TIN LIÊN QUAN | |
Ông Trump hứa đem lại hòa bình cho Israel-Palestine | |
Cuộc gặp Trump - Abbas và bàn cờ Trung Đông |
Để đi đến kết luận này, Rachman đã tập trung phân tích sự suy yếu ảnh hưởng của Mỹ, nước chủ chốt của phương Tây, ở Trung Đông. Vì vậy, có thể đặt lại tên, thậm chí là chính xác hơn, cho chương này là “Trung Đông – Sự suy sụp của Trật tự Mỹ”, một trật tự do Mỹ lãnh đạo hình thành sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Trung Đông - Sự suy sụp của Trật tự Mỹ. |
Quyền lực suy yếu
Theo phân tích của Gideon Rachman, sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã giúp loại bỏ đối thủ chiến lược của Mỹ ở Trung Đông. Đồng thời, chiến thắng chớp nhoáng của Mỹ trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” năm 1991, thời Tổng thống Bush cha, đã củng cố vững chắc địa vị thống trị chiến lược của Mỹ ở khu vực “giếng dầu” của thế giới. Trong chiến dịch thần tốc này, Mỹ chỉ cần một ngày là đủ để đánh đuổi quân Iraq ra khỏi Kuwait. Tuy nhiên, vụ khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York và Lầu Năm Góc, tức Bộ Quốc phòng Mỹ, ở thủ đô Washington D.C, đã đẩy quyền lực của Mỹ ở Trung Đông vào giai đoạn suy sụp.
Ngay sau sự kiện khủng bố kinh hoàng này, Tổng thống Mỹ Bush con đã phát động “Cuộc chiến chống khủng bố”, khởi đầu bằng hai cuộc chiến tranh xâm lược tốn kém kéo dài, đó là Chiến tranh Afghanistan năm 2001 và Chiến tranh Iraq năm 2003. Giấc mơ của Tổng thống Bush con, tạo nên hai nước Afghanistan và Iraq dân chủ kiểu Mỹ và thân Mỹ, đã trở thành ác mộng. Cuộc chiến tranh xâm lược Iraq của Mỹ, với lý do là Iraq tàng trữ vũ khí hóa học, đã kích động Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan phát triển, dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khi lực lượng thánh chiến đánh chiếm được thành phố Mosul (Iraq) tháng 6/2014.
Cũng theo Gideon Rachman, quyền lực của Mỹ ở Trung Đông bị suy yếu do nền tảng của nó là bốn mối “quan hệ đặc biệt” với các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia và Israel đang bị lung lay. Tháng 1/2011, làn sóng cách mạng “Mùa Xuân Arab” ở Trung Đông hồi đầu thế kỷ XXI xô đến Ai Cập, nhấn chìm một trong những nước của thiên truyện huyền thoại nổi tiếng “Nghìn lẻ một đêm” vào thời kỳ bất ổn định chính trị - xã hội. Trong khi đó, nền tảng của mối “quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ với Saudi Arabia là dầu lửa bị suy yếu, do Mỹ đang tiến tới trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc đã trở thành khách hàng dầu lửa lớn nhất của Saudi Arabia. Đến năm 2014, trên 60% sản lượng dầu lửa của Saudi Arabia được xuất sang sang châu Á, với Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, chỉ có 8% được xuất khẩu sang Mỹ.
Bruce Reidel, một trợ lý của Tổng thống Barack Obama ở Nhà Trắng, đã cay đắng nhận xét: “Từ lâu, trước khi Mỹ xoay trục (sang châu Á), Saudi Arabia đã định hướng lại các ưu tiên kinh tế và chính sách của họ sang Nam Á và Đông Á”. Đồng thời, như Avigdor Lieberman, Bộ trưởng Ngoại giao Israel trong nội các của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thẳng thắn tuyên bố: “Quan hệ giữa Israel và Mỹ đang suy yếu. Mỹ đang phải đối phó với quá nhiều thách thức”. Trong thời Obama, Israel đã bắt đầu hướng sang phương Đông, tìm cách phát triển quan hệ với một châu Á đang trỗi dậy. Năm 2013, Trung Quốc đã đầu tư vào Israel 7 tỷ USD trong tổng số 107 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài của họ. Đặc biệt, sự can thiệp quân sự của Nga vào cuộc nội chiến ở Syria từ năm 2015 đã củng cố chính quyền Bashar al-Assad, làm suy yếu lực lượng đối lập được Mỹ và phương Tây ủng hộ, gây nên làn sóng tị nạn làm rối bời châu Âu và tạo ra một ấn tượng chung là Mỹ bất lực. Vì thế, quyền lực của Mỹ ở Trung Đông bị thách thức và suy giảm chưa từng có, buộc Mỹ phải dành nhiều nguồn lực cho Trung Đông.
Xoay trục sang châu Á
Trong khi đó, Kurt M. Campbell, cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về Đông Á – Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định, quyền lực thế giới đã và đang tiếp tục di chuyển mạnh sang châu Á, phần lớn lịch sử thế kỷ XXI sẽ được viết lên ở châu Á và tương lai của Mỹ sẽ gắn chặt với châu lục này. Theo Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ và nhiều dự báo khác, “đến năm 2030, châu Á sẽ vượt Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại về quyền lực toàn cầu dựa trên các tiêu chí tổng sản phẩm nội địa, dân số, chi phí quân sự, đầu tư công nghệ” và sẽ chiếm ba trong bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Do đó năm 2011, chính quyền Obama triển khai chiến lược Xoay trục sang châu Á vì một thập kỷ chiến tranh ở Trung Đông đã làm cho chính sách đối ngoại của Mỹ bị chệch hướng một cách nguy hiểm. “Trung Đông chỉ là một màn diễn phụ bỗng nhiên chiếm được sân khấu chính”, như Kurt Campbell đã viết trong cuốn sách “Xoay trục”. Tuy nhiên, do Mỹ bị sa vào thế tiến thoái lưỡng nan ở sình lầy Trung Đông, nên chiến lược Tái cân bằng - một tên gọi khác của chiến lược Xoay trục sang châu Á, đã gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, do thiếu nguồn lực, cả người và của.
Washington sẽ cứng rắn hơn?
Sau khi cuốn sách về “Đông hóa” của Gideon Rachman được xuất bản, các nhân tố làm cho quyền lực của Mỹ ở Trung Đông bị suy giảm đã có thêm những phát triển mới, bất lợi cho nước này. Cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15 và 16/7/2016, mà Tổng thống Erdogan cáo buộc là do giáo sĩ Fetullah, một người Thổ cư trú ở Mỹ chủ mưu, đã gây căng thẳng trong mối “quan hệ đặc biệt” Mỹ - Thổ và thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện quan hệ với Nga, đối thủ chiến lược chủ yếu của Mỹ ở Trung Đông. Nỗ lực của Tổng thống Donald Trump để Mỹ có thể sớm tự túc năng lượng bằng cách khai thác trữ lượng dầu 2.000 tỷ thùng, đủ dùng cho 283 năm và khí đốt đủ dùng cho 110 năm, chủ yếu là đá dầu và đá khí, sẽ ảnh hưởng xấu hơn nữa đến mối “quan hệ đặc biệt” của Mỹ với Saudi Arabia. Tháng 11/2012, Cơ quan Năng lượng quốc tế đã dự báo đến năm 2017, Mỹ có thể trở thành nước sản xuất dầu lửa nhiều nhất thế giới.
Tám năm chiến tranh của Chính quyền Bush con (2001-2008) đã kết thúc bằng cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, tồi tệ nhất trong lịch sử, như Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi đó Ben Bernanky, đánh giá. Không chỉ vậy, “thời kỳ một cực” của Mỹ với kinh tế tăng trưởng nổi trội nhất trong các nước phương Tây trong suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton (1993-2000) và ngân sách Mỹ kết dư lần đầu tiên kể từ năm 1967 trong nhiệm kỳ thứ hai cũng đã kết thúc, chủ yếu vì các cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Người dân Mỹ chán ghét chiến tranh, đương nhiên. Ông Obama hiểu rõ các điều đó, nên đã vận động tranh cử trên quan điểm yêu hòa bình, phản đối Chiến tranh Iraq và giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2008.
Sau khi lên cầm quyền, ông Obama tìm cách rút quân Mỹ khỏi các cuộc chiến tranh ở Trung Đông và tính tới sự hợp tác với Nga trong nỗ lực này. Tháng 3/2009, tại Hội nghị Nhóm 20 nước (G20) ở London (Anh), hai Tổng thống Obama và Putin đã cùng nhau tuyên bố, và hai Bộ trưởng Ngoại giao Clinton và Lavrov đã cùng nhau ấn nút tượng trưng, “khởi động lại” quan hệ Mỹ - Nga. Nhưng tiếc rằng “Mùa Xuân Arab” và IS ở Trung Đông, cùng cuộc “Cách mạng Cam” ở Ukraina đã phá hỏng kế hoạch đáng hoan nghênh này. Để “chuyển lửa” ra xa nhà và đánh vào “tử huyệt” của Mỹ, Nga đã tìm cách can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria. Chiến lược này của Nga tỏ ra rất hiệu quả.
Mười sáu năm “thời chiến” liên tục, trong suốt hai đời Tổng thống Bush con và Obama, đã làm cho người dân Mỹ quá mệt mỏi, chán chường và ngày càng muốn Mỹ giảm cam kết ở nước ngoài để quay vào củng cố trong nước. Tận dụng xu thế thế này, và cũng là nhu cầu thực sự của Mỹ, ứng cử viên Tổng thống Donald Trump đã nêu lên khẩu hiệu “Mỹ trước tiên”; bày tỏ mình từng phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq vì cho rằng nó sẽ làm cho Trung Đông mất ổn định; nói rằng mình cũng đã phê phán cuộc chiến tranh của Mỹ ở Libya vì theo ông, nếu còn Gadhafi, tình hình có thể tốt hơn; tuyên bố cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Syria một phần là do Mỹ, và sự dính líu của Nga vào Syria là điều tốt... Với cương lĩnh tranh cử này, tỷ phú Trump đã trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Lời đồn đại Moscow tác động qua mạng Internet để giúp Trump thắng cử, chưa biết có đúng sự thật hay không, nhưng không phải là không có lô-gic.
Ngày 7/4/2017 theo giờ Mỹ, trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, ông Trump đã ra lệnh cho tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria. Hành động này của chính quyền Trump có phải là tín hiệu của chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Đông nói chung, Syria và Nga nói riêng hay không là vấn đề quan trọng đáng quan tâm và bàn luận. Song, sơ bộ đã thấy nhiều khả năng đây chỉ là “rung cây dọa khỉ” mà thôi.
IMF: Trung Đông và Trung Á vẫn cần ưu tiên cải cách ngân sách và củng cố tài chính Môi trường thuận lợi hơn (bao gồm tăng trưởng kinh tế cao hơn dự kiến và xu hướng tăng giá hàng hóa) đã giúp thúc ... |
Mỹ và Israel thảo luận về tiến trình hòa bình Trung Đông Ngày 13/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc gặp tại Jerusalem với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về đàm phán các ... |
Trung Đông: Hòa bình vẫn xa khuất chân trời Trung Đông là một trong những vấn đề đối ngoại đầu tiên mà Tổng thống đắc cử Donald Trump sớm xung đột quan điểm không ... |