Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. |
Việc Tổng thống Venezuela ra lệnh trục xuất 3 nhà ngoại giao Mỹ ngày 30/9 và Mỹ đáp trả bằng cách cũng trục xuất 3 nhà ngoại giao Venezuela sau đó 2 ngày không những tạo thêm một vết nứt mới trong quan hệ hai nước mà còn đánh dấu sự sụt giảm uy tín của Mỹ tại khu vực Mỹ Latinh. Trong thập kỷ vừa qua, nước Mỹ được cho là đã dính dáng tới một loạt cuộc đảo chính lật đổ nhiều chính phủ tại khu vực này như Paraguay, Bolivia, Ecuador và gần đây nhất là những cáo buộc của chính phủ Venezuela.
Ngày 30/9, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã ra lệnh trục xuất ba nhà ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Caracas là Kelly Keiderling, đại biện và cũng là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ tại Caracas, cùng hai đồng nghiệp là Elizabeth Hunderland và David Mutt sau khi cáo buộc các nhân vật này đã nhóm họp với các đối tượng cực hữu cực đoan tại Venezuela để tài trợ và kích động các hành động phá hoại nền kinh tế và hệ thống điện lực. Phát biểu trong một sự kiện tại bang Falcon, nhà lãnh đạo Venezuela cho biết đã yêu cầu Ngoại trưởng Elias Jaua ngay lập tức tiến hành các thủ tục cần thiết để các nhà ngoại giao người Mỹ phải rời khỏi lãnh thổ Venezuela trong vòng 48 tiếng.
Trước hành động cứng rắn này, phía Mỹ ngay lập tức đã tuyên bố nước này đang cân nhắc các biện pháp trả đũa ngoại giao đối với chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro. Phát biểu trước báo giới tại Thủ đô Washington ngày 1/10, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của Tổng thống Maduro. Theo bà Psaki, việc các nhà ngoại giao Mỹ gặp gỡ và duy trì liên lạc với các tổ chức chính trị tại Venezuela là điều hoàn toàn bình thường trong công tác ngoại giao. Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đang cân nhắc các hành động đáp trả tương tự dựa trên Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao và quan hệ lãnh sự.
Đây không phải lần đầu tiên giữa Venezuela và Mỹ xảy ra những vụ việc căng thẳng gây rạn nứt quan hệ. Hai nước thường xuyên có những bất đồng trong suốt 14 năm cố Tổng thống Hugo Chavez tại vị và hai nước đã ngừng quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ kể từ năm 2010 cho đến nay. Cuối năm 2010, quan hệ giữa Mỹ và Venezuela bị xấu đi nhanh chóng sau khi Tổng thống Chavez không chấp nhận ông Larry Palmer làm Đại sứ mới của Mỹ tại Caracas vì đã đưa ra những tuyên bố thù địch với Venezuela. Đáp lại, Mỹ rút thị thực của Đại sứ Venezuela tại Washington. Lệnh trục xuất lần này được thực thi trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela có dấu hiệu leo thang. Hồi đầu tháng Ba vừa qua, ngay trước khi thông báo việc Tổng thống Hugo Chavez qua đời, ông Maduro cũng đã quyết định trục xuất hai tùy viên quân sự của Mỹ với cáo buộc thúc đẩy các kế hoạch gây bất ổn để chống phá Chính phủ Venezuela. Tranh cãi ngoại giao gần đây nhất giữa hai nước xảy ra hồi tháng trước khi chuyên cơ của Tổng thống Maduro bị từ chối cho phép bay qua không phận Mỹ để tới thăm chính thức Trung Quốc.
Những mâu thuẫn liên tiếp trên đã tạo ra một gam màu tối trong bức tranh quan hệ hai nước vốn đã ảm đạm. Hiện chính quyền Tổng thống Obama đang phải đương đầu với nhiều thách thức cả trong nước lẫn bên ngoài. Những khó khăn này sẽ buộc Tổng thống Obama phải vất vả hơn để chứng minh cho thế giới thấy ông có thể đưa "nước Mỹ vượt qua mọi thử thách" như ông đã cam kết trong diễn văn nhậm chức năm 2009.
Đoàn Ngọc