Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman hội kiến Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, ngày 4/10. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ) |
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 4-5/10 tại Taskent, bà Wendy Sherman gặp Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Abdulaziz Kamilo, hội kiến Tổng thống Shavkat Mirziyoyev, thảo luận về hợp tác song phương trong phòng chống dịch Covid-19, quốc phòng, an ninh khu vực và nhân quyền.
Ngày 6/10, bà Sherman có mặt tại New Delhi, Ấn Độ và gặp gỡ, làm việc với Bí thư Đối ngoại Harsh Vardhan Shringla. Theo lịch trình, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ sẽ tới Mumbai và tiếp xúc lãnh đạo doanh nghiệp cùng giới hoạt động dân sự.
Điểm dừng chân cuối cùng của bà là tại Islamabad ngày 7-8/10 để gặp gỡ các quan chức ngoại giao cấp cao của Pakistan.
Không khó để thấy trọng tâm trong chuyến thăm lần này của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới khu vực Trung - Nam Á là nhằm thúc đẩy hợp tác về Afghanistan.
Khủng hoảng cận kề
Chuyến thăm của bà Sherman diễn ra trong bối cảnh tình hình tại đây đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực chỉ hai tháng sau khi Mỹ và đồng minh hoàn thành chiến dịch di tản ở sân bay Kabul. Theo đó, dưới sự cầm quyền của Taliban, Afghanistan trở nên ngày một bất ổn.
Lực lượng này đang đi ngược lại những cam kết ban đầu về xây dựng một chính phủ công bằng, thượng tôn pháp luật, hướng tới duy trì trật tự xã hội, bảo vệ quyền của phụ nữ. Nội các mới do lãnh đạo lực lượng này chiếm đa số và không có nữ giới như từng hứa. Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng cáo buộc lực lượng này đã sát hại 13 người thiểu số Hazara để trả thù.
Người dân Afghanistan đối mặt nguy cơ khủng hoảng nhân đạo thường trực, còn thủ đô Kabul đứng trước viễn cảnh mất điện. Nhà máy thủy điện bị ảnh hưởng do hạn hán, cơ sở hạ tầng lạc hậu và bị chiến tranh tàn phá khiến Afghanistan phải phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước Trung Á khác. Song với ngân khố cạn kiệt, chính quyền mới đã không thể chi trả cho khoản này.
Có thể nói, Kabul đang đứng trước nguy cơ trở lại thời kỳ đen tối theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, trở thành “thiên đường” cho các lực lượng khủng bố cực đoan, gây bất ổn cho khu vực và thế giới. Đây là điều không ai mong muốn.
Do đó, trọng tâm trong chuyến thăm Trung - Nam Á của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman là nhằm phối hợp với các nước trong khu vực tìm kiếm giải pháp cải thiện tình hình tại Afghanistan.
Ngày 4/10, bà Sherman thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Abdulaziz Kamilo về Afghanistan. Tashkent có vai trò quan trọng trong nỗ lực cải thiện tình hình tại Afghanistan hiện nay.
Tháng trước, Tổng thống nước này Shavkat Mirziyoyev khẳng định, Uzbekistan sẵn sàng đối thoại với Taliban và thậm chí tham gia dự án nhằm củng cố hòa bình tại đất nước Trung Á. Đồng thời, Tashkent cũng là một trong số những nhà cung cấp điện chính cho Afghanistan.
Ngày 5/10, Bộ Năng lượng nước này khẳng định sẽ tiếp tục đảm bảo nguồn năng lượng cho Kabul.
Song ngày 24/10 tới, Uzbekistan sẽ bước vào kỳ bầu cử Tổng thống. Trong bối cảnh đó, Washington cần đảm bảo rằng Tashkent, dù là do ai lãnh đạo, vẫn duy trì hỗ trợ dành cho Kabul.
Chuyện chống khủng bố
Tương tự, bên cạnh quan hệ song phương, Afghanistan gần như chắc chắn được đề cập trong thảo luận giữa Thứ trưởng Wendy Sherman và giới chức cấp cao của Pakistan.
Tuy nhiên, khác với Tashkent, mong muốn của Washington với Islamabad lại thiên về an ninh.
Phát biểu trước thềm chuyến thăm, Thứ trưởng Wendy Sherman khẳng định: “Chúng tôi mong muốn xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với Pakistan trong lĩnh vực chống khủng bố. Chúng tôi kỳ vọng rằng, Islamabad sẽ chống lại bất kỳ nhóm vũ trang và khủng bố nào”.
Tuyên bố của bà Sherman cho thấy lo ngại của Mỹ về khả năng các lực lượng khủng bố lấy Afghanistan, thậm chí Pakistan, làm bàn đạp để gieo rắc kinh hoàng trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đánh giá cao nỗ lực của Thủ tướng Imran Khan khi kêu gọi Kabul xây dựng nội các mang tính toàn diện hơn. Khác với giai đoạn 1996-2001, Islamabad không còn công nhận chính quyền Taliban.
Thủ tướng Imran Khan cũng kêu gọi thế giới tiếp tục đối thoại với lực lượng này, mở rộng hỗ trợ nhân đạo, kinh tế cho Afghanistan.
Bên cạnh quan hệ song phương, đặc biệt là hợp tác triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Afghanistan cũng được đề cập trong thảo luận giữa Thứ trưởng Wendy Sherman với quan chức Ấn Độ ngày 6/10 gồm Bí thư Đối ngoại Harsh Vardhan Shringla, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval.
Phát biểu sau khi gặp Bí thư Đối ngoại Ấn Độ, bà Sherman khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục phối hợp về vấn đề Afghanistan và chống khủng bố, đồng thời sẽ sớm tiến hành đối thoại an ninh 2+2”.
Với những diễn biến hiện nay ở Kabul, tình hình Afghanistan sẽ tiếp tục là mối quan tâm của Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung thời gian tới.
| EU tuyên bố: Sau Afghanistan và AUKUS, tự chủ chiến lược là lẽ tự nhiên Ngày 21/9, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic nói rằng, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận ... |
| Ngoại trưởng Italy: Mỹ rút khỏi Afghanistan và thỏa thuận AUKUS khiến EU cần có lá chắn phòng phủ gấp Ngày 17/9, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho rằng việc Mỹ rút khỏi Afghanistan và thỏa thuận AUKUS về việc cung cấp tàu ngầm ... |