Khơi nguồn cảm hứng
Fika là sự dung hòa giữa cách thưởng thức cà phê take-away tiện dụng của người Mỹ và nghệ thuật trà đạo của người Nhật. Việc ăn bánh kẹp kem Semla và thưởng thức cà phê Fika đã trở thành những nét văn hóa đặc trưng của Thụy Điển. Đại sứ Pereric Högberg vô cùng ngạc nhiên khi tìm được một quán café mang tên Fika giữa lòng Hà Nội. Điều này càng thôi thúc Đại sứ nỗ lực thực hiện mong muốn “xuất khẩu” nét văn hóa này sang Việt Nam.
Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg (trái) và cựu Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander chia sẻ cùng phóng viên về Fika và bánh Semla. (Ảnh: PH) |
Giờ uống cà phê ở Thụy Điển được gọi là giờ Fika. Ở công sở thường có 2 giờ Fika mỗi ngày đó là lúc 10 giờ sáng và 3 giờ chiều. Đây là khoảng thời gian mà mọi người chia sẻ về công việc hay những chủ đề ngoài công việc. Theo Đại sứ Pereric Högberg, nhiều người cho rằng những hoạt động như vậy có thể “đánh cắp” thời gian làm việc, tuy nhiên, bên một tách cà phê nóng cùng một vài món ăn ngọt, mọi người sẽ tìm thấy những điểm chung và có thể tìm ra rất nhiều ý tưởng, sáng tạo độc đáo.
Bà Camilla nhận thấy những nét tương đồng trong văn hóa thưởng thức cà phê của Thụy Điển – một trong những nước tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới và Việt Nam – một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Với Đại sứ Pereric Högberg và Vụ trưởng Camilla Mellander, Fika là phần không thể thiếu ở Đại sứ quán. Chiều thứ 6 hàng tuần, các thành viên sứ quán cùng có một buổi Fika với bánh ngọt, hoa quả, café từ Thụy Điển. Những giờ như vậy rất quan trọng để các thành viên trong ngôi nhà sứ quán hiểu nhau hơn, thắt chặt tình đoàn kết và nâng cao hiệu quả trong công việc.
"Ngày Semla"
Phóng viên chúng tôi uống café, ăn bánh kem Semla và có cùng những thắc mắc về lịch sử và giá trị văn hóa của thứ bánh ngọt đậm, có vị mát của kem tươi này. Đại sứ Högberg chia sẻ bánh Semla đơn giản chỉ là một chiếc bánh nướng nhỏ được làm từ bột mì bên trong có nhân kem bơ, sữa và đường, tùy vùng có thể thêm hạnh nhân và bột đường trắng bên trên để trang trí. Chiếc bánh Semla ra đời từ ngày “Thứ ba béo”, một ngày lễ truyền thống ở Thụy Điển và trở thành “Ngày Semla” - ngày cuối cùng trước khi bắt đầu kỳ chay của các tín đồ Cơ đốc giáo.
Việc ăn những loại chất béo như trứng, bơ, sữa trước khi bắt đầu ăn chay giúp người dân Thụy Điển có thể nạp thêm năng lượng và calo trước khi trải qua những ngày ăn chay khó khăn. Chiếc bánh Semla đã có lịch sử hàng trăm năm và được mọi tầng lớp người dân Thụy Điển yêu thích.
Những chiếc bánh Semla ngọt ngào của Thụy Điển. (Ảnh: PH) |
Bà Camilla Mellander cho biết trước đây, người dân Thụy Điển phải chờ đến ngày “Thứ ba béo” để thưởng thức bánh Semla, nhưng ngày nay nhiều người đã ăn bánh Semla ngay từ sau Giáng sinh. Ở Thụy Điển, cách ăn bánh Semla ngày nay cũng có chút thay đổi, nhiều người thêm sữa nóng phủ trên bánh để có hương vị thơm ngon hơn.
Đại sứ Högberg hy vọng người dân Việt Nam cũng sẽ yêu thích món bánh ngon ngọt, dễ ăn này. Trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam, ông rất mong chờ có những cơ hội được chia sẻ cách làm bánh Semla với các bạn bè Việt. Ông Högberg chia sẻ trong chuyến thực địa cuối tuần trước tới trang trại của TH True Milk, tỉnh Nghệ An, ông Högberg được tận mặt thấy những trang trại bò với số lượng lớn, có sản lượng sữa ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Đây là điều tuyệt vời để có thể sản xuất những sản phẩm bánh kem như Semla của Thụy Điển. Tôi thấy rất nhiều quán café mới mở thu hút nhiều bạn trẻ Việt, với những người ‘sành’ café như vậy thì văn hóa café với bánh ngọt sẽ vô cùng phù hợp”, Đại sứ Högberg bày tỏ.