Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) đề cập năm rủi ro được cho là sẽ thách thức cả các nhà hoạch định chính sách lẫn các mô hình kinh doanh trong năm 2020. (Nguồn: EIU) |
Theo EIU, năm 2019 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu, khi tình hình địa chính trị bất ổn kết hợp với kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã khiến hoạt động sản xuất toàn cầu suy yếu. Cơ quan nói trên dự đoán, với gói kích thích tiền tệ và đôi chút may mắn, kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ tăng trưởng có phần nhanh hơn.
Tuy nhiên, sự tiếp diễn của tình trạng bất ổn địa chính trị (căng thẳng giữa Mỹ và Iran bùng phát trở lại vào tháng 1), cùng với sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 sẽ cản trở mọi khả năng phục hồi niềm tin và đầu tư trong giới kinh doanh, cán cân rủi ro chắc chắn nghiêng về phía tiêu cực. Trong khi đó, tình trạng bất ổn xã hội trên toàn thế giới năm 2019 dường như sẽ tiếp diễn trong năm 2020, thách thức cả các nhà hoạch định chính sách lẫn các mô hình kinh doanh.
Trong báo cáo này, EIU cung cấp thông tin ngắn gọn về các khả năng định lượng rủi ro bằng cách xác định và đánh giá 5 rủi ro lớn nhất đối với trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu, với mỗi rủi ro được phác thảo và đánh giá dựa trên khả năng xảy ra.
Xung đột Mỹ - Iran khiến giá dầu tăng vọt
Vụ ám sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy kỳ cựu của Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 3/1 đã đánh dấu sự leo thang căng thẳng đầy kịch tính và nguy hiểm giữa Mỹ và Iran. Do đó, EIU ước tính rằng, khả năng Mỹ và Iran bị kéo vào một cuộc chiến trực tiếp, gây ra hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế toàn cầu là 25%. Đặc biệt trong kịch bản này, eo biển Hormuz (nơi có khoảng 20% lượng cung dầu toàn cầu được vận chuyển qua đây) rất có thể bị đóng cửa trong một thời gian dài.
Mặc dù Mỹ và Nga có khả năng tăng cường sản xuất dầu mỏ để tránh cú sốc nguồn cung tạm thời, nhưng tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ kéo dài có thể khiến giá dầu lên tới 90 USD/thùng, làm gia tăng tình trạng lạm phát toàn cầu cũng như làm nản lòng người tiêu dùng và giới kinh doanh.
Thương chiến Mỹ - EU bùng nổ
Quan hệ thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) đã trở nên căng thẳng kể từ giữa năm 2018, khi Chính phủ Mỹ mở cuộc điều tra theo Mục 232 về tác động của việc nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô được sản xuất tại nước ngoài đối với an ninh quốc gia, và đe dọa sẽ tăng 25% thuế đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu.
Mặc dù Mỹ dường như đã rút lại lời đe dọa, song căng thẳng vẫn tồn tại trên một số khía cạnh. Tháng 10/2019, Mỹ đã áp thuế đối với một loạt hàng hóa của EU, sau các cuộc điều tra về việc EU trợ cấp cho Airbus. Mỹ cũng đe dọa áp thêm thuế đối với Pháp nhằm đáp trả việc nước này áp thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số.
Ngoài ra, Thỏa thuận Xanh mới của EU cũng là một chủ đề gây tranh cãi trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với đồng minh thân thiết của mình.
Quan hệ giữa Mỹ và EU đang dần chuyển sang thế đối đầu sau quyết định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng 10/2019. |
Căng thẳng EU - Mỹ sẽ còn gia tăng hơn nữa trong năm 2020, khi Washington bắt đầu quan tâm trở lại tới thặng dư thương mại của EU sau khi hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc. Do đó, không thể loại trừ khả năng thuế quan liên quan đến ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và EU tiếp tục leo thang.
Ngoài ra, tiến độ đàm phán thương mại vẫn dậm chân tại chỗ với khả năng EU không nhượng bộ đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ khiến cho nguy cơ rủi ro gia tăng là rất cao.
Cuối cùng, mặc dù Pháp và Mỹ đã nhất trí về việc tạm dừng cuộc chiến thuế quan, nhưng rõ ràng vẫn có khả năng Washington áp thuế trả đũa thuế dịch vụ kỹ thuật số của Paris, vốn chủ yếu nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ.
Bất kỳ tranh chấp nào trong số này cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU. Nếu Mỹ áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ EU, tác động đối với nền kinh tế EU sẽ rất nghiêm trọng, trước hết là ảnh hưởng trực tiếp tới ngành công nghiệp ô tô, vốn chiếm khoảng 6% tổng số việc làm tại EU.
Ngoài tác động tức thì của việc sụt giảm lượng xuất khẩu sang Mỹ và các nước thứ ba, niềm tin của giới kinh doanh ở những nước chủ chốt trong EU cũng sẽ bị tổn hại nặng nề. EU sẽ buộc phải trả đũa, làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu khi các nước thứ ba buộc phải chọn phe.
Tác động đối với nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ nghiêm trọng, vì tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc, lạm phát sẽ tăng lên, tâm lý của người tiêu dùng và giới kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.
Tác động lâu dài của dịch Covid-19
Cho đến nay, dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019 đã lan khắp toàn cầu và khiến hàng chục nghìn người tử vong. So với dịch SARS năm 2003, dịch Covid-19 có tác động sâu sắc hơn đến kinh tế thế giới do Trung Quốc hiện có vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo EIU dự báo, tình trạng gián đoạn thương mại quốc tế sẽ trở nên nghiêm trọng khi các chuỗi cung ứng bị chuyển hướng khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ leo thang trở lại, nếu Bắc Kinh tỏ ra không sẵn sàng hoặc không thể thực hiện các cam kết nhập khẩu theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã được ký kết hồi tháng 1.
Bên cạnh đó, số lượng các nhà xuất khẩu quốc tế gặp khó khăn về tài chính sẽ gia tăng, do lượng cầu ở Trung Quốc liên tục giảm khiến giá hàng hóa và doanh thu xuất khẩu cũng giảm theo.
Nếu tính đến tác động trực tiếp của việc lượng cầu ở Trung Quốc giảm, cũng như tình trạng gián đoạn kinh tế tiềm tàng ở các quốc gia khác khi dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu, dự báo của EIU về tăng trưởng GDP thực toàn cầu có thể giảm xuống dưới 2,5% trong năm nay.
Gánh nặng nợ trên các thị trường mới nổi
Tình trạng lãi suất thấp trong một thập kỷ đã khiến nợ toàn cầu gia tăng. Do đó, triển vọng tăng trưởng toàn cầu đã trở nên mong manh hơn trước sự thay đổi về tình hình tài chính.
Các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với tình hình tiền tệ biến động trong năm 2020. (Nguồn: Currency-rates) |
Việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương lớn khác tiếp tục chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ đã khiến các tập đoàn và chính phủ đang mắc nợ cảm thấy “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, họ vẫn có khả năng bị tổn thương nếu tình hình thị trường đột ngột chuyển biến xấu đi, như giá hàng hóa xuất khẩu hay mức độ chấp nhận rủi ro trên toàn cầu giảm mạnh, dẫn đến việc các bên cho vay chuyển hướng sang đầu tư an toàn.
Theo những kịch bản này, các nền kinh tế dễ bị tổn thương vừa ổn định được giá trị đồng tiền như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina có thể lại nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, và các cuộc khủng hoảng mới có thể xuất hiện, đặc biệt ở các nước trông chờ sự hỗ trợ song phương từ Trung Quốc hoặc các cường quốc khu vực.
Sự dịch chuyển của trung tâm tài chính lớn nhất châu Á
Kể từ tháng 6/2019, tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng đã làm rung chuyển Hong Kong (Trung Quốc). Theo kịch bản do EIU đưa ra, các cuộc biểu tình có khả năng bùng phát trở lại trong năm 2020, dẫn đến tình trạng gián đoạn kinh tế nghiêm trọng và đột ngột, đe dọa vị thế của Hong Kong (Trung Quốc), một trong những trung tâm tài chính quan trọng hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, sự bất ổn xã hội tại Hong Kong (Trung Quốc) sẽ khiến nhân tài nước ngoài - vốn là yếu tố giúp nền kinh tế này hoạt động trơn tru - nhanh chóng rời khỏi đây và buộc nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Hong Kong phải đóng cửa hoặc chuyển đến các thành phố châu Á khác như Singapore, Tokyo, Đài Bắc hoặc Bangkok.
Ngoài ra, áp lực chính trị buộc Mỹ phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc sẽ khiến hai nước gặp khó khăn hơn nhiều trong việc duy trì các cuộc đàm phán thương mại và có thể khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đột ngột gia tăng.