TIN LIÊN QUAN | |
Đức ủng hộ từng bước dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga | |
Ukraine-EU tiến gần hơn việc thông qua thỏa thuận liên kết |
Xung đột Ukraine phát triển theo chiều hướng dai dẳng. Cuộc chiến ở Donbass kéo dài đã hơn ba năm và gần như ngày nào cũng có các thông tin về tình trạng vi phạm lệnh ngừng bắn, bước tiến rồi lại lùi trong việc thực thi thỏa thuận Minsk. Thế nhưng, các dấu hiệu then chốt gần đây cho thấy đã có những thay đổi về chất. Rõ nhất là việc các bên có lẽ đã chấp nhận định hình thực trạng để có thể tiến đến chấm dứt xung đột.
Đặc phái viên của Mỹ về hòa đàm Ukraine Kurt Volker đang có những bước đi giải quyết xung đột. (Nguồn: AFP) |
Những điểm sáng
Đầu tiên là cuộc gặp giữa tân Đặc phái viên Mỹ về Ukraine, Kurt Volker và cố vấn hàng đầu của Tổng thống Putin, ông Vladislav Surkov tại Minsk hôm 21/8. Tuy không đạt được bước tiến nào, nhưng hai bên đều xem đây là cuộc tiếp xúc thân thiện, thực chất. Đó là điều đáng ngạc nhiên, nếu biết rằng cuộc gặp diễn ra tại thời điểm bão tố nhất trong quan hệ Nga - Mỹ, với việc Quốc hội Mỹ thông qua Luật trừng phạt Nga, còn Nhà Trắng cân nhắc cung cấp vũ khí mới cho Ukraine.
Ngày 5/9, Bộ Ngoại giao Nga đệ trình dự thảo Nghị quyết lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đề cập khả năng cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới miền Đông Ukraine để bảo đảm an ninh tại Donbass cho các giám sát viên thuộc Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đang thực thi nhiệm vụ. Trước đó, Nga liên tục phản đối ý tưởng này. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel bình luận, điều chỉnh của Moscow có thể sẽ là “bước tiến lớn đầu tiên để xem xét dỡ cấm vận chống Nga”.
Riêng Mỹ và Ukraine chưa thực sự hào hứng, vì theo đề xuất của Nga, lực lượng gìn giữ hòa bình chỉ được triển khai tại đường ranh giới phân định khu vực của quân ly khai ở Donbass, trong khi Kiev muốn triển khai trên cả tuyến biên giới Nga - Ukraine.
Dấu hiệu tích cực thứ ba là việc Nga đã có phản ứng nhằm giải tỏa mối quan ngại về đề xuất phái lực lượng gìn giữ hòa bình. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 11/9, ông Putin cho biết “lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc có thể bảo vệ các quan sát viên OSCE không chỉ ở đường ranh giới, mà còn cả ở các khu vực khác”. Đây là biểu hiện của thỏa hiệp và chắc chắn nó không phải là quyết định được đưa ra chỉ sau một đêm.
Cử chỉ của các bên lúc đầu không tương ứng với tuyên bố. Hôm 18/9, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc tiết lộ, Ukraine và Mỹ đã nói rằng sẽ không hợp tác với Nga trong kế hoạch triển khai quân gìn giữ hòa bình. Một tuần sau, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh lại điểm này, khẳng định Nga đã đưa ra đề xuất thiện chí, nhưng không nhận được lời đáp từ, Nga sẽ không cố kéo Mỹ và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.
Khủng hoảng Ukraine phát triển theo chiều hướng dai dẳng. (Nguồn: AP) |
Đến ngày 25/9, tình thế thay đổi và đó có thể xem là tín hiệu thứ tư. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, mặc dù ông Volker nhìn nhận kế hoạch của Nga sẽ khiến Ukraine chia rẽ hơn, nhưng khẳng định việc đưa ra đề xuất chứng tỏ Nga đã sẵn sàng đối thoại thực chất và đây là tín hiệu cho thấy đàm phán tìm kiếm giải pháp là khả năng hiện hữu. Đáng chú ý, hãng tin Interfax còn cho biết, hai ông Volker và Surkov có thể sẽ gặp lại nhau vào đầu tháng 10 tới tại một nước ở khu vực Balkan.
Cần lạc quan về tương lai
Đây chỉ mới là tín hiệu ban đầu và việc các bên đồng ý đối thoại chưa hẳn là sẵn sàng dẹp bỏ khác biệt, đi tới thỏa hiệp. Hôm 27/9, Đại sứ EU tại Nga phát biểu, Liên minh châu Âu sẽ không gắn việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với dỡ bỏ cấm vận chống Nga.
Trước đó một ngày, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Josepth Dunford, trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho rằng Mỹ nên cung cấp vũ khí cho Ukraine để nước này bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Thế nhưng, bốn tín hiệu tích cực nêu trên vẫn rất có ý nghĩa, vì một thỏa thuận tốt là điều hợp lý với các bên.
Nga có hai lựa chọn, hoặc là để mặc tình hình như hiện nay, hoặc tìm cách kết thúc khủng hoảng theo cách thức nào đó. Giải pháp thứ hai là tốt hơn cả, vì Moscow sẽ tiết kiệm được khoản tiền hàng tỉ USD hàng năm đổ vào Donbass, tránh phải đối diện với một chính quyền thù địch ở Kiev được Mỹ trang bị vũ khí tới tận "chân răng".
Mỹ cũng sẽ cởi mở trong tìm kiếm thỏa thuận với Nga, vì không muốn Nga áp chế Đông Âu, không muốn bị kéo vào cuộc chiến khi đang phải bận rộn giải quyết thách thức hàng đầu hiện nay là Triều Tiên. Không hẳn là Mỹ sẽ quay lưng lại với Ukraine, mà chỉ là không hứa hẹn cung cấp vũ khí cho Kiev.
Điều cần xem xét tiếp theo là liệu ông Volker và Surkov có gặp lại nhau hay không và nếu có thì kết quả cuộc gặp sẽ như thế nào. Nếu tích cực, cuộc khủng hoảng sẽ từng bước chính thức được giải quyết, nếu không, đối đầu sẽ vẫn tiếp tục.
Nga quan ngại việc Mỹ xây trung tâm tác chiến hải quân tại Ukraine Việc Mỹ xây dựng trung tâm tác chiến hải quân tại Ukraine đang gây ra quan ngại, cũng như việc Mỹ xây dựng các căn ... |
Đằng sau Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine Trong các ngày 12-13/7 tại Kiev diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang xúc tiến việc ... |
G20: Lãnh đạo Nga, Pháp, Đức trao đổi về vấn đề Ukraine Tiếp tục các cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới ... |