Quân đội Thái Lan sẽ duy trì hòa bình, trật tự và đưa tình hình trở về trạng thái bình thường. |
Trong một tuyên bố được phát sóng đặc biệt trên truyền hình quốc gia lúc 3 giờ sáng (giờ địa phương), Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha thông báo tình trạng thiết quân luật sẽ ngay lập tức được áp dụng.
Tướng Chan-ocha nêu rõ các hoạt động tụ tập đông người, các hành vi bạo lực đường phố gây thương vong và phá hủy tài sản là dấu hiệu cho thấy tình trạng vô tổ chức đã lan rộng, gây mất trật tự nghiêm trọng tại nhiều khu vực, làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và trật tự trị an.
Tư lệnh Lục quân Thái Lan khẳng định đây không phải một cuộc đảo chính, đồng thời kêu gọi quần chúng không hoảng loạn vì quân đội sẽ duy trì hòa bình, trật tự và đưa tình hình trở về trạng thái bình thường. Dẫn Luật quân sự năm 1914, Tướng Chan-ocha cho biết sẽ thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình gồm lục quân, không quân và hải quân; giải thể Trung tâm thi hành hòa bình và trật tự trực thuộc chính phủ lâm thời; mọi cơ quan dân sự buộc phải tuân theo các yêu cầu của quân đội.
Ngoài ra, Tướng Chan-ocha cũng yêu cầu kiểm soát hệ thống truyền thông Thái Lan, theo đó cấm mọi phương tiện truyền thông đăng tải, phát tán bất cứ tin tức hay hình ảnh nào gây phương hại tới "an ninh quốc gia".
Cũng trong sáng 20/5, Cố vấn an ninh cấp cao Paradon Pattanatabut của Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Niwattumrong Boonsongpaisan cho biết Chính phủ nước này đã không được quân đội tham vấn trước về quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật. Theo Cố vấn trên, Chính phủ tạm quyền vẫn tồn tại với ông Niwattumrong là Thủ tướng và "tất cả đều bình thường" trừ việc quân đội chịu trách nhiệm hoàn toàn về vấn đề an ninh quốc gia. Cùng lúc, quyền Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Chaikasem Nitisiri cho biết Chính phủ nước này vẫn điều hành đất nước bất chấp việc quân đội áp dụng thiết quân luật.
Ngay sau khi tình trạng thiết quân luật được ban bố, binh sĩ được vũ trang bằng súng trường, súng ngắn và áo giáp đã được triển khai và kiểm soát các đài truyền hình lớn, các nhà máy điện, nước và các tụ điểm thường xuyên diễn ra các cuộc tuần hành của người biểu tình ở thủ đô và một số vùng lân cận. Trong một tuyên bố được phát sóng trên truyền hình, quân đội nhấn mạnh: "Tất cả các nhóm không được di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác".
Tại trung tâm Bangkok, quân đội đã bao vây cuộc biểu tình của phong trào "Áo Đỏ" ủng hộ chính phủ, thuyết phục các thành viên phong trào này chấm dứt hoạt động tụ tập và tuần hành trên các đường phố ở thủ đô. Thủ lĩnh cuộc biểu tình, ông Jatuporn Prompan cho biết: "Chúng tôi đã bị binh sỹ bao vây từ mọi phía". Tuy nhiên, ông Jatuporn hối thúc những người ủng hộ chính phủ không chống đối quân đội. Ông Jatuporn Prompan đồng thời khẳng định, ông và những người ủng hộ sẽ tiếp tục cuộc biểu tình ở ngoại ô thủ đô Bangkok cho đến khi "các nguyên tắc dân chủ" dẫn tới một cuộc bầu cử được khôi phục.
Cuộc khủng hoảng tại Thái Lan rơi vào bế tắc kể từ khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Hạ viện hồi tháng 12 năm ngoái và đỉnh điểm là việc một tòa án Thái Lan cách chức bà Yingluck cùng 9 thành viên nội các vì cáo buộc lạm quyền hồi đầu tháng 5 này. Phong trào "Áo Đỏ" đã xuống đường và cảnh báo về một cuộc nội chiến nếu quyền điều hành đất nước được trao cho một thủ tướng không qua bầu cử như yêu cầu của phe đối lập.
Trong khi đó, những người biểu tình chống Chính phủ do ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu cũng tuyên bố tiến hành một "trận chiến cuối cùng" trong tuần này nhằm lật đổ Chính phủ tạm quyền hiện nay. Tuy nhiên, thủ lĩnh Thaugsuban cũng khẳng định sẽ chấm dứt hoạt động biểu tình nếu không tập hợp được 1 triệu người tham gia.
"Chúng tôi sẽ ở đây và tiếp tục biểu tình cho đến khi đất nước trở lại các nguyên tắc dân chủ, vốn sẽ dẫn tới một cuộc bầu cử và có một thủ tướng mới được bầu".
N.K