủng Armenia” là ‘giọt nước tràn ly’, khiến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ vốn đã trắc trở lại thêm phần bất định trong thời gian tới. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Trong một bước đi mạo hiểm với quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ, ngày 24/4, ông Joe Biden đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên công nhận cái gọi là “diệt chủng Armenia”, chuỗi các cuộc thảm sát người Armenia giai đoạn 1915-1917 dưới thời Đế chế Ottoman. Trước đó, ông cũng thông báo về quyết định này với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Từ lâu, câu chuyện về “diệt chủng Armenia” là vấn đề nhạy cảm với Thổ Nhĩ Kỳ và Washington, đồng minh Ankara, hiểu rõ điều này hơn ai hết. Vì thế, dù Mỹ khẳng định rằng tuyên bố trên “không nhằm mục đích đổ lỗi”, Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng không thể cho qua cho hành động này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một phát biểu ngày 20/4. (Nguồn: AP/PTI)

Ngày 25/4, triệu hồi Đại sứ Mỹ tại Ankara David Satterfield, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal đã lên án quyết định “không có sơ sở pháp lý”, cho rằng hành động của Mỹ đã gây ra vết thương trong mối quan hệ song phương và khó có thể được hàn gắn.

Phát biểu ngày 27/4, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết “bước đi sai lầm này” sẽ gây trở ngại cho quan hệ song phương và khuyên Mỹ nên tự soi lại mình. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định có thể đáp trả theo nhiều cách, phương pháp và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, ông Erdogan cũng hy vọng có thể hàn gắn quan hệ và sẵn sàng thảo luận với ông Biden tại Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tháng 6 tới.

Tuy nhiên, nói là một chuyện, làm là chuyện khác. Tương lai quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ thời gian tới có thể trở nên bất định, chênh vênh hơn vì một số lý do sau.

Tình sắp cạn

Đầu tiên, xét về tổng thể, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ 5 năm trở lại đây đã không còn mặn nồng và có dấu hiệu rạn nứt sau hàng loạt vụ việc.

Năm 2016, Ankara đã bắt giữ mục sư Andrew Brunson và công dân Mỹ gốc Thổ Serkan Golge với lý do dính líu tới đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng năm. Đáp lại, Washington từ chối yêu cầu dẫn độ giáo sỹ Fethullah Gulen, cho rằng Ankara không có đủ bằng chứng buộc tội nhân vật này.

Năm 2019, lần đầu Quốc hội Mỹ đã chính thức công nhận cái gọi là “Diệt chủng Armenia”, bất chấp phủ nhận của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và phản đối của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ 5 năm trở lại đây đã không còn mặn nồng và có nhiều dấu hiệu rạn nứt.

Năm 2020, đảng Dân chủ Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đứng ngoài xung đột Nagorno-Karabakh và cựu Tổng thống Donald Trump nên trì hoãn cung cấp khí tài cho Ankara. Ngày 15/10/2020, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nhận định rằng sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ cho Azerbaijan làm tăng nguy cơ cuộc xung đột lịch sử này. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo phía Mỹ gửi vũ khí tới Armenia.

Mới đây, vài ngày trước điện đàm song phương, Mỹ đã chính thức loại Ankara khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35 do nước này mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga, bất chấp phân bua của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng S-400 không đe dọa đến hoạt động và vũ khí nào của khối NATO.

Vì thế, động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đảo ngược lập trường của người tiền nhiệm về cái gọi là “diệt chủng Armenia” có thể khiến quan hệ hai nước rạn nứt sâu sắc hơn.

Lợi dần vơi

Quan trọng hơn, cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong ưu tiên chính sách của nhau như trước.

Trong bản Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời, chính quyền của ông Joe Biden cho thấy ưu tiên chính sách trước mắt là giải quyết các vấn đề đối nội, triển khai cách tiếp cận mới với Trung Quốc và củng cố mạng lưới đồng minh đối tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu. Trung Đông không còn là ưu tiên cao trong chính sách của Mỹ. Ngay cả khi đề cập về khu vực trong văn bản trên, Washington dành nhiều kỳ vọng cho quan hệ với Tel Aviv hơn là Ankara. Quá trình triển khai chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã phản ánh rõ điều đó.

Ngoài ra, trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho thấy ưu tiên thúc đẩy vấn đề dân chủ-nhân quyền. Không chỉ bày tỏ quan ngại, tìm kiếm giải pháp với vấn đề trước mắt tại Tân Cương hay Hong Kong (Trung Quốc), Washington dường như muốn gián tiếp củng cố nền dân chủ đang gặp nhiều thách thức của Mỹ thông qua các câu chuyện cũ. Việc công nhận sự tồn tại cái gọi là “diệt chủng Armenia” là một động thái theo hướng đó.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ dường như cũng đang chuẩn bị cho một tương lai vắng Mỹ.

Nga là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2020, nước này đã hoàn thành dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép Moscow vận chuyển khí đốt tới Nam Âu qua Ankara mà không cần qua Kiev. Dự án này sẽ củng cố tham vọng trở thành trung tâm năng lượng khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời giúp Nga tránh sự phụ thuộc vào đường ống qua Ukraine. Về chính trị, Moscow và Ankara duy trì hợp tác trong các vấn đề khu vực, đặc biệt là Syria và Libya.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin cùng ăn kem trong chuyến thăm Nga tháng 8/2019. (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Đầu tháng 4, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khẳng định nước này muốn duy trì chương trình nghị sự tích cực và hối thúc châu Âu sớm đưa ra yêu cầu cụ thể để Ankara có thể trở thành một phần của EU.

Đáng chú ý, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần cho thấy mong muốn trở thành cường quốc khu vực độc lập thông qua sự hiện diện chính trị, ngoại giao và quân sự tại các điểm nóng, đồng thời thúc đẩy phát triển trang thiết bị quốc phòng hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái.

Xét trên các phương diện này, khi tình đã cạn, lợi dần vơi, không loại trừ khả năng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ sẽ còn tiếp tục rơi vào trạng thái mông lung, bất định hơn trong thời gian tới.