📞

Thị trường rượu bia Việt Nam "hút" nhà đầu tư ngoại

22:02 | 09/01/2017
Dân số trẻ và nền kinh tế phát triển nhanh của Việt Nam đang tạo ra thị trường hấp dẫn đối với các nhà cung cấp đồ uống có cồn.

Theo Bộ Y tế, người trưởng thành ở Việt Nam trung bình uống 6,6 lít đồ uống có cồn trong năm 2015, tăng 70% so với năm 2005. Năm ngoái, lượng tiêu thụ bia đạt 3,4 triệu kl, tăng 10% so với năm trước và 41% kể từ năm 2010. Trong bối cảnh Việt Nam có kế hoạch thoái vốn tại một số doanh nghiệp, các công ty toàn cầu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào thị trường tăng trưởng hai con số này.

Nhà máy bia Heineken Việt Nam lên kế hoạch tăng công suất sản xuất bia lên gấp 12 lần vào năm 2025. Ladofoods, một nhà cung cấp rượu vang, đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất vào năm 2018 và sẽ hướng đến thị phần cao cấp.

Theo Bộ Công thương, kế hoạch của Heneiken vẫn chưa được hoàn tất, song nhà sản xuất bia Hà Lan đã chuẩn bị mở rộng nhà máy tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, mua lại từ Carlsberg (Đan Mạch). Heineken có vẻ muốn sản xuất nhiều hơn thương hiệu cùng tên và cả bia Tiger nhằm tăng nguồn cung cho thị trường bia lớn nhất Việt Nam - TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Heineken còn các cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 2 địa điểm khác ở Việt Nam. Công ty này đang tìm cách tăng năng suất hàng năm lên 610.000 kl, từ 50.000 kl hiện nay.

Hiện doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Sabeco đang kiểm soát 45% thị phần bia nội địa, trong khi một doanh nghiệp khác cũng thuộc sở hữu nhà nước là Habeco chiếm 20% thị phần. Sabeco và Habeco được kỳ vọng sẽ tư nhân hóa hoàn toàn vào năm 2017. Mạng lưới bán hàng trên toàn quốc của 2 công ty này hấp dẫn các nhà sản xuất nước ngoài muốn mở rộng thị trường.

Việt Nam đã tiêu thụ 4,67 triệu kl bia trong năm 2015, tăng 20,1% so với năm 2014. (Nguồn: Newsweek)

Việt Nam là một trong số ít những thị trường bia phát triển nhanh. Năm 2015, theo khảo sát của Kirin, 4,67 triệu kl bia được sản xuất tại Việt Nam, tăng 20,1% so với năm trước, vượt xa con số tăng trưởng 8,8% tại Bỉ, nơi có tỷ lệ tăng cao thứ 2.

Trên toàn cầu, khảo sát của Kirin cho thấy sản lượng bia giảm 1,1% vào năm ngoái. Châu Á, nơi chiếm 1/3 tổng sản lượng bia của thế giới, giảm 1,3%.

Trong số 25 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam và Ấn Độ là 2 quốc gia có lượng sản xuất bia tăng trưởng liên tiếp trong hơn 10 năm, trong đó Việt Nam là 15 năm. Tăng trưởng tại thị trường Việt Nam đặc biệt ấn tượng khi tính đến việc dân số nước này không tăng nhanh như Ấn Độ. Việt Nam đang có dân số trẻ và là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Nhiều người Việt Nam yêu thích một loại bia giá rẻ, hay còn gọi là bia hơi, với mỗi cốc có giá chưa đầy 1 USD, được đổ ra từ các bom bia tại các nhà hàng và quán bar trên khắp cả nước. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất lớn nhất thế giới đã nhìn thấy cơ hội vàng tại đất nước có dân số khoảng 90 triệu người và lượng tiêu thụ bia trên đầu người khá cao.

Anheuser-Busch InBev của Bỉ, nhà sản xuât bia số 1 thế giới, bắt đầu vận hành nhà máy đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Bình Dương vào năm ngoái. Trong tháng 7/2016, công ty Sapporo Holdings đã ra mắt nhãn hiệu bia mới nhắm tới phân khúc thấp của thị trường, rẻ hơn 20-30% so với bia của các công ty Nhật Bản hoạt động ở phân khúc cao hơn. Carlsberg đã tung ra nhãn hiệu Tubord, phổ biến ở châu Âu và dự định chi hàng triệu USD để phát triển nhãn hiệu này ở Việt Nam.

Không chỉ bia, các doanh nghiệp cũng có cơ hội để phát triển các sản phẩm đồ uống khác. Khi nền kinh tế phát triển, người Việt Nam cũng uống nhiều rượu whiskey và rượu vang hơn. Số lượng các cửa hàng bán rượu vang nhập khẩu ngày càng tăng.

(theo asia.nikkei.com)