Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bắt tay sau khi phát biểu về thuế thép và nhôm, bên lề Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 tại Rome, Italy, ngày 31/10 (Nguồn: Reuters) |
Theo thoả thuận thương mại vừa được Mỹ và EU công bố, Mỹ dừng áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với sản phẩm thép và nhôm của EU. Đổi lại, EU sẽ huỷ bỏ những biện pháp chính sách trã đũa đã áp dụng lâu nay đối với một số dòng sản phẩm của Mỹ xuất khẩu sang thị trường EU.
Thoả thuận này giúp hai bên giải quyết được cuộc xung khắc thương mại liên quan giữa Mỹ và EU mà người tiền nhiệm của ông Biden ở Nhà Trắng, ông Donald Trump, đã phát động.
Một trong số những nội dung đáng chú ý nhất ở thoả thuận nói trên giữa Mỹ và EU là EU đáp ứng điều kiện của Mỹ liên quan đến Trung Quốc, cụ thể là trong sản phẩm của EU xuất khẩu vào thị trường Mỹ không hàm chứa bất cứ hình thức hay tỷ lệ nào sản phẩm của Trung Quốc.
Ông Biden lại lật ngược một trong những quyết sách cầm quyền nổi bật nhất của người tiền nhiệm. Trong chuyện này, ông Biden thể hiện sự khác biệt như giữa trắng và đen với người tiền nhiệm về "lợi ích quốc gia".
Ông Trump đã bất chấp đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống của Mỹ thì bây giờ ông Biden lại ra sức tranh thủ họ.
Ngoài ra còn có một số mục đích khác nữa của ông Biden khi đi vào thoả thuận mới này với EU. Thực tế cho thấy quyết sách này của ông Trump gần như chưa đưa lại được bất cứ lợi lộc đáng kể nào cho ngành công nghiệp sản xuất thép và nhôm của Mỹ.
Ông Biden ra tranh cử tổng thống Mỹ và cầm quyền ở Mỹ với chủ trương đưa "Nước Mỹ trở lại với thế giới" mà biểu hiện rõ nhất là binh thường hoá trở lại quan hệ với các đồng minh và đối tác chiến lược quan trọng nhất của nước Mỹ mà về kinh tế và thương mại thì đương nhiên EU chiếm vị trí hàng đầu.
Ông Biden thúc đẩy cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc còn quyết liệt và bài bản hơn ông Trump. Thoả thuận kiểu này với EU giúp Mỹ biến EU thành đồng minh gián tiếp của Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược ấy.