📞

Sierra Leone: Thảm kịch nổ xe bồn và hệ thống y tế kiệt quệ

Bảo Đăng 16:47 | 19/11/2021
Ở một quốc gia không có bệnh viện điều trị bỏng, vụ nổ xe bồn ở Sierra Leone đã khiến hệ thống y tế tại đây rơi vào tình trạng quá tải và thậm chí là khủng hoảng.

Tối ngày 5/11, ở ngoại ô thủ đô Freetown, thành phố lớn nhất của Sierra Leone, một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra khi một xe chở nhiên liệu va chạm với một xe tải và phát nổ, gây cháy lớn lan sang nhiều phương tiện và cửa hàng gần đó.

Lễ tang tập thể cho các nạn nhân vụ nổ xe bồn tại Freetown, Sierra Leone. (Nguồn: AFP)

Khó khăn chồng chất

Khi đám cháy xảy ra, nhiều người thuộc khu dân cư Wellington gần đó đã đổ xô tới hiện trường để lấy nhiên liệu rò rỉ từ chiếc xe bị va chạm, và trở thành nạn nhân của vụ nổ. Đây là điều thường thấy ở các quốc gia châu Phi, tai nạn liên quan đến xăng dầu thường xuyên diễn ra do người dân địa phương bất chấp hiểm nguy để “hôi của” từ những xe chở xăng dầu gặp tai nạn.

Theo thông tin được giới chức Sierra Leone xác nhận, tính đến ngày 15/11, con số tử vong đã lên tới 144 người, 57 người được điều trị tại các bệnh viện và 11 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Hầu hết các bệnh nhân nhập viện đều bị bỏng trên 25%. Tại bệnh viện 34 Military ở Freetown, tỷ lệ tử vong là khoảng 60%.

Cơ quan Xử lý thảm họa quốc gia Sierra Leone nhận định sự việc cháy nổ gây ra tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản. Nhiều người trong số những người thiệt mạng là trụ cột gia đình, vì vậy thảm kịch đã đẩy một số người nghèo nhất ở quốc gia Tây Phi này vào tình cảnh tuyệt vọng hơn nữa.

Anh Ibrahim Sorie, một tài xế 25 tuổi bị bỏng nặng, đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ gia đình anh vì anh là lao động chính trong nhà.

Chị Mariatu Mansaray, em gái của một nạn nhân khác, đã nhận thi thể anh trai và xoay sở khắp nơi để lo hậu sự. Nhà xác tính đã thu của chị 23 USD tiền rửa thi thể và 23 USD nữa cho xe cấp cứu, tổng cộng là 46 USD - nhiều hơn số tiền chị kiếm được trong 1 tháng.

Hơn nữa, chị phải chi 165 USD cho những người đưa tang, đây là một điều bắt buộc ở một đất nước này vì tang lễ luôn được xem là một nghi thức vô cùng quan trọng.

Hệ thống y tế yếu kém

Việc điều trị cho những người bị thương gặp rất nhiều khó khăn, do tại quốc gia này không có bệnh viện hay chuyên khoa điều trị bỏng. Kể từ thời điểm bệnh nhân được đưa vào bệnh viện, các quan chức chính phủ, bác sĩ, y tá và nhân viên điều phối đã phải làm việc suốt ngày đêm để có đủ nhân lực, vật lực phục vụ công tác chữa bệnh.

Trong bối cảnh thiếu thốn vật tư y tế, thuốc điều trị và thiếu cả chuyên môn, các bác sĩ và y tá đã rất nỗ lực để cứu sống những bệnh nhân bị nhiễm trùng.

Nhưng mức độ nghiêm trọng của các vết thương từ vụ nổ này khiến ngay cả các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng phải lúng túng. Bác sĩ Songor Koedeyama, giám đốc của một bệnh viện tại Sierra Leone, đang tình nguyện điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Connaught lớn nhất đất nước chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ đối mặt với một vụ tai nạn với quy mô lớn như thế này”.

Các bệnh viện cũng quá tải đến mức, những nạn nhân bị thương nhẹ, hoặc không quá nghiêm trọng, bị từ chối nhập viện. Chỉ khi nào bệnh viện có giường trống do một bệnh nhân đã qua đời, những người đó mới được xem xét để được chữa trị.

Rõ ràng, hệ thống y tế Sierra Leone đã lộ ra những điểm yếu nguy hiểm. Nhân viên y tế tại các bệnh viện đã kiệt sức nhanh chóng vì phải làm việc liên tục trong nhiều giờ. Tại các hiệu thuốc công, một số loại thuốc thiết yếu, bao gồm cả thuốc giảm đau điều trị các cơn đau cấp tính và thuốc kháng sinh đang thiếu hụt trầm trọng.

Một ngôi nhà bị cháy rụi tại Freetown. (Nguồn: Getty)

Lawrence Sandi, giám đốc điều hành của Cơ quan Vật tư Y tế Sierra Leone cho biết, chính phủ đã làm mọi cách để có phương án hỗ trợ cho các nạn nhân bị bỏng.

Khi hay tin về vụ nổ, ông Sandi đã đến thẳng cửa hàng y tế của bệnh viện Connaught, chỉ đạo tập trung vật tư ở đó và chuyển cho các bác sĩ, đồng thời mua những loại thuốc thiết yếu mà bệnh viện đã hết, như dịch truyền tĩnh mạch.

Tuy nhiên, ở một số bệnh viện khác, bệnh nhân vẫn phải mua thuốc tại các quầy tư nhân với giá đắt hơn bình thường, trong khi đa phần họ là những lao động nghèo, tiền lương ít ỏi, thậm chí không đủ để trang trải cuộc sống.

"Điều tôi lo sợ là việc thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân trong cả quá trình", ông Sandi nói.

Hệ thống y tế ở Sierra Leone phân bố rời rạc; các chương trình công cộng, tư nhân và phi lợi nhuận chồng chéo lẫn nhau. Mặc dù trên danh nghĩa, chính phủ chịu trách nhiệm chính, song, các hoạt động y tế tại quốc gia này chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ và cung ứng từ nước ngoài.

Sierra Leone là một quốc gia đang phát triển ở Tây Phi. Tuy không phải chịu ảnh hưởng quá nặng nề từ đại dịch Covid-19 (hơn 6.300 ca nhiễm và 121 ca tử vong tính đến ngày 19/11), nhưng quốc gia này lại thường xuyên phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng y tế.

Tháng 5/2014, dịch Ebola bùng phát tại nước với 8.704 ca nhiễm, trong đó có 221 trường hợp là nhân viên y tế, 3.859 người đã tử vong. Nguyên nhân của những con số trên là do cơ sở y tế yếu kém, chậm trễ trong nhận thức nguy cơ dịch bệnh và thiếu đầu tư cho vaccine cũng như thuốc đặc trị.

Đến năm 2017, một trận lũ lụt và lở đất kinh hoàng tại thủ đô Freetown đã khiến ít nhất 312 người thiệt mạng, hàng ngàn người mất nhà cửa. Nhà xác bệnh viện Connaught nhanh chóng bị quá tải sau khi tiếp nhận khoảng 250 thi thể các nạn nhân.

(theo New York Times)