📞

Thắc mắc về điều kiện cho COC

08:06 | 12/08/2017
Có thể xem phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 50 tại Philippines rằng “nếu không có một sự gián đoạn lớn từ các bên ngoài cuộc” là nội dung của điều kiện đặt ra cho việc “xem xét khởi sự tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)”.

Thế nào là “gián đoạn lớn”?

Không thể không thắc mắc trước ấn định điều kiện tiên quyết là “nếu không có sự gián đoạn lớn từ các bên ngoài cuộc”. Thế nào là “sự gián đoạn lớn từ các bên ngoài cuộc”? Trên một vùng biển, trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan, bao phủ một diện tích khoảng 3.447.000 km², mà Việt Nam gọi là Biển Đông, bất cứ tàu bè của một “nước thứ ba” nào cũng có thể “vô tình” tạo thành “sự gián đoạn lớn lao” trong một vụ “va chạm” bất ngờ và không kiềm chế từ một bên trong cuộc.

Trung tâm Hội nghị quốc tế Philippines – nơi diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ AMM lần thứ 50. (Nguồn: AFP)

Trong quá khứ, những vụ đeo bám suýt dẫn đến “va chạm” đã từng xảy ra, có gì đảm bảo rằng những sự cố như thế sẽ không bao giờ xảy ra và lần này sẽ là va chạm thực sự? Trong quá khứ đã từng xảy ra các vụ “xét giấy tờ” tàu bè các “nước thứ ba” sau khi vào thăm Việt Nam, liệu sẽ không tái diễn những vụ “xét giấy tờ” tương tự để rồi bùng nổ những “sự gián đoạn lớn”?  Liệu sẽ có hay không những sự cố kiểu “Vịnh Bắc Bộ” ở thời điểm năm 2017 này?

Mặt khác, việc nhận định như thế nào là “gián đoạn lớn” có khách quan hay không khi xét từ một bên trong vụ “va chạm” trên biển? Tính độc đoán nay càng thể hiện khi khoanh cả vùng biển rộng đến 3,44 triệu km2 như là một vùng biển mà tàu bè các nước ngoài cuộc phải “kiêng cữ” để tránh gây hậu họa! Làm thế nào mà quyền tự do hàng hải của tất cả các nước lại trở thành “con tin”của một điều kiện đơn phương? Chưa bao giờ Biển Đông lại gần biến thành một mare nostrum (biển của chúng ta) như Địa Trung Hải của người La Mã!

Trên một bình diện khác, giả như không xảy ra bất cứ sự cố gì có thể dẫn tới “sự gián đoạn lớn”, thì mới xem xét việc khởi sự tham vấn cho COC. Sao lại chỉ là tham vấn?! Mấy năm qua, “xuân thu nhị kỳ” họp hành để rồi nhân Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 loan báo đã thỏa thuận được cái khung của COC. Và tới đây, nếu mọi sự yên ổn, sẽ chỉ bắt đầu tham vấn mà thôi!

“Ngọa hổ tàng long” chờ thời

Từ đâu hình thành lý lẽ trên, mà ở phương Đông khi xưa gọi là “chiếu chỉ” và ở phương Tây gọi là “diktat”? Nếu nhớ lại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ nhất ở Bangkok thì sẽ thấy bầu không khí lúc đó rất khác: khiêm tốn hơn, hòa hoãn hơn, đối thoại hơn.

Đoạn 4, Tuyên bố của Chủ tịch ARF lần thứ nhất, ngày 25/7/1994, đã phản ánh tình hình chung đó như sau: “Các thành viên tham dự cuộc gặp đã tiến hành trao đổi ý kiến về tình hình chính trị và an ninh hiện tại trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương”. Chính với tinh thần đối thoại đó mà ARF Bangkok 1994 đã “phê duyệt các mục tiêu và nguyên tắc của Hiệp định Thân thiện và Hợp tác ASEAN tại Đông Nam Á, như một bộ quy tắc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia và như một công cụ ngoại giao duy nhất cho xây dựng lòng tin khu vực, ngoại giao phòng ngừa và hợp tác chính trị và an ninh” (đoạn 6.2, Thông cáo Chủ tịch ARF 1994).

Bất cứ ai có mặt tại ARF 1994 đều có thể cảm nhận lại bầu không khí đối thoại ấy, thậm chí có thể mường tượng rằng đó là một hội thảo quốc tế, hay một sự kiện của ngoại giao kênh hai, đúng với tinh thần của ARF vừa là ngoại giao kênh một vừa là ngoại giao kênh hai.

Trong bầu không khí tạm gọi là hồ hởi đó, vẫn có một thoáng nhìn xa trông rộng để rồi đăm chiêu. Bởi thế, Tuyên bố của Chủ tịch ARF 1994 có câu sau: “Các thành viên tham gia thừa nhận rằng, những phát triển tại một phần của khu vực có thể tác động đến toàn bộ an ninh khu vực”. Quả là nhìn xa trông rộng!

Một năm sau, nổ ra những sự cố tại eo biển Đài Loan (Trung Quốc), còn gọi là cuộc khủng hoảng Đài Loan lần thứ ba. Sự cố này cho thấy sự chính xác của nhận xét nêu trên. Tuy nhiên, cách thức mà cuộc khủng hoảng này kết thúc cũng cho thấy một thái độ mới, “trường kỳ mai phục”, khi nhận ra mình chưa là hổ, chưa là rồng, chi bằng “ngọa hổ tàng long” chờ thời. Và “thời” đã đến từ thập kỷ thứ nhì của thế kỷ XXI, với tham vọng biến Biển Đông thành một “mare nostrum” tân thời khi mà tích lũy binh bị đã hơn người. Liệu năm 2017 có chính là “thời bùng nổ” sau “trường kỳ mai phục”?

*Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.