Theo tác giả bài báo, với quy mô lây lan của đại dịch Covid-19, cũng như những hậu quả tiêu cực về kinh tế và xã hội mà nó mang lại trên toàn thế giới, Việt Nam lại là một ví dụ rất thú vị.
Việt Nam, một trong những nền kinh tế ổn định và đang phát triển nhanh chóng nhất của Đông Nam Á, đã đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19 khá thành công và duy trì tăng trưởng kinh tế, mặc dù vẫn phải gánh chịu những tổn thất do ảnh hưởng của đại dịch.
Việt Nam, một trong những nền kinh tế ổn định và đang phát triển nhanh chóng nhất của Đông Nam Á, đã đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19 khá thành công và duy trì tăng trưởng kinh tế. (Nguồn: Getty) |
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Có thể khẳng định chắc chắn rằng Việt Nam, quốc gia với dân số hơn 96 triệu người, đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, trong đó, các biện pháp phòng ngừa chống dịch bệnh này đóng một vai trò đặc biệt trong việc tránh được một số lượng lớn nạn nhân tử vong.
Một trong những thách thức chính của đại dịch là mật độ dân số cao ở Việt Nam, đe dọa lây nhiễm trên diện rộng. Tuy nhiên, những biện pháp được thực hiện để phát hiện bệnh sớm, cách ly nghiêm ngặt, các quy tắc về khoảng cách xã hội và điều trị hiệu quả đã giúp tránh được tất cả những hậu quả xấu.
Tính đến ngày 15/9, đã có 1.063 trường hợp nhiễm Covid-19 được xác định tại Việt Nam, trong đó có 926 trường hợp đã phục hồi, 102 trường hợp đang được điều trị và 35 trường hợp tử vong.
Một điều thú vị nữa là số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam chỉ bằng 0,0036% trong tổng số 29,2 triệu ca được báo cáo trên toàn thế giới. Đồng thời, Bộ Y tế Việt Nam đã đề nghị mua 50-150 triệu liều vaccine phòng chống Covid-19 Sputnik V của Nga do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật mang tên Viện sĩ Gamaleya thuộc Bộ Y tế Liên bang Nga phát triển.
Trước đó, Việt Nam đã bàn giao cho phía Nga một lô hàng nhân đạo là sản phẩm y tế hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Việt Nam sản xuất. Thực tế này một lần nữa khẳng định truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong quan hệ giữa Nga và Việt Nam do các thế hệ đi trước để lại, được gìn giữ và nhân lên trong điều kiện lịch sử mới.
Biến thách thức thành cơ hội
Đại dịch cũng đặt ra thách thức đối với nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam. Các dự báo trước đại dịch cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ lên tới 6,8%, nhưng trong quý II/2020 đã giảm xuống còn 0,36% (một chỉ số tốt trong bối cảnh đại dịch, nhưng lại là mức tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hơn 35 năm qua).
Đại dịch và những hạn chế đi kèm đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm của người dân. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, hơn 30 triệu công nhân đã bị ảnh hưởng ở thời kỳ cao điểm của cái gọi là “đình trệ sản xuất” vào tháng 4. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là công dân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (72%), tiếp theo là công nhân trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (67,8%), cũng như những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá (25,1%). Tất nhiên, nhờ việc dỡ bỏ dần các hạn chế, hầu hết các doanh nghiệp cũng như đại diện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người làm thuê đã tiếp tục công việc của họ.
Một đặc điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong thập niên gần đây là sự củng cố và phát triển quan hệ với các quốc gia khác thông qua thương mại và đầu tư. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 37,48 tỷ USD so với năm 2018, phần lớn là do các công ty đang hướng tới đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, đại dịch đã làm giảm nhu cầu trên tất cả các mặt, điều này cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu của cả nước giảm 1,1% so với năm trước xuống còn 121,21 tỷ USD và nhập khẩu - giảm 3,0% xuống 117,17 tỷ USD dẫn đến xuất siêu đạt 4,04 tỷ USD.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán rằng, trong tương lai gần, nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể hoàn toàn dựa vào hai yếu tố truyền thống của tăng trưởng kinh tế là nhu cầu bên ngoài và tiêu dùng trong nước, trong khi ngành sản xuất xuất khẩu - nguồn tạo việc làm chính ở các thành phố - sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm thêm đơn hàng từ nước ngoài. Một trong những cách giải quyết tình huống này là tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia có ít trường hợp mắc Covid-19, cũng như tăng cường xuất khẩu nông sản sang các nước đang đối mặt với vấn đề an ninh lương thực ngày càng trầm trọng. Ví dụ, nhiều quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương dựa vào nguồn lương thực nhập khẩu - Quần đảo Solomon nhập khẩu 70% lượng gạo từ Việt Nam.
Bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bao gồm cả ngành du lịch, ngành có doanh thu chiếm gần 9% GDP của cả nước, kể từ ngày 22/3, Việt Nam đã đình chỉ việc nhập cảnh của tất cả người nước ngoài để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 (biện pháp này không áp dụng đối với các nhà ngoại giao, quan chức, nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia và công nhân lành nghề). Ngoài ra, kể từ ngày 31/8, Bộ Y tế hủy bỏ quy định bắt buộc cách ly 14 ngày đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý và nhà ngoại giao nước ngoài đi công tác ngắn hạn dưới 14 ngày.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch nước ngoài giảm 50% so với năm 2019. Các hãng hàng không Việt Nam cũng bị thua lỗ.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều xấu. Trước những hạn chế đối với du lịch quốc tế, các nhà chức trách Việt Nam quyết định phát triển du lịch nội địa để hỗ trợ nền kinh tế đất nước. Ngoài ra, nếu xét về các chỉ số thống kê, điều đáng chú ý là Việt Nam đang có vị thế tốt hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Trong khi duy trì khả năng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, quốc gia này hoàn toàn có khả năng chống lại tác động tiêu cực của Covid-19. Nó cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút các công ty mới đang muốn tiếp tục sản xuất trong một môi trường ổn định hơn.
Trong trường hợp này, các gói kích thích được áp dụng tại Việt Nam vào tháng 3 năm nay cũng sẽ giúp ích cho nền kinh tế. Nhà chức trách đang hỗ trợ các công ty bị tác động của đại dịch bằng cách hoãn thuế, giảm phí thuê bất động sản và cung cấp các ưu đãi về tín dụng. Đáng chú ý là Bộ Tài chính Việt Nam cũng đã có quyết định về việc miễn thuế nhập khẩu khẩu trang thiết bị phẫu thuật, chất khử trùng, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, cũng như các vật tư, thiết bị cần thiết khác để phòng chống đại dịch Covid-19.
Tóm lại, từ những điểm nêu trên, có thể nói rằng, nhờ các biện pháp khá thành công để chống lại sự lây lan của Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam hiện có cơ hội để thử nghiệm các cơ chế thích ứng mới với thời kỳ hậu đại dịch, không chỉ liên quan đến nền kinh tế mà còn cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn dân.