📞

Syria: Nỗ lực của các bên như muối bỏ biển?

15:52 | 26/09/2016
Hơn 1 năm sau ngày Nga chính thức phát động chiến dịch không kích tại Syria, tình hình tại quốc gia Trung Đông này dường như càng trở nên trầm trọng hơn.

Bất chấp các nỗ lực gần đây của Moscow và Washington nhằm xúc tiến một lệnh ngừng bắn, tạo tiền đề cho tiến trình đàm phán hòa bình, xung đột vẫn liên tiếp nổ ra và mâu thuẫn dường như chưa có hồi kết.

Căng thẳng leo thang

Sau khi quân đội Syria và các lực lượng đồng minh giành lại phía Bắc thành phố Aleppo ngày 24/9, siết chặt vòng vây tại vùng phía Đông đất nước hiện do quân nổi dậy nắm giữ, Ngoại trưởng Walid al-Moualem phát biểu trước 193 thành viên Đại hội đồng LHQ: “Chúng tôi đang rất tin tưởng vào chiến thắng của mình, bởi quân đội Syria đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến chống khủng bố và có sự trợ giúp từ những bè bạn thực sự của người dân Syria, nhất là Nga, Iran và quân kháng chiến Lebanon”.

Trong khi đó, phe đối lập dự kiến tổ chức một cuộc họp để quyết định xem có tiếp tục tiến trình hòa bình được Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn, hiện đang bị đình trệ, hay không. Trao đổi với báo giới, ông Riad Hijab, trưởng nhóm điều phối của phe đối lập Syria, nói: “Tôi kêu gọi Mỹ nhanh chóng có các biện pháp cụ thể, kể cả quân sự, chính trị và ngoại giao, để bảo vệ người dân Syria”.

Ông Hijab cho biết thêm, ông đã kêu gọi phe đối lập chính, Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) có trụ sở tại Riyadh, tổ chức một cuộc họp trong những ngày sắp tới để cân nhắc “tương lai của tiến trình chính trị, vốn đang bị các đồng minh của Chính quyền Damascus lợi dụng nhằm chiếm ưu thế trên thực địa”. Ngày 24/9, ông Hijab khẳng định các lệnh ngừng bắn từng phần mà Mỹ và Nga nhất trí trước đó đã đổ vỡ hoàn toàn.

Các binh sĩ quân đội Chính phủ Syria tại Aleppo. (Nguồn: EPA)

Ngoại trưởng Syria Moualem phủ nhận các cáo buộc cho rằng Chính quyền Syria đang bỏ đói người dân và tiến hành các hoạt động bao vây khắc nghiệt. Ông chỉ trích Mỹ và quân đồng minh “dính líu” đến các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhiều nhóm “khủng bố có vũ trang” khác.

Người Phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, ông Stephane Dujarric bày tỏ lo lắng về “tình trạng leo thang căng thẳng” tại Aleppo. Trong một tuyên bố ngày 24/9, ông Dujarric nhấn mạnh: “Sau tuyên bố cách đây 2 ngày của quân đội Syria về chiến dịch tấn công nhằm giành lại phía Đông Aleppo, đã có nhiều thông tin cho biết chiến dịch không kích lần này được tiến hành với nhiều loại vũ khí và hỏa lực sát thương tân tiến, trong đó có cả bom phá boong-ke… Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng, đây là một ngày vô cùng đen tối đối với các cam kết toàn cầu về bảo vệ người dân”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã gặp nhau vài lần tại New York để tìm cách khôi phục thỏa thuận mà hai bên đã nhất trí hôm 9/9 nhằm đưa tiến trình hòa bình Syria quay trở lại lộ trình.

Thỏa thuận này bao gồm một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc để tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ và tổ chức các chiến dịch quân sự chung nhằm vào phiến quân IS và Mặt trận Nursa. Tuy nhiên, hơn một tuần sau đó, lệnh ngừng bắn đã đổ vỡ khi một phái đoàn viện trợ bị trúng bom vào hôm 19/9, khiến 20 người thiệt mạng. Tới ngày 22/9, quân đội Syria tuyên bố tiến hành cuộc tổng tấn công nhằm giành lại toàn bộ Aleppo.

Ngày 23/9, Ngoại trưởng Kerry cho biết, cuộc gặp giữa ông và ông Lavrov không đạt nhiều tiến triển. Các nhà ngoại giao cho biết hai bên đã trao đổi các đề xuất của mình, theo đó Mỹ yêu cầu Nga và Syria ngừng các cuộc không kích trong vòng 7 ngày để cho phép hàng viện trợ tới được các vùng dân cư đang bị bao vây.

Tại Boston, hôm 24/9, ông Kerry tuyên bố: “Những gì đang diễn ra ở Aleppo là điều không thể chấp nhận được… Nếu người ta thực sự nghiêm túc trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến này thì họ nên ngừng bắn, chấm dứt việc ném bom giết hại những phụ nữ và trẻ em vô tội, ngừng cắt nước sạch và ngừng các hoạt động bao vây như thời trung cổ đối với toàn bộ cộng đồng này”.

Người dân Aleppo đang gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm vì tình hình chiến sự. (Nguồn: AFP)

"Nhiều khi chúng ta phải thử..."

Việc phái đoàn viện trợ nhân đạo của Syria bị ném bom hồi tuần trước đã giáng một đòn nặng nề vào thỏa thuận ngừng bắn mà Ngoại trưởng Mỹ Kerry đầu tư công sức. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên ông phải tiêu tốn nhiều sức lực và thời gian vào một vấn đề nào đó, để rồi chỉ nhận lại sự thất vọng hoặc phản bội của các đối tác đàm phán.

Nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Syria là một trong những "dự án" tham vọng nhất của Ngoại trưởng Kerry nhằm sửa chữa sai lầm nghiêm trọng về chính sách đối ngoại của Chính quyền Tổng thống Barack Obama, bắt đầu từ việc trừng phạt Damascus vì dám vượt qua "giới hạn đỏ" sử dụng vũ khí hóa học hồi năm 2013.

Ông James Dobbins, cựu đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan, cho rằng ông Kerry đã rất nỗ lực để thúc đẩy thỏa thuận này cho dù điều đó đồng nghĩa với việc ông phải theo đuổi các chính sách mà ông không nhất trí. Ông cho rằng, Ngoại trưởng Kerry nhìn nhận "tình hình ở Syria quá nghiêm trọng và có thể dẫn đến những hậu quả hết sức tồi tệ, bởi vậy, ông ấy không thể rút lui và để phần việc đó cho người khác". Nhìn chung, ông Kerry cho rằng, thà nỗ lực tìm kiếm giải pháp và kể cả là hứng chịu thất bại còn hơn là khoanh tay đứng nhìn.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhiều lần gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. (Nguồn: Getty Images)

Trong suốt 4 năm nắm giữ cương vị là người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ, ông Kerry đã có những chuyến công du với tần suất nhiều hơn những người tiền nhiệm, và thậm chí nhiều lần ông còn vội vã tới mức chưa kịp đề ra một chiến lược cụ thể. Ông Dobbins nói: "Rõ ràng ông Kerry sẵn sàng chấp nhận rủi ro, kể cả đánh cược uy tín cá nhân, hơn bất kỳ người nào khác". Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích rằng, Ngoại trưởng Kerry đã quá nhân nhượng trong các cuộc đàm phán với Nga, điều mà họ cho là đang bị Moscow lợi dụng để xúc tiến một thỏa thuận về Syria nhằm củng cố vị thế của Nga.

Thậm chí, Thượng nghị sỹ John McCain còn gọi ông Kerry là "một người gan dạ nhưng quá ngây thơ" khi đặt quá nhiều niềm tin vào triển vọng hợp tác với Nga. Ông Kerry sẽ nghỉ hưu sau khi nhiệm kỳ Ngoại trưởng kết thúc, và nhiều lần nhấn mạnh ông không có gì để mất. Trao đổi với Reuters, ông nói: "Trong ngành ngoại giao, nhiều khi chúng ta phải thử... Sẽ là sai lầm nếu chúng ta không thử làm gì đó, nhất là khi có những tia hy vọng nhất định".

(theo Reuters)