📞

Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Nga: Câu chuyện cũ, bối cảnh mới

Vy Anh 19:18 | 06/12/2021
Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Nga sẽ diễn ra vào ngày 7/12. Như nhiều cuộc trao đổi cấp cao khác, vấn đề Ukraine sẽ được bàn luận. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng leo thang khó kiểm soát, Tổng thống Putin đã sẵn sàng cho "bước đi cuối cùng".
Cuộc trao đổi trực tuyến Mỹ-Nga sẽ diễn ra vào ngày 7/12. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Putin sẵn sàng "bước đi cuối cùng"

Theo AFP, trong cuộc trao đổi trực tuyến Mỹ-Nga ngày 7/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải nói về những hoài nghi lịch sử trong bối cảnh hai bên cần giải quyết vấn đề cấp bách liên quan đến việc Nga triển khai lực lượng quy mô tại biên giới với Ukraine.

Câu hỏi chủ đạo bao trùm các cuộc đối thoại và cũng là chủ đề mà giới phân tích đang tranh luận sôi nổi là liệu Tổng thống Putin có thực sự phát động cuộc tấn công xuyên biên giới, hay ông chỉ đang dùng "chiêu bài" tăng quân để gây áp lực với Tổng thống Biden nhằm đảm bảo rằng Ukraine, quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ, sẽ không trở thành “bàn đạp” để Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tạo ra những lo ngại cho Nga.

Mức độ các hoạt động tăng quân mà Nga triển khai gần Ukraine, với đồn đoán về việc Kremlin có thể đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công vào đầu năm 2022 với sự tham gia của 175.000 quân, đã làm dấy lên lo ngại tại Washington và khắp châu Âu.

Nhiều nhà phân tích hoài nghi khả năng Tổng thống Putin sẽ thực hiện một chiến dịch quân sự. Tatiana Stanovaya, nhà sáng lập Trung tâm tư vấn chính trị R.Politik và là học giả cộng tác với Trung tâm Carnegie ở Moscow, bình luận: “Ông Putin ngày càng nguy hiểm, không còn đe dọa suông… Ông ấy đã sẵn sàng cho bước đi cuối cùng”.

Tổng thống Putin đã nói rất rõ "lằn ranh đỏ" với Mỹ và NATO: không mở rộng về phía Đông và không đưa vũ khí tấn công đến Ukraine.

Việc NATO tiến sát biên giới Nga không còn là điều bí mật. Sau khi kết nạp các nước Baltic thuộc Liên Xô (cũ), tổ chức này còn triển khai hệ thống tên lửa đến các nước thành viên gần Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong tuần này còn tuyên bố Nga không có quyền hạn trong việc quyết định Ukraine có tham gia NATO hay không. "Việc quyết định thời điểm Ukraine sẵn sàng tham gia liên minh là tùy thuộc vào Ukraine và 30 đồng minh. Nga không có quyền phủ quyết, không có quyền can thiệp vào quá trình này", ông Stoltenberg nói.

Hiềm khích chất chứa

Trước nhiều những mâu thuẫn như vậy, liệu rằng một cuộc gặp trực tuyến có đủ để hóa giải các lo ngại và hiềm khích chất chứa nhiều thập niên?

Tổng thống Biden và Tổng thống Putin là những chính trị gia có nhiều “kỷ niệm” chung về các cuộc gặp. Cả hai đã gặp nhau trực tiếp lần đầu tại Kremlin năm 2011 và có vẻ rất hiểu về nhau.

Họ gặp lại nhau vào năm 2014 tại Geneva để đàm phán về vấn đề không hề mới hiện nay là áp lực quân sự của Nga tại Ukraine.

Tiếp đó, ngày 16/6 vừa qua, Tổng thống Biden gặp Tổng thống Putin lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ cũng tại Geneva. Hai nhà lãnh đạo đều thừa nhận quan hệ Mỹ và Nga có rất nhiều vấn đề tồn đọng, cần giải quyết bằng những cuộc họp cấp cao nhất.

Ngày 3/12, ông Biden "thề" sẽ làm cho Nga "rất, rất khó" phát động một cuộc tấn công quân sự, nhưng không nói chi tiết. Đáp lại, ông Putin cảnh báo phương Tây và Kiev không nên vượt qua "lằn ranh đỏ" của Kremlin, bao gồm cả việc tăng cường vũ khí tại Ukraine. Ông Biden sau đó tuyên bố “không chấp nhận lằn ranh đỏ của bất kỳ ai”.

Một số nhà phân tích cho rằng Nga, lo ngại sâu sắc về mối quan hệ ấm lên của Ukraine với NATO, và tìm cách hạn chế mối quan hệ này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã yêu cầu người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đưa ra “những đảm bảo an ninh” rằng NATO sẽ không áp sát biên giới Nga. Nhà phân tích Stanovaya cho rằng đó có thể là quan điểm mấu chốt của ông Putin, rằng “hoặc NATO cung cấp bảo đảm hoặc Nga tấn công Ukraine”.

Trong khi đó, Nga không ngừng phủ nhận việc họ cân nhắc các biện pháp cứng rắn, đồng thời đưa ra cáo buộc phương Tây khiêu khích ở Biển Đen. Tháng 6/2020, NATO công nhận Kiev là một trong số ít những "đối tác tiềm năng", bước đầu hướng đến việc kết nạp thành viên.

Heather Conley, cựu Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về châu Âu, cho rằng ông Putin có thể đã sẵn sàng gây áp lực mạnh mẽ trong bế tắc về vấn đề Ukraine. Theo bà này, ông Putin tiến tới hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với ông Biden khi muốn kiềm chế mối quan hệ của phương Tây với Ukraine.

Nhà phân tích Fyodor Lukyanov thì hoài nghi khả năng ông Biden và ông Putin có thể đạt kết quả cụ thể nào đó trong cuộc đối thoại ngày 7/12, song cho rằng nếu có, đàm phán thất bại cũng sẽ không làm leo thang sự thù địch. Ông nói: “Chiến tranh chỉ là những đồn đoán từ phương Tây. Nếu bắt đầu, nó sẽ bắt đầu theo kiểu khác”.

Mỹ đang bắn tín hiệu sẽ liên kết với các đồng minh để buộc Nga phải rút quân khỏi biên giới Ukraine. Các biện pháp trừng phạt hiện Mỹ áp dụng đối với người Nga bao gồm đóng băng tài sản, cấm kinh doanh với các công ty Mỹ và từ chối nhập cảnh.

Trong khi đó theo AP, phương Tây đang cân nhắc những hình phạt tài chính cứng rắn hơn nữa, trong đó có biện pháp loại Nga khỏi hệ thống thanh toán tài chính SWIFT có trụ sở tại Bỉ - vốn là nền tảng giúp chuyển tiền giữa hàng ngàn ngân hàng trên thế giới.

Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc, kêu gọi thực hiện bước đi đó nếu Nga tấn công Ukraine.