Tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. (Nguồn: Reuters) |
Có thể nói, hiện nay, lợi ích sống còn đối với Australia là giữ gìn một trật tự khu vực và quốc tế dựa vào luật pháp. Do vậy, bên cạnh quan hệ đồng minh với Mỹ, Australia cần củng cố quan hệ an ninh với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương khác như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.
“Mối duyên” với Trung Quốc
Theo nhà báo Karitakahashi (tờ The Nikkei - Nhật Bản), ông Turnbull có “duyên” với Trung Quốc khi từ năm 1994, ông đã lên kế hoạch và điều hành một dự án khai thác kẽm với tỉnh Hà Bắc và thành phố Trương Gia Khẩu của Trung Quốc. Tại thời điểm đó, ở Trương Gia Khẩu không có khách sạn sang trọng, trung tâm mua sắm và tiềm năng để phát triển thịnh vượng. Ông Turnbull đã gợi lại những điều này trong bài phát biểu của mình tại Đại học Quốc gia Australia vào năm 2014. Ông cho rằng, trong quá khứ, Australia đã góp phần vào sự phát triển của Trung Quốc. Dự án khai thác kẽm đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 700 người dân địa phương. Khi còn là Bộ trưởng Truyền thông Australia, ông Turnbull cũng ủng hộ việc bãi bỏ lệnh cấm Tập đoàn truyền thông Trung Quốc Huawei xây dựng mạng lưới băng tần quốc gia.
Hơn nữa, tờ Financial Review của Australia cho biết, con trai ông Turnbull kết hôn với con gái của thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, là một chuyên gia luật quốc tế, đang điều hành một quỹ đầu tư tại Singapore, hiện đang tham vấn cho Bắc Kinh trong các vấn đề liên quan tới luật. Trước đó, Bắc Kinh tỏ ra hài lòng với bài phát biểu của Thủ tướng Turnbull tại một diễn đàn kinh tế Australia – Trung Quốc về mối quan hệ bền chặt giữa hai nước trong thời kỳ Thế chiến II. Dưới thời Thủ tướng Abbott, chính sách của Australia có vẻ thiên về quan hệ với Nhật Bản và từng coi Nhât Bản là “người bạn tốt nhất” tại châu Á. Hai nước đã thiết lập mối quan hệ an ninh chặt chẽ.
Khẳng định vội vàng
Liệu những lập luận trên có thể góp phần khẳng định chính sách của Thủ tướng Turnbull sẽ thiên về Trung Quốc? Ông Malcolm Cook, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Viện Chính sách quốc tế Lowy cho rằng, sẽ là vội vàng nếu khẳng định Canberra gần gũi hơn với Bắc Kinh dưới chính quyền của tân Thủ tướng.
Ông Turnbull có thể sẽ thận trọng và nhạy bén hơn trước những lo ngại về phản ứng dữ dội của Bắc Kinh trong khu vực. Quan hệ Đối tác chiến lược giữa Canberra với Tokyo và Washington vẫn được duy trì. Điều này thể hiện qua việc ông Turnbull giữ lại Ngoại trưởng Bishop và ông Robb, người dẫn dắt các hiệp định thương mại tự do giữa Australia với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ông Turnbull dường như có ít thay đổi trong lập trường ngoại giao kinh tế với châu Á nhằm đạt được những lợi ích thiết thực.
Tân Thủ tướng Australia coi trọng mô hình lãnh đạo của Thủ tướng nước láng giềng New Zealand. Cũng như ông Turnbull, ông John Key từng hoạt động trong lĩnh vực tài chính trước khi bước vào chính trường và đã sớm ký kết FTA với Trung Quốc, mở ra cơ hội to lớn cho việc xuất khẩu sữa. Australia cũng có mục đích hiệu lực hóa FTA với Trung Quốc trong năm nay. Nhưng không giống như người láng giềng New Zealand, Australia là quốc gia tầm trung trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nếu Australia gần gũi hơn với Trung Quốc, điều này sẽ tác động rất lớn tới an ninh khu vực.
Nhân tố Mỹ, Nhật
Ông Turnbull muốn điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình nhưng để làm được điều này, ông cần để ý đến thái độ của Mỹ. Washington cũng ủng hộ tân Thủ tướng Turnbull. Ngày 23/9, Đại sứ Mỹ tại Australia John Berry đã tuyên bố, việc Chính phủ Australia lựa chọn ông Turbull là một “sự lựa chọn chắc chắn và sáng tạo”. Dưới thời ông Abbott, Australia tham gia vào các hoạt động quân sự bên cạnh Mỹ trong các cuộc không kích ở Iraq và Syria chống lại các nhóm chiến binh Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Washington hy vọng, nỗ lực này vẫn được tiếp tục dưới sự lãnh đạo của ông Turnbull.
Bản thân ông Turnbull có mối liên hệ gần gũi với giới doanh nghiệp và chính giới Mỹ từ cuối những năm 1990, là người quan tâm sâu sắc các vấn đề quốc tế và ủng hộ mối quan hệ đồng minh Mỹ - Australia. Washington đang theo dõi thái độ của tân Thủ tướng Australia trong vấn đề Trung Quốc và an ninh khu vực. Vì vậy, dù muốn “thân” với Trung Quốc, ông Turnbull phải hết sức thận trọng để tránh “mất lòng” đồng minh truyền thống của mình là Mỹ.
Bên cạnh Mỹ, Nhật Bản cũng là nhân tố tác động lớn tới hoạch định chính sách đối ngoại của tân Thủ tướng Australia. Ông Abbott và ông Abe từng có mối quan hệ cá nhân gần gũi, cũng như sự tương đồng trong phong cách lãnh đạo. Hai chính quyền cũng có chung đặc tính bảo thủ. Tuy nhiên, sự tương đồng này sẽ biến mất khi ông Turnbull đứng đầu Chính phủ Australia. Ông Cook cho rằng, ông Turnbull là một chính trị gia có chính sách thực tế hơn ông Abbott. Vì vậy, sau khi ông Turnbull lên nắm quyền, chắc chắn quan hệ Australia – Nhật vẫn được duy trì, nhưng sẽ không thể “mặn mà” như dưới thời ông Abbott hay những người tiền nhiệm như John Howard và Junichiro Koizumi.
Tháng 7/2014, ông Abbott và ông Abe đã hứa hẹn sẽ trao đổi những chuyến thăm chính thức. Hai nhà lãnh đạo này cũng đã lên kế hoạch cho chuyến thăm vào cuối năm nay. Nhưng, với sự thay đổi lãnh đạo đột ngột của Australia, ông Turnbull vẫn chưa đưa ra quyết định về việc này.
Như vậy, đâu là nơi đầu tiên ông Turnbull sẽ tới thăm trên cương vị mới vẫn là một câu hỏi. Trong những ngày đầu tiên nhậm chức, ông Turnbull khó có thể có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại, chẳng hạn như dừng tiếp nhận 2.500 quân Mỹ đồn trú ở Darwin hay chấm dứt sự tham gia quân sự ở Iraq và Syria. Tân Thủ tướng Australia cần có thời gian.
Tiếng nói của Australia sẽ có thêm sức nặng trong thế giới đa cực này nếu chính quyền của ông Turnbull dung hòa tốt mối quan hệ với cả hai đối tác khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc, cũng như xích lại gần với các nước trong khu vực.
Hằng Phạm (tổng hợp)