TIN LIÊN QUAN | |
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí nối lại hợp tác thương mại, năng lượng | |
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc EU không giữ đúng cam kết |
Rạn nứt nhiều mặt
Trong số những yếu tố khiến “vận mệnh” của Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi có những rạn nứt từ bên trong - chẳng hạn như sự sụp đổ của tiến trình hòa đàm với người Kurd và sự xói mòn các quyền dân chủ dưới chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác như cuộc chiến ở Syria, các cuộc xung đột khác trong khu vực mà Ankara nhúng tay vào.
Không chỉ vậy, ông Erdogan hiện cũng mâu thuẫn với Mỹ - một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên quan đến yêu cầu dẫn độ giáo sỹ Fethullah Gulen, vốn bị chính quyền Ankara cáo buộc là chủ mưu cuộc đảo chính hôm 15/7.
Ngày 9/8 tới, ông Erdogan dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm hàn gắn quan hệ song phương hiện đang rất căng thẳng. Moscow đã chấp nhận lời xin lỗi của Ankara về vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga hồi năm ngoái. Vụ việc đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất đi một nguồn khách du lịch quan trọng cũng như khiến các thỏa thuận năng lượng với Nga bị đình lại.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Điện Kremlin hồi năm 2012. (Nguồn: Reuters) |
Trong suốt thập kỷ qua, hướng đi của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy những nỗ lực của một quốc gia nằm ở vị trí chiến lược, nối liền hai châu lục Á - Âu, để tỏa sáng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính bất thành vừa qua, chính quyền Ankara đang phải đau đầu với bài toán thanh lọc thể chế, từ quân đội, cơ quan tư pháp và các cơ quan khác để loại bỏ những phần tử bị coi là phản động.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkan Ala cho biết, sau vụ đảo chính, gần 16.000 người bị câu lưu để thẩm vấn, và khoảng một nửa trong số đó bị bắt giam chờ xét xử. Ngày 27/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải gần 1.700 quan chức và sĩ quan trong quân đội, trong đó có 149 tướng lĩnh và đô đốc. Chính phủ cũng đã buộc hàng chục cơ quan truyền thông phải đóng cửa, trong đó có 45 tờ báo, 16 đài truyền hình, 23 đài phát thanh, 3 cơ quan thông tấn và 15 tạp chí.
Thay đổi chính sách đối ngoại
Trong khi đó, sự căng thẳng trong quan hệ với các đồng minh được thể hiện qua việc Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy không hài lòng khi các quốc gia châu Âu và Mỹ không công khai ủng hộ nỗ lực thanh trừng của chính phủ nước này. Bộ trưởng Năng lượng Berat Albayrak nói: “Cho đến giờ, chúng tôi vẫn chưa nhận được sự ủng hộ và những tuyên bố mà chúng tôi - toàn bộ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ - đang mong chờ từ các quốc gia đó”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã rất cố gắng để được trở thành một thành viên Liên minh châu Âu (EU), và quốc gia này cho rằng, họ chính là cầu nối giữa phương Tây và các quốc gia Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã thực hiện các cuộc hòa đàm với các kẻ thù “không đội trời chung” như Israel, tuy nhiên nỗ lực này đã thất bại sau cuộc chiến ở Gaza năm 2008-2009.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP hôm 26/7, ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo phe đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ từng là một ngôi sao sáng trong khu vực và là một quốc gia rất có tiếng nói. Tuy nhiên, họ đã đánh mất vị thế do can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác”.
Căn cứ không quân Incirlik, nằm ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, hiện được liên quân quốc tế sử dụng cho chiến dịch không kích IS. (Nguồn: Reuters) |
Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã phải điều chỉnh nhiều chính sách ngoại giao, vốn được cho là “không mâu thuẫn với láng giềng”, bởi những diễn biến bất ngờ.
Tổng thống Erdogan đã ủng hộ cuộc nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo Ai Cập Hosni Mubarak hồi năm 2011, song ông lại có quan hệ lạnh nhạt với giới quân đội cầm quyền lật đổ nhà lãnh đạo Hồi giáo Mohammed Morsi năm 2013.
Trước đây, ông Erdogan từng có mối quan hệ khá gần gũi với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, song khi cuộc xung đột trở nên căng thẳng, ông lại là một trong những người yêu cầu nhà lãnh đạo này từ chức. Hiện giờ, sau khi cung cấp vũ khí và nhân lực cho các nhóm nổi dậy ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phải tiếp nhận 3 triệu người tị nạn Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nạn nhân của các vụ đánh bom do nhiều phần tử cực đoan thực hiện sau khi nước này ủng hộ chiến dịch do Mỹ dẫn đầu chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cần sự đoàn kết quốc gia
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ viện cớ chính sách đối ngoại thay đổi là do vấn đề nhân quyền, song nhiều người chỉ trích cho rằng ông Erdogan, một người Hồi giáo dòng Sunni, ngày càng có tư tưởng bè phái trong nhiều cuộc xung đột và có những bình luận mang nặng tính phê phán người Hồi giáo dòng Shiite.
Trong nước, nỗ lực đảo chính do những người bị tình nghi là ủng hộ ông Gulen thực hiện đã phơi bày những căng thẳng sâu sắc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các căng thẳng này ngày càng trầm trọng, một phần là bởi những lo ngại cho rằng Tổng thống Erdogan đang hướng đến một chế độ độc tài hơn.
Năm 2013, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã đàn áp thẳng tay một cuộc biểu tình, nảy sinh từ sự phản đối kịch liệt của người dân đối với kế hoạch phát triển đô thị. Vụ việc đã khiến hơn 10 người thiệt mạng và làm xói mòn uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách một nền dân chủ ổn định.
Những người biểu tình ở thủ đô Ankara năm 2013. (Nguồn: AFP) |
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm đầu ông Erdogan cầm quyền khiến nhiều quốc gia trong khu vực ghen tị, song gần đây tổ chức Standard & Poor đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan cho rằng, việc hạ mức xếp hạng tín nhiệm là “không có lý do chính đáng”, và tuyên bố rằng “các chỉ số kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ còn tốt hơn phần lớn các quốc gia trên thế giới”.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Dani Rodrik tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy (Đại học Harvard) cho rằng, những lời đề nghị gần đây của ông Erdogan với Nga và Israel cho thấy chính quyền Ankara đang có những “thay đổi về quan điểm, (và điều này) thể hiện những lo ngại về nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và nỗ lực nhằm phục hồi các hoạt động kinh doanh”.
Tổ chức phi chính phủ đại diện cho doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ Turkonfed đã hoan nghênh cuộc họp gần đây giữa ông Erdogan và hai nhà lãnh đạo đối lập để thảo luận về sự đoàn kết quốc gia. Chủ tịch tổ chức Turkonfed Tarkan Kadooglu cho rằng: “Xã hội đang cần một tiếng nói của chính giới giúp tạo dựng sự đoàn kết, chứ không phải gây chia rẽ”.
Thổ Nhĩ Kỳ ra cảnh báo nếu Mỹ không dẫn độ Giáo sĩ Gulen Ngày 25/7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố quan hệ giữa nước này với Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu Washington không ... |
Thổ Nhĩ Kỳ lập ủy ban điều phối tình trạng khẩn cấp sau đảo chính Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu ngày 24/7 đưa tin, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập Ủy ban điều phối tình trạng ... |
Nga dỡ bỏ lệnh cấm du lịch hàng không đến Thổ Nhĩ Kỳ Ngày 22/7, Nga gỡ bỏ lệnh cấm tạm thời đối với việc đi lại bằng đường hàng không đối với các công dân nước này ... |