Hội nghị Thượng đỉnh Y tế toàn cầu không đạt thỏa thuận về dỡ bỏ rào cản đối với bằng sáng chế vaccine phòng Covid-19. |
Hội nghị Thượng đỉnh Y tế toàn cầu tổ chức dưới hình thức trực tuyến do Italy chủ trì kết thúc tối 21/5 (theo giờ Rome) đã thất bại trong việc tìm kiếm sự đồng thuận liên quan đến nỗ lực của Mỹ và nhiều quốc gia khác muốn dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine phòng Covid-19.
Ngoài ra, hội nghị cũng không đạt được cam kết rõ ràng nhằm tài trợ đầy đủ cho chương trình “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19” (ACT-A) hiện vẫn đang bị thiếu 19 tỷ USD.
Tuy nhiên, lãnh đạo các nước giàu và đại diện các hãng dược phẩm cam kết tăng nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 cho những nước nghèo.
Theo đó, các hãng dược phẩm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cam kết cung cấp khoảng 3,5 tỷ liều vaccine với giá gốc hoặc giá chiết khấu cho các nước có thu thập thấp và trung bình trong năm nay và năm tới.
Liên minh châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ 100 triệu liều vaccine cho những nước có thu thập thấp và trung bình, đồng thời đầu tư 1,2 tỷ USD xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine ở châu Phi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đề xuất một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch bằng cách tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển vaccine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, mỗi nước sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết Washington sẽ tiếp tục tặng nguồn cung vaccine dư thừa cho những nước có nhu cầu.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh nước này sẽ cung cấp thêm 3 tỷ USD để viện trợ quốc tế trong 3 năm tới nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế xã hội.