Dầu chiếm hơn 50% trong cấu phần năng lượng của Trung Quốc. Mức tiêu thụ của nước này đã bùng nổ và 40% trong số đó là dầu lửa đến từ Trung Đông.
Là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Iran và là một trong những khách hàng lớn nhất của Saudi Arabia.
Chủ nghĩa đại liên kết
Trong khi Mỹ “chơi bài chọn phe”, Nga đóng vai trò trung lập thì dường như Trung Quốc gần gũi và thân thiện với tất cả các quốc gia Trung Đông.
Mỹ đã chọn phe bằng cách đóng vai là trụ cột hỗ trợ trục Israel - Arab được hình thành để chống lại Iran.
Nga theo đuổi chính sách trung lập, được chào đón ở hầu hết các nước trong khu vực. Tuy nhiên, lâu nay Nga mắc kẹt tại Syria, loay hoay đối phó với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ...
Trong khi đó, Trung Quốc được xem như không bao giờ làm ai mất lòng ở Trung Đông: Gần gũi và thân với cả Iran và Saudi Arabia - vốn thù địch với nhau tại khu vực Vịnh Ba Tư; được Israel chào đón nồng nhiệt mà vẫn quan hệ tốt với Palestine; được cả Ankara và Damascus đánh giá cao trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm đóng một phần lãnh thổ Syria; không gây thù chuốc oán với bất kỳ phe phái nào của Lebanon.
Sự kết nối giữa Trung Quốc và Trung Đông. (Nguồn: European Financial Review) |
Để “ve vãn” các nước trong khu vực, Bắc Kinh không thiếu các con át chủ bài không chỉ trên phương diện tài chính mà còn cả chính trị. Trung Quốc hoàn toàn thờ ơ với tình hình nhân quyền, không phản đối các hình thức kết án tử hình được xem là tàn bạo được một số nước Trung Đông áp dụng.
Trung Quốc đang hỗ trợ các quốc gia ở Trung Đông thông qua việc bán những công nghệ giám sát tiên tiến nhất. Trung Quốc không có ý kiến về xung đột Israel - Palestine (đi theo lập trường Nga tại Liên hợp quốc).
Nước này cũng không đứng về bên nào trong đối đầu giữa Tehran và Riyadh, hiện được xem là đang gây ra mất cân bằng chiến lược trong khu vực.
Trung Quốc mua dầu lửa, đồng thời đầu tư tại nhiều nước trong khu vực. Ở vùng đất hình thành nên 3 tôn giáo lớn trên thế giới, một Trung Quốc theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Nho giáo đang tìm cách phát triển một chủ nghĩa đại liên kết.
Đúng là "có đi có lại". Không một quốc gia nào trong thế giới Arab - Hồi giáo lên tiếng chỉ trích về số phận của các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Trung Quốc. Ở Tehran, Riyadh hay Ankara, người ta cho rằng chỉ ở Tây Âu, Hồi giáo mới bị ngược đãi. Do vậy, Trung Quốc không muốn đóng vai trò trung gian hòa giải dù nhỏ nhất trong các cuộc xung đột khu vực.
Tất cả những điều trên giải thích cho việc Trung Quốc đạt được nhiều thành công với chính sách kiên trì và tính toán kỹ lưỡng để hiện diện tại Trung Đông. Điểm tựa quan trọng nhất của chính sách này có lẽ là Iran, một mắt xích quan trọng trên “con đường tơ lụa mới” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Bắc Kinh và Tehran mùa Hè qua đã tăng cường quan hệ đối tác thương mại và quân sự với việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và 400 tỷ USD mà Trung Quốc đầu tư trong vòng 25 năm để đổi lấy dầu của Iran.
“Bỏ túi” nhiều hợp đồng lớn
Trung Quốc đang có những bước tiến dài và lặng lẽ ở Iran. Theo tờ Le Monde, sở dĩ Trung Quốc có những bước đi "bí mật" là do sợ các công ty của nước này bị Mỹ trừng phạt.
Theo báo chí Mỹ, sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc tại Irankhông phải là trở ngại trong việc Trung Quốc phát triển quan hệ hợp tác hạt nhân với đối thủ của Iran là Saudi Arabia.
Nghịch lý là Riyadh lại muốn tiếp cận cơ sở hạ tầng hạt nhân của Trung Quốc, trong lĩnh vực chiết xuất uranium, để khi cần có thể đối phó với chương trình hạt nhân của Iran, một đồng minh lớn của Trung Quốc trong khu vực…
Quan hệ quân sự Trung Quốc - Iran cũng không ngăn Israel - vốn coi Iran là đối thủ số một - trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc. Để tìm kiếm nguồn vốn mới, lĩnh vực công nghệ cao của Israel luôn rộng mở chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc.
Theo Giáo sư Ilan Berman, chuyên gia Mỹ về Trung Đông, một số người trong giới chức ở Washington cho rằng Trung Quốc ngày nay đang làm chủ gần một phần tư công nghệ cao của Israel trong lĩnh vực quốc phòng. Điều này không khỏi làm Mỹ quan ngại.
Trung Quốc đang "bỏ túi" nhiều hợp đồng lớn về cơ sở hạ tầng ở Trung Đông. Nước này tham gia vào quá trình hiện đại hóa Haifa, cảng lớn của Israel ở Địa Trung Hải, nơi hạm đội Mỹ thường xuyên neo đậu. Trong khi Mỹ đánh giá vị trí trên ở mức vừa phải, Trung Quốc xem đây là lợi thế lớn ở Trung Đông và không chần chừ, Trung Quốc chủ động gây dựng cơ sở ở đây.