Tổng thống Nga Vladimir Putin cho ra mắt bài luận mang tên 'Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine'. (Nguồn: Shutterstock) |
Phóng viên Mark Episkopos, chuyên về mảng an ninh quốc gia của tạp chí The National Interest (Mỹ), đã tóm tắt sơ lược nội dung chính của bài viết này.
Vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho ra mắt bài luận “nóng sốt” được nhiều người mong đợi về Ukraine mang tên “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine”.
Với độ dài 6.000 từ, chuyên luận này đã thu hút không ít sự chú ý của phương Tây. Lý do hiển nhiên vì đây là những bình luận trực tiếp của ông Putin về xung đột Donbass đang tiếp diễn, kéo dài hơn cả Thế chiến thứ II và gây ra hàng nghìn thương vong cho cả hai bên.
Sự chia cắt trong lịch sử
Bài luận của nhà lãnh đạo Nga mở đầu bằng phần giới thiệu lịch sử, mô tả quá trình hình thành của các dân tộc Slav ở phía Đông.
Theo ông Putin, người Nga, người Belarus và người Ukraine ngày nay, tất cả đều là hậu duệ của Kievan Rus, một liên bang được thành lập bởi Vương triều Rurik vào thế kỷ thứ 9. Điểm lại các tiến trình lịch sử, Tổng thống Putin kết luận rằng các dân tộc này được liên kết chặt chẽ với nhau bởi một đức tin và ngôn ngữ chung.
Tin liên quan |
Nga đệ đơn kiện Ukraine, nói 'không còn lựa chọn khác' |
Ông Putin nhấn mạnh: “Nhiều thế kỷ bị chia cắt và sống ở các quốc gia khác nhau đã tạo ra đặc thù ngôn ngữ của từng địa phương, dẫn đến sự xuất hiện của các bản ngữ”.
Ông Putin cho rằng những nỗ lực chống lại sự thống nhất này không xuất phát từ bên trong, mà từ bên ngoài.
Đầu tiên, giới thượng lưu Ba Lan khao khát mở rộng về phía Đông, và nhiều thế kỷ sau, Đế quốc Áo-Hung tìm cách gây chiến với Đế quốc Nga trong Thế chiến thứ I bằng cách khơi dậy ý chí chống Nga ở Galicia.
Sự tan rã vào cuối những năm 1910 của Đế quốc Nga khiến Ukraine phải chịu sự sắp đặt của Đế quốc Đức trong một khoảng thời gian, không lâu trước khi Ba Lan ủng hộ nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Symon Petliura đổi lấy chủ quyền đối với Galicia.
Sau đó, điều mà có lẽ ông Putin coi là sự phản bội lớn nhất là những người Bolshevik đã “đầu độc” sự thống nhất ở miền Đông Slav bằng chính sách “Ukraine hóa” nhằm nuôi dưỡng bản sắc dân tộc Ukraine cho những người về cơ bản là người Nga.
Nhà lãnh đạo Nga viết: “Những người Bolshevik coi người Nga như những con tốt thí cho các thử nghiệm xã hội. Vì vậy, họ đã tuỳ ý vẽ ra các đường biên giới và trao tặng những ‘món quà lãnh thổ’ hào phóng”.
Tựu chung lại, ông Putin cho rằng bất kỳ điều gì từng khiến cho các nhà lãnh đạo Bolshevik chia cắt đất nước không còn quan trọng nữa.
“Mọi người có thể tranh luận về chi tiết, nguyên nhân hay tính logic của một số quyết định, nhưng có một điều hiển nhiên là nước Nga về cơ bản đã bị cướp đoạt”, ông Putin nhấn mạnh.
Con đường đúng đắn duy nhất cho Ukraine
Từ câu chuyện lịch sử, Tổng thống Nga đi đến nhận định rằng các cường quốc phương Tây hiện nay đang lựa chọn những gì người Ba Lan, người Áo-Hung và người Bolshevik từng từ bỏ, và biến Ukraine thời hậu Xô Viết thành một biểu tượng chống Nga.
Ông Putin lưu ý rằng, những nỗ lực này lên đến đỉnh điểm vào cuộc chính biến ở Ukraine năm 2014, đặt Kiev dưới sự kiểm soát của phương Tây.
Nhà lãnh đạo Nga đánh giá: “Trong kế hoạch chống Nga, không có chỗ cho một Ukraine có chủ quyền hay cho các lực lượng chính trị ở Kiev đang cố gắng bảo vệ nền độc lập thực sự của mình”.
Tiếp đó, ông Putin gửi một số thông điệp cứng rắn về cuộc xung đột đang diễn ra ở miền Đông Ukraine, thậm chí tuyên bố rằng "Kiev đơn giản là không cần vùng Donbass".
Theo ông Putin, chừng nào Ukraine vẫn là 'căn cứ chống Nga', thì giữa Moscow và Kiev vẫn khó có thể đối thoại. (Nguồn: unian.info) |
Trong bài viết, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh ảnh hưởng của phương Tây đối với quan hệ Nga-Ukraine ngày càng rõ rệt. Đồng thời, ông Putin khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại với Ukraine và thảo luận về những vấn đề phức tạp nhất, nhưng lưu ý một điều quan trọng.
“Quan trọng là chúng tôi cần biết đối tác của mình đang bảo vệ lợi ích quốc gia của họ chứ không phải bất kỳ quốc gia nào khác và không là công cụ trong tay ai đó nhằm chống lại chúng tôi”, nhà lãnh đạo Nga khẳng định.
Tổng thống Putin nêu rõ chừng nào Ukraine vẫn là “căn cứ chống Nga”, thì giữa Moscow và Kiev vẫn khó có thể đối thoại.
Theo ông chủ Điện Kremlin, sự bế tắc này cũng khó khả năng được giải quyết bằng sự thay đổi chính phủ ở Ukraine, vì khúc mắc của ông cơ bản là không phải với chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky mà là với đất nước Ukraine hiện nay.
Ông Putin chỉ ra con đường đúng đắn duy nhất cho Ukraine: “Tôi tin tưởng rằng chủ quyền thực sự của Ukraine chỉ có thể có được khi giữ quan hệ đối tác với Nga. Cùng nhau, chúng ta đã, đang và sẽ mạnh mẽ hơn nhiều lần và thành công hơn. Vì chúng ta là một”.
Trước đây, những người Nga có quan điểm cứng rắn và các nhà bình luận chính trị từng cho rằng Điện Kremlin đã sai lầm trong việc công nhận chính phủ Ukraine sau cuộc chính biến năm 2014.
Và bài viết này có thể như là sự “sửa sai” của ông Putin với thông điệp mạnh mẽ: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép các vùng lãnh thổ lịch sử của chúng tôi và những người thân của chúng tôi sống ở đó bị lợi dụng để chống lại nước Nga”.
Kết luận, ông chủ Điện Kremlin cảnh báo Kiev rằng: "Những người cố ý nỗ lực chống Nga cũng là tự huỷ hoại đất nước của chính họ".
| Cập nhật Covid-19 ngày 23/7: Hàn Quốc gia hạn giãn cách xã hội mức cao nhất; dịch 'căng' ở Tunisia; khoảng cách tốt nhất giữa hai mũi tiêm Pfizer Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 193,41 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,15 triệu ca ... |
| Quan chức Nga: Thỏa thuận về Dòng chảy phương Bắc 2 với Đức nhằm 'giữ thể diện' cho Mỹ Mỹ và Đức đã ra thông cáo chung công bố đạt được thỏa thuận về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). ... |