Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tại Hội nghị diễn ra ở Lima (Peru). (Nguồn: Ban thư ký APEC) |
Theo đó, các quan chức của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã nhận thấy những đe dọa ngày càng tăng do thảm họa tự nhiên tại khu vực được đánh giá là "chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai nhất thế giới" này. Chính những nguy cơ từ thảm họa thiên nhiên lại đang trở thành động lực cho Chính phủ và các thành phần tư nhân các nước APEC cùng hợp tác xây dựng biện pháp bảo vệ nguồn tài chính thâm hụt do sự tác động ngày càng mạnh hơn của yếu tố môi trường.
Vấn đề này đã được bàn thảo cụ thể trong hội nghị vừa diễn ra tại Lima (Peru) ngày 18/2. Theo đó, các nền kinh tế APEC sẽ tập trung vào việc cải thiện công tác thu thập dữ liệu cần thiết cũng như khả năng bảo vệ các nguồn tài chính để xây dựng cơ chế hồi phục kinh tế sau thiên tai. Các biện pháp bảo vệ này sẽ được sự hỗ trợ từ các chuyên gia về nguy cơ thảm họa, thiên tai tới từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế châu Âu (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB) và các ngành công nghiệp liên quan.
Chủ nhiệm Quản lý rủi ro thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Peru Gregorio Belaunde cho biết: "Khoảng hai phần ba các tài sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra với các nền kinh tế APEC không được bảo hiểm. Do đó, việc lượng trước các rủi ro do thiên tai là điều kiện tiên quyết cho việc tăng cường bảo vệ hệ thống tài chính mà các quốc gia APEC đang theo đuổi".
Các quan chức nhóm họp tại Lima (Peru) ngày 18/2 cũng đã chỉ ra các yếu tố rủi ro do thiên tai cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, dữ liệu cần thiết để đánh giá chính xác những thảm họa này. Dựa trên thực tiễn nghiên cứu các trường hợp cụ thể từ khu vực công và tư trong nền kinh tế APEC, họ chia sẻ những kinh nghiệm và hướng dẫn thực tế để tạo ra các hệ thống liên kết công ty bảo hiểm với nhau nhằm tạo thành "hệ thống bảo hiểm thảm họa" (catastrophe insurance pools) có thể nhanh chóng thúc đẩy quy trình bảo hiểm thiệt hại sau thiên tai.
Hiện các nền kinh tế APEC chiếm một nửa thương mại toàn cầu, 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới với sự tham gia của khoảng 3 tỷ người. Tuy nhiên khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng phải gánh chịu hơn 70% thiên tai thế giới như bão tố, lũ lụt, động đất, hạn hán với tần suất và cường độ ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Trong thập kỷ qua, mỗi năm các nền kinh tế APEC chịu thiệt hại phát sinh do thiên tai khoảng 100 tỷ USD.
Các quan chức quản lý vấn đề khẩn cấp của APEC sẽ thảo luận về các biện pháp bổ sung, tăng cường phòng chống thiên tai và giảm thiểu rủi ro trong cuộc họp sắp tới cũng tại Lima. Đây là một phần trong chương trình họp của nhóm công tác kỹ thuật để xây dựng biện pháp phòng vệ tài chính do thảm họa thiên tai, diễn ra từ ngày 20/2-4/3.