📞

Sứ mệnh hòa bình của Giáo hoàng Francis trong chuyến thăm CHDC Congo và Nam Sudan

Hạnh Lê 08:00 | 04/02/2023
Người đứng đầu Giáo hội Công giáo hiện đang trên đường thực hiện sứ mệnh giúp khôi phục hòa bình ở CHDC Congo và Nam Sudan - hai quốc gia trải qua nhiều năm xung đột và bạo lực.
Giáo hoàng Francis phát biểu tại thủ đô Kinshasa của CHDC Congo trong ngày 2/2. (Nguồn: Reuters)

Giáo hoàng Francis đang trong chuyến thăm tới Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo và Nam Sudan tuần này để gửi đi thông điệp hòa bình và hòa giải cho hai quốc gia vẫn đang chìm trong xung đột.

Chuyến công du của Giáo hoàng bắt đầu từ ngày 31/1 tại thủ đô Kinshasa của CHDC Congo, và điểm đến tiếp theo là Juba, thủ đô của Nam Sudan trong ngày 3/2. Người đứng đầu của Giáo hội Anh giáo và Giáo hội Scotland tham gia cùng với Giáo hoàng trong chặng thứ hai của chuyến đi.

Theo kế hoạch ban đầu, chuyến đi kéo dài 6 ngày diễn ra vào tháng 7/2022, song đã bị hoãn lại sau khi Giáo hoàng Francis bị chấn thương ở đầu gối, khiến ông phải ngồi xe lăn trong thời gian gần đây.

Đây là chuyến công du lần thứ 40 của Giáo hoàng kể từ khi ông nắm vai trò người đứng đầu Giáo hội Công giáo vào năm 2013, đồng thời là chuyến thăm thứ 5 tới châu Phi của ông.

Nguồn khích lệ cho CHDC Congo

Đặc phái viên Tòa thánh Vatican tại CHDC Congo khẳng định, chuyến đi sẽ nhắc nhở thế giới cần phải ngăn chặn các cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ.

Trong nhiều năm qua, quốc gia Trung Phi sở hữu nguồn khoáng sản dồi dào chìm trong tình trạng bất ổn và cảnh nghèo đói. Ông Samuel Pommeret, thành viên tổ chức phi chính phủ CCFD-Terre Solidaire cho hay, CHDC Congo “là hiện thân của bất công xã hội, đặc biệt với tình trạng kém phát triển và nghèo đói”.

Tại đây, hơn 100 nhóm vũ trang đang cố gắng giành quyền kiểm soát lãnh thổ hoặc sử dụng lãnh thổ làm căn cứ để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào một số nước láng giềng như Angola, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Rwanda và Uganda.

Trong đó, được biết đến nhiều nhất là vụ tấn công của nhóm vũ trang M23, một trong những cuộc tấn công gây chết người nhiều nhất ở Bắc Kivu và Ituri - hai tỉnh khai thác mỏ phía Đông Congo, giáp với Rwanda và Uganda.

Chính phủ Congo, các chuyên gia của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu đã cáo buộc Rwanda ủng hộ phiến quân nổi dậy, song Kigali đã bác bỏ điều này. Cuộc xung đột đã khiến nửa triệu người phải sơ tán và hàng trăm người thiệt mạng.

Trả lời hãng tin AFP (Pháp), Mauro Garofalo, người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế tại Cộng đồng Sant'Egidio - một tổ chức dịch vụ xã hội Công giáo có trụ sở tại Rome cho biết: “Tiếng nói của Giáo hoàng sẽ là nguồn khích lệ, động viên cho Congo, nhưng cũng đồng thời là động lực mạnh mẽ để các tầng lớp chính trị giải quyết các vấn đề của đất nước”.

Ước tính có khoảng 45 triệu người trong số gần 100 triệu người dân CHDC Congo là người Công giáo. Trong ngày 1/2 vừa qua, có tới hơn một triệu người đã tham dự Thánh lễ ngoài trời do Giáo hoàng Francis cử hành tại sân bay Kinshasa.

Trao thông điệp hòa bình cho Nam Sudan

Trong nhiều năm nay, Giáo hoàng đã bày tỏ mong muốn đến thăm Nam Sudan - đất nước với đa số là người Thiên Chúa giáo, nhưng các kế hoạch đã bị hoãn lại do sức khỏe của ông và tình hình bất ổn ở quốc gia này.

Dự kiến Giáo hoàng sẽ đưa ra lời kêu gọi hòa bình cùng với Tổng giám mục Canterbury Justin Welby và người điều hành Nhà thờ Scotland Iain Greenshields.

Giáo hoàng Francis đến dự sự kiện tại Hội trường Tự do ở Juba, Nam Sudan ngày 4/2. (Nguồn: AFP)

Trước đó, năm 2019, những người đứng đầu của nhà thờ Công giáo, Anh giáo và Scotland đã gặp các nhà lãnh đạo Nam Sudan là Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar tại Vatican để thuyết phục hai bên cứu vãn một thỏa thuận hòa bình bị đình trệ đã ký vào năm 2018.

Cũng tại đây, Giáo hoàng Francis đã khiến cả thế giới sửng sốt vì hành động quỳ xuống và hôn chân hai vị quan chức trên, kêu gọi không quay lại xung đột sau khi cả ông Kiir và ông Machar bị cáo buộc chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh.

Nam Sudan, quốc gia có tuổi đời ngắn nhất trên thế giới, chính thức tách khỏi Sudan vào năm 2011. Tuy nhiên, cuộc nội chiến nổ ra vào hai năm sau đó đã khiến 400.000 người thiệt mạng.

Hai bên chính trong cuộc xung đột đã ký một thỏa thuận hòa bình vào năm 2018, nhưng vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Theo Liên hợp quốc, tổng cộng 2,2 triệu người phải sơ tán trong nước ở Nam Sudan và 2,3 triệu người khác đã rời khỏi quốc gia này.

Vào tháng 6 năm ngoái, Liên hợp quốc đã cắt viện trợ lương thực cho Nam Sudan vì không đủ kinh phí. Các tổ chức viện trợ tiết lộ, phần lớn các nhà tài trợ đã chuyển hướng sang cuộc xung đột ở Ukraine.

Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng cho biết 7,76 triệu người, chiếm khoảng 2/3 dân số Nam Sudan, có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong năm nay.

Theo ông Garofalo, đây là một vấn đề nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng ở Nam Sudan. Công việc chung của các nhà thờ Thiên Chúa giáo, cũng như các giáo phái khác có thể được coi là một điều an ủi, xoa dịu người dân nước này trong bối cảnh ngày càng gia tăng chủ nghĩa vô thần và cạnh tranh chính trị.

(theo Aljazeera)