Tổng thống John F. Kennedy đọc diễn văn nhậm chức ở Đồi Capitol ngày 20/1/1961. |
Trong buổi tiệc tối 20/11 vừa qua, khi tặng 16 người Mỹ ưu tú Huân chương Tự do của Tổng thống - một giải thưởng do chính JFK lập ra nhưng chưa kịp trao cho người nào vì ông đã bị ám sát trước đó hai tuần (22/11/1963), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói: "Kennedy sống mãi trong tâm trí người Mỹ, không phải vì ông rời bỏ chúng ta ra đi quá sớm, mà vì ông là hiện thân của những phẩm chất của dân tộc mà ông lãnh đạo".
Thật vậy, là người Mỹ, không ai không biết bài diễn văn nhậm chức làm thay đổi nước Mỹ của Tổng thống JFK, nhất là lời khuyên đã trở thành "ngạn ngữ" trong bài diễn văn này: "Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho các bạn mà hãy hỏi xem các bạn có thể làm gì cho đất nước". Bài diễn văn này đã được nhiều người Mỹ đánh giá là một trong những bài diễn văn quan trọng nhất của thế kỷ 20, chỉ xếp sau Tôi có một giấc mơ của Martin Luther King Jr. Tuy nhiên, cũng có người tò mò: Tác giả thực của bài diễn văn làm thay đổi nước Mỹ kia là Tổng thống JFK hay Sorensen, người trợ lý của ông?
Đóng góp tập thể
Không có gì là bí mật khi các tổng thống thường nói những lời mà bản thân họ không viết. Giáo sư Mike Vuolo ở Đại học Purdue (Mỹ) dẫn chứng: "Khi Tổng thống George Washington đọc bài phát biểu nhậm chức lần đầu tiên vào ngày 30/4/1789, ông đã đọc từ một bản thảo do người bạn James Madison biên soạn. Chúng ta không đòi hỏi các chính trị gia của mình phải là những nhà văn lớn, mà chỉ cần là những nhà tuyên truyền hiệu quả và đôi khi những tác giả thực thụ của các bài phát biểu cũng được lợi từ tài hùng biện của những chính trị gia kia".
Trường hợp của Tổng thống JFK cũng vậy. Theo Giáo sư Vuolo, tài hùng biện của ông JFK đã được công nhận rộng rãi nhờ một phần vào người trợ lý và cố vấn pháp lý lâu năm Ted Sorensen, người sau đó trở thành người chắp bút chính cho các bài diễn văn của ông JFK. Ông Sorensen rất hiểu ông JFK và cũng rất hiểu về hùng biện. Ông đã viết: Phong cách và chuẩn mực của chúng tôi (JFK và Sorensen) ngày càng hòa làm một. Song khi khối lượng diễn văn tăng lên, chúng tôi đã nhiều lần cố gắng đi tìm những người giỏi dùng ngôn ngữ, những người có thể viết cho ông theo phong cách mà ông đã quen, nhưng không thành công. Phong cách viết của những người mà chúng tôi đã cố gắng tìm có thể nói rất hay, có thể còn hay hơn, nhưng đó không phải là người mà Tổng thống muốn.
Tổng thống JFK đã cho rằng diễn văn nhậm chức của ông nên là một thông điệp cho “một thời đại sắp bắt đầu", một kỷ nguyên trong đó ông đã tưởng tượng về chính sách ngoại giao và các vấn đề toàn cầu - chẳng hạn như bóng ma của hạt nhân hủy diệt sẽ là mối quan tâm chính của ông. Nhưng trong khi ông Sorensen có thể là người duy nhất đáng tin cậy có thể viết lời cho những ý tưởng của ông JFK, thì bài diễn văn lại quá quan trọng để có thể chỉ giao phó cho một người. Vì vậy, ngày 23/12/1960, chưa đầy một tháng trước khi ông JFK sẽ đứng tại phía Đông đồi Capitol để tuyên thệ nhậm chức, ông Sorensen đã gửi một bức điện tín tới 10 người, nhờ tư vấn "những chủ đề cụ thể" và "ngôn ngữ để diễn đạt những chủ đề này dù chiếm 1 trang hay 10 trang giấy"...
Mặc dù không ai nghi ngờ ông Sorensen là "kiến trúc sư trưởng" của diễn văn nhậm chức của Tổng thống JFK, song chắc chắn bản thảo cuối cùng đã bao gồm những đóng góp, những vay mượn từ Kinh Cựu Ước, Tân Ước, ông Lincoln hay đối thủ của ông Kennedy và hai lần là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Adlai Stevenson, nhà kinh tế học Harvard John Kenneth Galbraith, nhà sử học Arthur Schlesinger Jr. và đặc biệt, các chuyên gia ngôn ngữ và chiến lược đều tin rằng còn có sự đóng góp quan trọng của chính ông JFK nữa.
Sorensen từ chối
Tuy là tập thể đóng góp, nhưng theo Giáo sư Vuolo, khó trả lời chính xác cá nhân nào đã viết bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống JFK. Thứ nhất, lúc cuối đời, ông Sorensen, người đã qua đời vào năm 2010, thừa nhận đã tiêu hủy những bản dự thảo bài diễn văn đầu tiên theo yêu cầu của bà Jacqueline Kennedy, người luôn bảo vệ các di sản của chồng. Thứ hai, ông Sorensen cũng nổi tiếng là người ít nói. Chẳng hạn, nếu có hỏi ông ấy rằng, có phải ông đã viết những dòng quan trọng nhất của bài diễn văn đó không? thì ông ta cũng sẽ trả lời đơn giản rằng: "Đừng hỏi".
Trong một cuộc phỏng vấn với ông Richard Tofel, tác giả của cuốn sách Sounding the Trumpet: The Making of John F. Kennedy's Inaugural Address (tạm dịch Nghe kèn Trumpet: Viết diễn văn nhậm chức của John F. Kennedy), ông Sorensen dường như có ý nói rằng việc bảo vệ huyền thoại còn cần thiết hơn bất kỳ một sự thật đơn lẻ nào về một con người. Ông Sorensen đã viết: "Tôi nhận ra rằng tôi có một nghĩa vụ lịch sử nào đó, nhưng toàn bộ thời gian qua tôi đã cố gắng để làm cho rõ ràng rằng Tổng thống Kennedy là tác giả chính của tất cả các bài diễn văn và bài báo của ông ấy. Nếu tôi nói khác đi, tức là tôi làm giảm giá trị của ông và tôi không muốn làm điều đó". Hơn nữa, chính ông Sorensen đã từ bỏ tác quyền của mình khi xé bỏ những bản thảo đầu tiên - những tài liệu có thể là bằng chứng duy nhất để xác định quyền tác giả chính của ông Sorensen.
Và giá trị "JFK"
Giở lại các chứng cứ, vào ngày 16 và 17/1/1961, tại khu nghỉ dưỡng của nhà Kennedy ở Palm Beach, bang Florida, ông Sorensen và JFK đã "chốt" bản thảo cuối cùng của bài diễn văn nhậm chức. Vào chiều 17/1, hai người bay về Washington cùng phóng viên tạp chí Time Hugh Sidey trên chiếc máy bay riêng mang tên "Caroline" của nhà Kennedy. Thỉnh thoảng trong chuyến bay, ông Kennedy lại viết nguệch ngoạc lên một tờ giấy nhắn màu vàng ngay trước mặt phóng viên Sidey, cứ như thể ông đang phác ra những suy nghĩ về bài phát biểu vừa chợt lóe lên trong đầu ông. Những gì ông Kennedy thực tế đã viết ra là một số câu đã có trong bản thảo được đánh máy. Trong một cuộc phỏng vấn với nhà sử học Thurston Clarke, tác giả của cuốn sách Ask Not: The Inauguration of John F. Kennedy and the Speech that Changed America (tạm dịch Đừng hỏi: Lễ nhậm chức của John F. Kennedy và bài diễn văn đã thay đổi nước Mỹ), Sidey chợt nhớ lại, "Đó là 3 ngày trước lễ nhậm chức và ông ấy đã không viết gì thêm so với bản thảo đầu tiên?".
Không chỉ ông JFK, mà cả ông Sorensen cũng bị "đóng đinh" với những gì mà đến nay mọi người đều biết đó là bản thảo cuối cùng của bài diễn văn. Thậm chí, có nguồn tin còn cho rằng, ông JFK đã viết tay lại bản thảo được đánh máy và ghi ngày "17/1/1961". Sau vụ ám sát JFK, các trang viết tay này đã được trưng bày tại Thư viện Tổng thống và được coi là bản thảo ban đầu.
Tuy nhiên, theo phân tích của Giáo sư Vuolo, thẳng thắn mà nói, Tổng thống JFK sống mãi trong lịch sử của nước Mỹ không phải vì những thành tựu to lớn mà ông đã làm - ông qua đời trước khi ông có thể hoàn thành những công việc lớn lao mà ông đã vạch ra. Nhưng ông JFK đã đi vào lịch sử vì khả năng hùng biện thì hoàn toàn đúng. Ông Vuolo nhấn mạnh, "Những lời nói của JFK mang những giá trị sâu sắc nhất và thể hiện những nguyện vọng cao nhất, cao hơn bất kỳ ai từng thể hiện. Đó là giá trị của ông Kennedy, không phải của Sorensen... Chúng ta đang nói về ông ở độ dài 50 năm sau khi ông qua đời và tôi tin rằng chúng ta đang làm điều đó vì sức mạnh của lời nói. Và trong tiềm thức, những lời nói đó là của Kennedy".
"Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho các bạn mà hãy hỏi xem các bạn có thể làm gì cho đất nước" Là câu nói nổi tiếng trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/1/1961 của Tổng thống John F. Kennedy được nhiều thế hệ người Mỹ khắc ghi.
Hoàng Minh