Tổng thống Obama (bên phải): “... Ngài Thủ tướng là vị khách nước ngoài đầu tiên thăm tôi tại căn phòng hình oval này”. |
Những bất ngờ thú vị
Đó là một chuyến bay dài - khoảng 11.000km - cho một cuộc gặp ngắn - chỉ trong 1 giờ, và ngay trước khi ông Obama chuẩn bị có bài phát biểu trước cuộc họp chung của Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Ngồi cùng ông Aso tại Nhà Trắng, ông Obama nói: “Mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản là đặc biệt quan trọng. Chính vì lý do đó mà ngài Thủ tướng là vị khách nước ngoài đầu tiên thăm tôi tại căn phòng hình oval này”. Trước đó chưa đầy một tuần, chuyến thăm Nhật của Ngoại trưởng Mỹ Clinton với các cuộc tiếp xúc, hội thảo, viếng thăm đền… hầu như đã xua tan những nghi ngại về việc Mỹ sẽ bỏ qua Nhật Bản để hướng về Trung Quốc.
Ở thời điểm Mỹ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đau đầu - từ Iraq đến Afghanistan, những động thái đầu tiên với Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng: Washington muốn hướng về các nền tảng an ninh của nước Mỹ trong khi tìm cách giải quyết các vấn đề vẫn dang dở bấy lâu nay. Liên minh Nhật – Mỹ là nhân tố quan trọng trong an ninh Đông Bắc Á và hiện Mỹ vẫn còn hơn 40.000 quân đóng tại Nhật Bản. Quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản còn mang lại hy vọng có tiến triển trong các vấn đề như thay đổi khí hậu hay tăng cường hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mối quan hệ này cũng sẽ giúp Mỹ có thêm sức mạnh để đối phó với các thách thức như sự nổi lên của Trung Quốc và tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tại Afghanistan, viện trợ của Nhật Bản đã hỗ trợ mục tiêu an ninh của Mỹ mà không cần phải gửi quân Nhật đến chiến trường. Nhật Bản là nước đã chi đến 1,46 tỉ USD tại Afghanistan từ năm 2001 với các dự án xây đường sá, trường học, rà phá mìn và huấn luyện cảnh sát.
Về phần mình, Tokyo chắc chắn cần được trấn an. Nhiều người Nhật Bản đã từng cảm thấy bị “bỏ rơi” dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Và bà Clinton cũng làm nhiều người lo ngại với tuyên bố trong một bài viết năm 2007 rằng, quan hệ Mỹ - Trung là “mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới trong thế kỷ 21”. Nhật Bản cũng cảm thấy mình bị phớt lờ hồi tháng 10 năm ngoái, khi Tổng thống Bush không đếm xỉa đến sự phản đối của Tokyo và đưa Bình Nhưỡng ra khỏi danh sách chống khủng bố của Washington.
Không có gì miễn phí!
Được hoan nghênh tại Nhà Trắng, nhưng không vì thế, nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới quên rằng tình bạn với Mỹ không phải là miễn phí. “Nếu tôi là người Nhật, tôi sẽ phải giữ lấy cái ví của mình”, Jeff Kingston, GS. khoa châu Á trường ĐH Temple bình luận. “Những gì vừa xảy ra làm tôi (Nhật Bản) bớt lo lắng, nhưng tôi sẽ phải trả giá cho những điều đó”.
Trên thực tế, điều quan trọng là ông Obama phải đưa ra được những “hóa đơn” thích hợp với khả năng chi trả của Tokyo hiện nay. Bởi hiện uy tín chính trị của ông Aso hiện xuống rất thấp (11% - tỉ lệ ủng hộ gần mức thấp nhất từ trước tới nay của một Thủ tướng Nhật Bản). Ông Aso cũng đang phải đối mặt với lời kêu gọi từ chức từ chính đảng Dân chủ Tự do (LDP) và nền kinh tế suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 50 năm qua. Đó là chưa nói đến nguy cơ Washington sẽ sớm phải bắt tay với chính phủ của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) được cho là sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 10 tới, trong khi một số lãnh đạo đảng này vẫn kêu gọi giảm sự “quỵ lụy” đối với Mỹ và tiến tới liên minh Nhật – Mỹ cân bằng hơn. Do đó, thay vì tập trung vào việc tìm kiếm sự hỗ trợ nhiều hơn về mặt quân sự, ông Obama chỉ tập trung vào các lĩnh vực mà Tokyo có thể dễ dàng đóng góp hơn.
Việc Nhật Bản gia tăng các nỗ lực hợp tác là rất quan trọng nếu muốn giữ thiện chí phát triển quan hệ từ Mỹ, trong bối cảnh ông Obama đang đứng trước nhiều áp lực với các chính sách mới. Nhưng “thế bí” của ông Aso khiến cho các thỏa thuận giữa ông với ông chủ Nhà Trắng chỉ dừng lại ở các cam kết mang tính chung chung như tăng cường hợp tác đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chống chủ nghĩa bảo hộ; tiếp tục đàm phán để giải giáp hạt nhân Triều Tiên. Thỏa thuận cụ thể nhất có lẽ là việc Nhật Bản đồng ý trả lương cho 80.000 cảnh sát ở Afghanistan trong vòng 6 tháng. Nhưng đây cũng chỉ là một phần trong các dự án mà Nhật Bản đã cam kết tài trợ tái thiết Afghanistan từ năm 2001.
Phương Nguyên