Trưởng thành từ nỗi đau
Cái chết oan nghiệt của em gái mới 2 tuổi đã kéo Saif El Islam Kadhafi ra khỏi tuổi thơ yên bình và đưa ông đến với con đường chính trị sau này. Em gái Saif bị giết trong đợt Mỹ ném bom Tripoli và Bengazhi năm 1986.
Sự kiện này đã ảnh hưởng đến tính cách của Saif và làm chàng trai trưởng thành hơn. Tục ngữ Ảrập có câu “nếu nỗi đau không thể làm anh gục ngã thì nó sẽ càng làm anh mạnh mẽ hơn”. Saif đã trỗi dậy mạnh mẽ hơn với ý chí sắt đá sẽ chinh phục thế giới phương Tây ngạo mạn.
Cho đến giờ, Saif vẫn ở dưới cái ô của cha mình - nhà lãnh đạo Muammar Kadhafi - nhưng không phải vì thế mà kém nổi tiếng. Người dân Libya rất yêu quý ông. Cao, mảnh dẻ và luôn lịch lãm, phong cách giao tiếp chuyên nghiệp, thành thạo tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Ảrập, có thể nói một chút tiếng Pháp, ông chính là người chủ chốt đưa Libya hội nhập trở lại với cộng đồng quốc tế. Sinh năm 1972 tại Tripoli, cái tên Saif El Islam Kadhafi trong tiếng Ảrập có nghĩa là “thanh gươm Hồi giáo”. Ông là con của lãnh đạo Muammar Kadhafi với người vợ hai - bà Sofia Kash. Ông tốt nghiệp ĐH Kinh tế London và Viện Kiến trúc Áo.
Tài ngoại giao
Saif Kadhafi tham gia chính trường đúng lúc Libya đang muốn lấy lại vị thế trên thế giới sau thời gian bị tẩy chay do ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và cũng bị suy yếu nhiều do cấm vận. Ông thậm chí xuất hiện như người đứng đầu mặt trận ngoại giao phá vây của Libya. Sự kiện đầu tiên cho thế giới thấy lòng can đảm của Saif là năm 2000, tại đảo Jolo (Indonesia). Khi đó, nhà ngoại giao này đã gây ấn tượng mạnh khi hòa giải thành công việc phóng thích các con tin đang bị nhóm Abu Sayaf bắt giữ. Từ đó, Saif tiếp tục tham gia tất cả các sự kiện đối ngoại của Libya ở cấp độ quốc tế: bình thường hóa quan hệ với Mỹ sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, nối lại các chuyến bay chặng Tripoli-Paris...
Năm 2003, ông cho xuất bản một báo cáo gây chấn động về những vi phạm nhân quyền ở chính đất nước mình. Một sự kiện mang tính cách mạng! Năm 2004, ông đàm phán với các nước phương Tây về việc bồi thường cho các nạn nhân 2 vụ tấn công mà Libya có liên quan: vụ máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Pan Am bị tấn công trên bầu trời Lockerbie (1998) và vụ máy bay UTA flight 772 bị tấn công trên bầu trời Niger (1989). Năm 2007, ông lại đóng vai trò chính trong đàm phán giải quyết vụ “y tá Bulgaria” – vụ lây nhiễm AIDS gây chấn động thế giới, trong đó 5 nữ y tá Bulgaria bị phía Libya cáo buộc “cố tình” gây nhiễm HIV cho trẻ em nước này, còn Bulgaria ra sức bảo vệ công dân của họ. Ngày 21/8/2009, chính ông là người đã đón Abdelbaset Al Megrahi, người bị tình nghi khủng bố, trở về Libya sau khi được thả tù vì lý do sức khỏe… Đó là một loạt sự kiện mang đậm dấu ấn Saif Kadhafi. “Ông ấy là nhân vật đáng nể, luôn biết cách giải quyết vấn đề khó khăn”, Antoine Alexiev, một trong những luật sư của vụ “y tá Bulgaria” đã miêu tả về Saif Kadhafi.
Người kế vị?
Truyền thông Ảrập từ lâu đã chỉ đích danh Saif Kadhafi là người kế vị của Libya. Nhiều nguyên thủ nước ngoài như cựu Tổng thống Pháp Jaques Chiriac đã đón tiếp ông như người sẽ kế vị cha mình. Mặc dù Saif phủ nhận những nhận định trên, nhưng việc cha ông, vào giữa tháng 10/2009, yêu cầu chỉ định ông vào vị trí “Tổng Điều phối của các Ủy ban xã hội”, vị trí quyền lực thứ hai của chính quyền, được coi như bằng chứng nữa cho nhận định trên.
Có điều, ở Libya mọi việc không đơn giản như vậy. Phe diều hâu trong chính quyền đã phủ nhận bất kỳ sự cải tổ theo kiểu Libya nào mà Saif đã đề xuất. Được giới trẻ và những người được đào tạo ở phương Tây ủng hộ, Saif dường như đã trở thành đối thủ của chế độ mà đôi khi ông đã chỉ trích là “độc tài”. Thậm chí, ông từng yêu cầu soạn thảo một “hiến pháp” và tấn công thẳng vào trung tâm hệ thống chế độ của Libya, trong đó có vấn đề “quyền lực nhân dân” đang nằm trong tay các “ủy ban cách mạng”.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng “học thuyết trong sách Xanh” – cuốn sách mà cha ông cho xuất bản phần đầu năm 1976 - là dân chủ và sáng suốt, có điều cần phải thay đổi cách áp dụng mà thôi. Hiện tại, ông đang tập trung vào thực hiện chương trình cải cách kinh tế chính trị có tên “vì Libya tương lai”. Theo ý nguyện của cha mình, ông đang tiến hành hòa giải với Nhóm Hồi giáo các tay súng Libya, một nhóm khủng bố liên minh với Al-Qaeda. Một thành công ngoài mong đợi trong nhiệm vụ này sẽ báo trước việc nhường ngôi và một kỷ nguyên Saif sẽ bắt đầu.
Lê Đình An (Theo The New Africa)