TIN LIÊN QUAN | |
ASEAN nhất trí cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng | |
ASEAN+3 thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững |
Khu dân cư ven biển phía Nam Thái Lan hoang tàn sau trận đại sóng thần năm 2004. (Nguồn: Reuters) |
Đa số các nước ASEAN đều nằm ở khu vực địa lý có nguy cơ cao về thiên tai. Những thảm họa thiên tai phổ biến ở khu vực Đông Nam Á bao gồm lũ lụt, lốc xoáy nhiệt đới, cháy rừng và sóng thần. Một số nước ASEAN, đặc biệt là Indonesia và Philippines, nằm trong "vành đai lửa Thái Bình Dương", một khu vực địa chất không ổn định dễ xảy ra những trận động đất lớn và núi lửa phun trào.
Gắn kết sau bão tố
Khi thảm họa sóng thần năm 2004 đánh vào Indonesia, Malaysia và Thái Lan, các nước thành viên ASEAN khác đã miễn cưỡng hỗ trợ các hoạt động cứu hộ do những e ngại có tính truyền thống liên quan đến chủ quyền biên giới quốc gia, can thiệp quân sự và viện trợ nhân đạo. Hậu quả của sự do dự đó khiến các cộng đồng bị phá hủy và nhiều gia đình ly tán.
Sau khi chứng kiến hậu quả đó, các quốc gia ASEAN đã lĩnh hội được bài học. Năm 2005, Hội nghị Thế giới về Giảm nhẹ Thiên tai của Liên hợp quốc (LHQ) đã giúp tạo ra một khuôn khổ phản ứng cứu trợ thiên tai phù hợp thông qua Khuôn khổ Hành động Hyogo. Sau đó, ASEAN đã khởi xướng khung pháp lý riêng của mình cho một phản ứng phối hợp thống nhất trước thảm họa thiên nhiên. Hiệp định ASEAN về Quản lý Thiên tai và Ứng phó Khẩn cấp (AADMER) đã được tất cả các thành viên ASEAN ký kết vào năm 2005 và có hiệu lực vào năm 2009.
Năm 2008, trong bối cảnh cơn bão Nargis tàn phá Myanmar, khiến ít nhất 130.000 người thiệt mạng, ASEAN đã thành lập Nhóm Đánh giá Cứu trợ Khẩn cấp (ASEAN - ERAT) nhằm đánh giá thảm họa và đưa ra khuyến cáo phù hợp cho các hoạt động cứu trợ như nước sạch và vệ sinh môi trường, thực phẩm, y tế, hậu cần và sự phối hợp của các đơn vị cứu trợ. ASEAN - EART cũng có nhiệm vụ làm hài hòa các hoạt động cứu trợ thiên tai bằng cách giảm thiểu sự hỗn loạn và chậm trễ, đồng thời tối ưu hóa các tài sản và triển khai nhân lực. ASEAN - ERAT hiện do Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo trong Quản lý Thiên tai (Trung tâm AHA) quản lý. Trung tâm AHA được hình thành vào năm 2011 và do Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai điều hành. Thậm chí, ASEAN - ERAT còn có tầm nhìn chiến lược riêng: "Một ASEAN, một Phản ứng".
Ngoài ra, ASEAN - ERAT còn có nhiệm vụ liên lạc giữa các nước thành viên và không phải thành viên tham gia cứu trợ thiên tai trong khu vực. Nhóm ASEAN - ERAT hiện có 91 thành viên đến từ tất cả các quốc gia ASEAN được đào tạo bài bản về ứng phó thiên tai trong khu vực. Kể từ khi được thành lập, ASEAN - ERAT đã triển khai hơn 10 chiến dịch, bao gồm cả các cơn bão Haiyan và Rammasun, động đất Bohol, tất cả đều xảy ra ở Philippines.
Tín hiệu tốt cho tương lai
ASEAN đã thiết lập các thỏa thuận dự phòng thông qua đó các thành viên tự nguyện có thể cung cấp các tài sản dân sự và quân sự, hỗ trợ hậu cần và các nguồn cung cấp để đáp ứng kịp thời cho các hoạt động cứu trợ. ASEAN cũng đã giới thiệu quy trình vận hành đạt chuẩn để bảo đảm sự phối hợp nhuần nhuyễn các hoạt động phản ứng khẩn cấp của các cơ quan ASEAN có ngôn ngữ và văn hóa làm việc khác nhau.
Trung tâm AHA điều hành Mạng lưới Thông tin Thảm họa ASEAN (ADInet), cung cấp cơ sở dữ liệu cập nhật tất cả các thảm họa thiên tai trong khu vực. Cơ sở dữ liệu này được Hệ thống Giám sát và Ứng phó thảm họa thiên tai (DMRS) của Trung tâm AHA sử dụng để phân tích và cảnh báo thảm họa cũng như chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên. Trung tâm AHA cũng tiến hành thường xuyên các khóa học điều hành, huấn luyện dân sự và quân sự chung về quản lý thảm họa cho các nước thành viên ASEAN.
Để chuẩn bị tốt hơn cho các hoạt động cứu trợ thiên tai, ASEAN hàng năm tiến hành các bài diễn tập mô phỏng phòng chống thiên tai kể từ khi Hiệp định AADMER được ký kết vào năm 2005. Những bài diễn tập này nhằm kiểm chứng sự sẵn sàng quản lý thiên tai của các cơ quan cứu trợ khẩn cấp ASEAN cũng như sự kết nối và khả năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan LHQ, các tổ chức phi chính phủ và các đơn vị quân đội.
Hợp tác gần đây của ASEAN nhằm đối phó thảm họa thiên tai được coi như sáng kiến xây dựng lòng tin mạnh mẽ; là một trong số ít lĩnh vực trọng điểm, trong đó các nước thành viên ASEAN có thể hợp tác chặt chẽ bất kể những thách thức chiến lược hoặc xung đột lợi ích địa chính trị. Đây là tín hiệu tốt cho tương lai của ASEAN và cho thấy rằng tổ chức này có thể hoạt động gắn kết và dứt khoát theo cách riêng của mình để giải quyết các vấn đề đe dọa đến sự chia rẽ của một trong những tổ chức khu vực quan trọng trên thế giới.
Yên Bái thiệt hại nặng nề do mưa lũ Do ảnh hưởng của mưa lũ, tính đến chiều 20/8, tỉnh Yên Bái có 14 ngôi nhà bị sập đổ, 2 ngôi nhà bị lũ ... |
Lũ lụt tại Pháp gây thiệt hại tới hơn 2 tỷ Euro Ước tính, trận lụt kỷ lục tại Pháp gây thiệt hại hơn 1 tỷ Euro tại thủ đô Paris và khu vực lân cận và ... |
APEC xây dựng hệ thống phòng vệ tài chính chống thiên tai Tiến trình các Bộ trưởng Tài chính APEC (FMP) ngày 18/2 thông báo kế hoạch xây dựng các biện pháp phòng vệ tài chính chống ... |