Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. |
Những cảnh báo được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 9/4 lệnh cho các quan chức chính phủ hạn chế tiếp xúc dân sự và kinh tế cấp cao với Palestine.
Ahmed Majdalani, Bộ trưởng Lao động và thành viên Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho rằng các cách thức hành xử của Israel – tuyên bố hoặc là cắt đứt quan hệ với PNA hoặc là áp đặt các biện pháp trừng phạt, "sẽ dẫn tới sự sụp đổ toàn bộ tiến trình hòa bình". “ Các quyết định của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho thấy sự bối rối và thiếu định hướng của Chính phủ Israel, và đó là nguyên nhân đưa tiến trình hòa bình vào chỗ bế tắc, ông nói.
Cùng ngày, một quan chức khác đề nghị giấu tên cho biết Ban lãnh đạo Palestine cũng đang cân nhắc việc chấm dứt hợp tác an ninh và ngừng các cuộc đàm phán hòa bình với Israel trước quyết định tuyệt giao hợp tác với PNA của Thủ tướng Israel Netanyahu.
Theo quan chức này, phía Palestine đã liên lạc với đặc phái viên hòa bình Mỹ ở Trung Đông Marten Indyk và thông báo rằng quyết định của phía Israel làm tình hình trong tương lai càng thêm khó khăn. Ông cũng cho biết Ban lãnh đạo Palestine đã thúc giục Mỹ can thiệp và ngăn chặn bất kỳ hành động đơn phương nào của Israel có thể ảnh hưởng tới toàn bộ tiến trình hòa bình ở Trung Đông.
Thủ tướng PNA Rami Hamdallah trong một thông cáo báo chí cũng nói rằng việc ông Netanyahi quyết định chấm dứt hợp tác giữa chính quyền của ông và chính quyền Palestine "rõ ràng là cách Israel dùng để tống tiễn người Palestine".
Phía Palestine đồng thời đe dọa sẽ tham gia các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc bởi Palestine đã được LHQ nâng cấp lên quy chế nhà nước quan sát viên phi thành viên hồi năm 2012.
Trong khi đó, thủ lĩnh Công đảng đối lập tại Israel, ông Isaac Herzog cho rằng động thái mới của Thủ tướng Netanyahu chỉ "đổ thêm dầu vào lửa". Theo ông, việc ngừng liên lạc với PNA là bước đi không cần thiết và gây tổn hại lợi ích của Israel. Nghị sỹ Horowitz thuộc đảng Meretz cũng chỉ trích Thủ tướng Netanyahu "giết chết tiến trình hòa bình sau khi làm đổ vỡ các cuộc đàm phán", đồng thời cảnh báo việc cắt quan hệ với Palestine là một hành động "thiếu trách nhiệm và nguy hiểm", sẽ chỉ gây tổn hại cho Israel.
Trong một thông cáo báo chí, Fawzi Barhoum, Phát ngôn viên của tổ chức Hamas tại Gaza nói rằng việc Israel đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Palestine "chứng tỏ các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đang gặp khó khăn". Ông này kêu gọi PNA có phản ứng nhanh chóng trước các quyết định và lời đe dọa của Israel bằng cách cắt đứt sự hợp tác an ninh và mọi hình thức quan hệ đồng thời ngừng đàm phán.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/4, tại hội nghị khẩn cấp của Liên đoàn Arab (AL), ngoại trưởng các nước thành viên cùng Tổng thống Palestine Mahmud Abbas khẳng định Israel “chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng bế tắc nguy hiểm” trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
Hội nghị này được triệu tập theo đề nghị của Tổng thống Abbas, sau khi Israel rút lại kế hoạch phóng thích nhóm tù nhân Palestine cuối cùng và mở lại gói thầu xây dựng 708 nhà định cư ở Đông Jerusalem. Theo Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi, Israel đang trì hoãn đàm phán với ý đồ chiến lược là kéo dài thời gian. Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Malki nhấn mạnh Palestine và AL cam kết duy trì tiến trình đàm phán, ủng hộ nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng này.
Tại hội nghị, AL cũng cam kết tiếp tục cung cấp viện trợ 100 triệu USD/tháng cho Chính quyền của Tổng thống Abbas.
Bình luận về việc Israel hạn chế liên lạc với Palestine, Mỹ coi đây là động thái "đáng tiếc". Phát biểu sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Israel Avigdo Lieberman, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nêu rõ Washington tin tưởng rằng hợp tác giữa các nhà chức trách Israel và Palestine đã mang lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời sẽ tiếp tục kêu gọi hai bên nỗ lực hành động nhằm đóng góp cho một môi trường có lợi cho hòa bình.
Các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian được tái khởi động hồi tháng 7/2013 đã rơi vào khủng hoảng hồi tuần trước, sau khi Israel không trả tự do cho tù nhân Palestine như thỏa thuận, đồng thời yêu cầu Palestine cam kết tiếp tục đàm phán qua thời hạn chót ngày 29/4 tới. Trong khi đó, Tổng thống Palestine Abbas đã ký đơn Nhà nước Palestine xin gia nhập 15 Hiệp ước quốc tế. Cuộc gặp gần đây nhất giữa các nhà đàm phán hai bên đã kết thúc ngày 8/4 mà không đạt được đột phá nào.
Palestine hiện đang hết sức quan ngại rằng Israel sẽ ngừng việc trả tiền thuế thu nhập thu hộ cho Palestine, trong khi đây là khoản thu ngân sách lớn để Palestine chi trả các chi phí hoạt động. Theo các thỏa thuận hòa bình tạm thời, Israel có trách nhiệm thu thuế hàng hóa nhập khẩu vào các vùng lãnh thổ Palestine và chuyển cho PNA, với giá trị khoảng 100 triệu USD/tháng. Israel từng phong tỏa khoản tiền này vào những thời điểm gia tăng căng thẳng an ninh và ngoại giao với Palestine.
N.K (theo THX)