Việt Nam chắc chắn cũng là một trong số những quốc gia thành công nhất với mức tăng trưởng kinh tế quan trọng đạt được trong những năm gần đây, chỉ đứng sau Trung Quốc. Với một thị trường hơn 90 triệu dân, được đánh giá là quốc gia đông dân thứ mười ba trên thế giới và với nguồn nhân lực trẻ dồi dào, được đào tạo tốt, Việt Nam được xem như là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất cho đầu tư và thương mại.
Kể từ năm 1986, sau khi triển khai chính sách đổi mới kinh tế (Đổi mới), Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công và được ví là "Ngôi sao đang lên" trong lĩnh vực kinh tế.
Về phần mình, Mexico là quốc gia đông dân thứ 11 trên thế giới với số dân là 112 triệu người, là nền kinh tế đứng thứ 14 trên thế giới và đứng thứ hai tại khu vực châu Mỹ Latinh. Hiện nay, Mexico là quốc gia có nền kinh tế ổn định và có tiềm năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngoài ra Mexico còn có đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp danh tiếng, dựa chủ yếu vào tầm quan trọng của thương mại quốc tế và đầu tư trong nước và nước ngoài như những đầu tầu tăng trưởng cho nền kinh tế quốc gia.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 19 tháng 5 năm 1975, chính phủ hai nước Mexico và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ủng hộ việc tăng cường các mối quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại song phương.
Trong giai đoạn 2000-2011, trao đổi thương mại giữa Mexico và Việt Nam đã tăng lên 27 lần, vượt qua con số 36,9 triệu USD vào năm 2000 đạt mức hơn 1.000 triệu USD vào năm 2011, với mức độ tăng trưởng bình quân là 34,9%. Cũng trong giai đoạn này, xuất khẩu tăng 49 lần, từ 1,6 triệu USD lên 79,8 triệu USD, tương đương với mức tăng 47,8% mỗi năm, trong khi đó thì nhập khẩu tăng lên 24 lần, từ 35,3 triệu USD lên 835,8 triệu USD, đạt tỷ lệ trung bình là 37,2% mỗi năm.
Các sản phẩm chính mà Mexico xuất khẩu sang Việt Nam bao gồm: hợp kim đồng, các bán thành phẩm bằng sắt hoặc thép, phân bón Diammonium Phosphate DAP và các bộ phận máy tính, bột cá, bột tôm, cua, hạnh nhân. Hiện nay, Mexico đang tìm kiếm khả năng xuất khẩu trong thời gian tới các sản phẩm thịt gà, nho tươi và hạt khoai tây. Các sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu sang Mexico chủ yếu bao gồm, cá phi lê và giày thể thao, các bộ phận máy photo, máy in lazer, loa, các động cơ mô tô loại nhỏ.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Mexico tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (nước mua lớn thứ 12 và nước cung cấp lớn thứ 11) và ở vị trí thứ 34 trên phạm vi toàn thế giới. Còn Mexico là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở khu vực châu Mỹ Latinh, sau Brazil.
Việc gia nhập của Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới đã khiến Việt Nam trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Do đó, một việc hết sức cần thiết đó là làm thế nào để cho các doanh nghiệp Mexico biết tới thị trường Việt Nam cũng như biết tới rất nhiều dự án cần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các dự án về cơ sở hạ tầng.
Mặc dù đã vượt qua rào cản về ngôn ngữ cũng như khoảng cách về địa lý để tăng cường quan hệ thương mại song phương, song tiềm năng hợp tác giữa hai nước vẫn chưa được khai thác triệt để và tính đến nay, cán cân thương mại và đầu tư vẫn nghiêng về phía Việt Nam.
Trong khuôn khổ Cuộc họp của các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương lần thứ XIX (APEC) diễn ra ở Honolulu vào tháng 11 năm 2011, Mexico đã xin gia nhập vào các cuộc đàm phán thương mại của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến Lược (TPP). Hiện nay thì cả chín quốc gia đang tham gia vào các cuộc đàm phán của TPP, trong đó có Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ để Mexico có thể trở thành thành viên của Hiệp định này. Điều này thực sự hết sức quan trọng, đặc biệt khi thấy rằng năm trong số mười đối tác thương mại quan trọng của Mexico là các quốc gia ở châu Á. Nếu được trở thành thành viên của TPP thì chắc chắn một điều đó là quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Như vậy, có thể thấy được tầm quan trọng của Diễn đàn về Thương mại và Đầu tư giữa Việt Nam và châu Mỹ Latinh diễn ra vào ngày 5 và 6/7 năm nay và việc ký Thỏa thuận khung liên minh Thái Bình Dương giữa Colombia, Chile, Mexico và Peru vào ngày 7/6/2012 được xem như là một bệ phóng để thúc đẩy mối quan hệ kinh tế của khu vực với các nước châu Á – Thái Bình Dương.
Trong số những vấn đề về hợp tác kinh tế song phương thì vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết đó là đàm phán ký kết Hiệp định Hỗ trợ Hành chính các Vấn đề Hải quan do phía Mexico đề xuất, nhằm thiết lập các cơ chế trao đổi thông tin và thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các cơ quan hải quan của Việt Nam. Đồng thời, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp Mexico về Ngoại thương, Đầu tư và Công nghệ (COMCE) đã kết thúc đàm phán ký kết một Biên bản Ghi nhớ với mục đích tăng cường quan hệ thương mại.
Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một nước công nghiệp hóa vào năm 2020, trong khi đó Mexico đang hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Trong bối cảnh đó, thách thức chính mà Mexico phải giải quyết trong mối quan hệ thương mại với Việt Nam đó là giảm thâm hụt thương mại, có nghĩa là làm cho thương mại với Việt Nam không còn ở thế bị động và tận dụng nhiều tiềm năng hiện có trong việc phát triển công nghệ và tận dụng sự sáng tạo của các doanh nghiệp trẻ Mexico để tiếp cận thị trường Việt Nam.
Những thách thức đối với Việt Nam đó là tiếp tục những cải cách kinh tế, những quy định về thuế và ngoại hối nhằm ổn định nền kinh tế quốc gia và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài hướng vào một trong những con hổ mới của châu Á. Để làm được việc đó, Việt Nam cần phải bảo đảm sự tiếp cận đối với nguồn vốn doanh nghiệp, giảm lạm phát, tạo thêm nhiều cơ sở hạ tầng mới, cũng như tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch hơn.
Trong cả hai trường hợp, thì việc hiểu được các nguyên tắc đàm phán chủ chốt sẽ hỗ trợ việc trao đổi các ý tưởng và tiếp đó sẽ là hiện thực hóa công việc kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực lớn của cả hai chính phủ, mối quan hệ song phương trên lĩnh vực thương mại và đầu tư vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi sự quan tâm, sự đồng thuận và nỗ lực chung của cả Mexico và Việt Nam. Hiện nay có thể thấy người dân Việt Nam đã biết và hiểu rõ hơn về người Mexico và ngược lại. Song vẫn có sự tụt hậu về mặt thông tin trên lĩnh vực thương mại và đầu tư mà chúng ta cùng cần phải khắc phục để tránh bỏ lỡ những cơ hội lớn về hợp tác song phương và phát triển của cả hai nền kinh tế.
Ngài Gilberto Limón EnríquezĐại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Mexico tại Việt Nam