📞

Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc: Nỗ lực tránh vòng xoáy xung đột?

Ngọc Hà 20:06 | 15/11/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp trực tuyến vào ngày 16/11. Cộng đồng quốc tế dồn mối quan tâm vào việc liệu cuộc gặp này có giúp xoa dịu căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung hay không.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày 16/11 tới. (Nguồn: Getty Images)

Theo trang mạng politico.com, chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc hiện vẫn chưa được tiết lộ.

Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 12/11 cho biết, trọng tâm của sự kiện này là “những cách thức để quản lý một cách có trách nhiệm cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, cũng như hợp tác trong những vấn đề hai bên chia sẻ lợi ích”.

Kỳ vọng mong manh vào Hội nghị thượng đỉnh

Tờ politico.com cho rằng, không nên gọi cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một cuộc gặp thượng đỉnh khi sự kiện này sẽ không đem lại nhiều kỳ vọng.

Ông Winston Lord, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời chính quyền của Tổng thống Bill Clinton, giải thích: “Washington và Bắc Kinh thừa nhận có những khác biệt to lớn và sẽ cạnh tranh nhau, song điều quan trọng là hai bên cạnh tranh một cách hòa bình, trong những giới hạn nhất định bởi cả hai đều không muốn xảy ra chiến tranh”.

Cách tiếp cận này đã được bộc lộ rõ khi một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden ngày 12/11 nhấn mạnh cuộc gặp này “không nhằm tìm kiếm những kết quả, mà nhằm thiết lập những giới hạn của một cuộc cạnh tranh hiệu quả”.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 13/11, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hy vọng rằng, cuộc gặp này sẽ “đưa quan hệ song phương trở lại đúng quỹ đạo phát triển ổn định và lành mạnh”, song cũng không tiết lộ nội dung cuộc gặp.

Những thông điệp này cho thấy, cả hai cường quốc đều không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả khi chỉ coi đây là một “cuộc gặp trực tuyến” chứ không phải là một hội nghị thượng đỉnh.

Cùng phân tích góc độ này, hãng tin Reuters cho biết, giới chức hai nước đã hạ thấp những kỳ vọng về việc cuộc gặp này sẽ đem lại những kết quả cụ thể trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng rạn nứt hơn.

Reuters điểm lại một số vấn đề chính gây tranh cãi trong quan hệ Mỹ-Trung, từ vấn đề Đài Loan, hoạt động củng cố vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, thương mại, công nghệ, việc tổ chức và tham dự Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh năm 2022, hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và nỗ lực của ông Biden về xây dựng cơ sở hạ tầng ở quy mô quốc tế nhằm đối trọng với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Nhận định về kết quả của cuộc gặp, Gregory Shaffer, Giám đốc Trung tâm UC Irvine về Toàn cầu hóa, Luật và Xã hội cho rằng, triển vọng đạt được những cam kết của Trung Quốc đối với vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ... và mở ra dư địa làm dịu căng thẳng đối với một số vấn đề khác nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Chuyên gia Willy Wo-Lap Lam thuộc Đại học Hong Kong của Trung Quốc cho rằng, cuộc gặp trực tuyến này có thể tạo cơ hội để ông Biden và ông Tập thể hiện thiện chí mang tính biểu tượng thông qua tuyên bố sẵn sàng hợp tác để giải quyết một số vấn đề an ninh địa chính trị ở khu vực và toàn cầu, như vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Chuyên gia Lam nói: “Một điều chắc chắn ở đây là hai nước có thể có cùng quan điểm và ít nhất sẽ sẵn sàng đàm phán về vấn đề Triều Tiên, Iran và thậm chí vấn đề Afghanistan. Đây đều là những vấn đề cả hai vẫn có thể hợp tác với nhau”.

Về những vấn đề gây tranh cãi nói trên, chuyên gia Lam cho rằng, Washington và Bắc Kinh sẽ tiếp tục bất đồng.

Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu Lam cho rằng, cuộc gặp trực tuyến này sẽ đem lại tác động quan trọng hơn trong dài hạn.

Chuyên gia trên nhận định: “Ít nhất, cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập sẽ mở ra xu hướng cho các cuộc tiếp xúc thường xuyên hơn giữa quan chức cấp cao hai nước... Đó sẽ là bước tiến bộ lớn”.

Tránh vòng xoáy xung đột

Trang mạng secretchina.com ngày 15/11 nhận định, việc tiếp xúc giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình, dù ở hình thức trực tuyến, là cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ quan hệ Mỹ-Trung rơi vào vòng xoáy xung đột.

Trước thềm cuộc gặp trực tuyến, cả hai bên có những động thái xoa dịu lẫn nhau.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan tuyên bố, hai bên đã đạt được tuyên bố chung Mỹ-Trung về nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhà bình luận Chen Pokong suy đoán rằng, trong hoàn cảnh như vậy, các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước được cho là chủ yếu nhằm xoa dịu cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ.

Theo SCMP, giới quan sát đã đưa ra đánh giá và so sánh lợi thế của hai bên trước thềm “cuộc cân não” này.

Về phía nhà lãnh đạo Mỹ, ông Biden đang nỗ lực làm “hồi sinh” vị thế lãnh đạo của Washington trên trường quốc tế thông qua việc thúc đẩy các chính sách kích thích và hợp tác kinh tế ở các cấp độ khác nhau.

Tuy nhiên, xét về môi trường chính trị trong nước, ông Biden vẫn đang chịu sức ép trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đang đến gần. Các cuộc bầu cử thị trưởng và thống đốc bang hồi tuần trước đã không đem lại những chiến thắng vang dội nhiều hơn cho đảng Dân chủ.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Đại dương của Trung Quốc Pang Zhongying nhận định: “Những kết quả bầu cử này không thực sự có lợi cho đảng Dân chủ”.

Lu Xiang, chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, dẫn các kết quả thăm dò dư luận tại Mỹ cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của ông Biden đang sụt giảm.

Trong khi đó, vị thế của ông Tập Cận Bình đang ở chiều ngược lại.

Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX kết thúc hồi tuần trước với việc thông qua nghị quyết về lịch sử mang tên ”Những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng” đã giúp củng cố hơn nữa quyền lực của ông Tập Cận Bình.

Xét ở khía cạnh kinh tế, Giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho rằng, ông Biden có một số “lợi thế không đáng kể” nhờ tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại trong quý III/2021.

(tổng hợp)