📞

Tìm lời giải cho 'bài toán' quản trị AI ở Đông Nam Á một cách công bằng và bền vững

Quang Hiếu 14:12 | 25/05/2024
Thúc đẩy các sáng kiến quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), Đông Nam Á cần bảo đảm cho các quốc gia trong khu vực cùng khai thác tác động kinh tế đáng kể từ AI một cách bình đẳng.
Hợp tác khu vực trong quản trị AI có thể thúc đẩy nỗ lực đưa Đông Nam Á trở thành trung tâm AI mới ở Nam bán cầu. (Nguồn: accesspartnership)

Mặc dù khu vực Đông Nam Á có các quốc gia đi đầu trong các sáng kiến quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng khả năng cạnh tranh toàn cầu về AI của khu vực này vẫn gặp trở ngại do thiếu sự chuẩn bị, nhất là ở các nước kém phát triển.

Trong khi Singapore tỏ ra vượt trội còn các quốc gia khác cũng đang bám sát, thì cần có một bộ khung các quy định toàn diện mang tầm khu vực để đảm bảo sự phát triển AI có trách nhiệm, theo đó cân bằng các nguyên tắc đạo đức, đổi mới cũng như các quan tâm về môi trường và tính bền vững. Các quốc gia nên cùng nhau hợp tác để đảm bảo đạt được những lợi ích kinh tế tiềm năng do AI mang lại một cách bình đẳng.

Những vấn đề trong quản trị AI ở Đông Nam Á

Đông Nam Á được dự đoán sẽ thu được lợi ích kinh tế đáng kể từ việc sử dụng AI, ước tính sẽ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực lên tới 950 tỷ USD tương đương 13% vào năm 2030. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo rằng quản trị AI không chỉ mang lại lợi ích cho một số quốc gia, mà còn phải mang lại lợi ích chung cho khu vực.

Khả năng cạnh tranh trên thị trường AI toàn cầu của Đông Nam Á vẫn gặp trở ngại do mức độ chưa sẵn sàng để thúc đẩy các công nghệ do AI dẫn đầu.

Oxford Insights, một công ty tư vấn chuyên tư vấn cho các tổ chức và chính phủ về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi kỹ thuật số, đã chấm điểm mức độ sẵn sàng của 160 quốc gia trên thế giới khi sử dụng AI trong các dịch vụ công dựa trên 3 trụ cột gồm: chính phủ, công nghệ, dữ liệu và cơ sở hạ tầng. Hiện Singapore đứng đầu với tổng số điểm là 81,97/100, tạo ra khoảng cách đáng chú ý khi so sánh với các nước kém phát triển hơn như Myanmar chỉ đạt 30,91/100.

Bên cạnh đó, còn có sự phân chia rõ ràng về lượng đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực AI trên toàn khu vực. Singapore đầu tư 8,4 tỷ USD, vượt xa các nền kinh tế khác của ASEAN như Indonesia (1,9 tỷ USD), Malaysia (371 triệu USD), Thái Lan (255 triệu USD), Philippines (126 triệu USD) và Việt Nam (95 triệu USD). Điều này cho thấy 75% tổng vốn đầu tư trong 6 nền kinh tế lớn ASEAN vẫn tập trung ở Singapore.

Mặt khác, các sáng kiến quản trị AI của khu vực Đông Nam Á, từ việc thiết lập chiến lược quốc gia đến tạo khuôn khổ quản trị AI chủ yếu được nằm trong tay một số ít quốc gia có hệ thống kinh tế kỹ thuật số tiên tiến hơn.

Singapore đã đưa ra 25 sáng kiến quản trị, bao gồm Chiến lược AI quốc gia và Khung quản trị AI kiểu mẫu. Trong khi đó, Việt Nam đưa ra 6 sáng kiến, Thái Lan có 5 sáng kiến và Indonesia 1 sáng kiến. Một số quốc gia khác đang trong giai đoạn đầu phát triển AI như Campuchia vào năm 2023 đã ban hành các khuyến nghị chi tiết về cách chính phủ nên tạo điều kiện và quản lý AI.

Trong bối cảnh quỹ đạo đổi mới và quy định về AI phát triển, cần phải có một khung pháp lý toàn diện hơn để bổ sung cho Hướng dẫn của ASEAN về Quản trị và Đạo đức AI. Trong đó, cần ưu tiên xây dựng một hệ sinh thái phát triển an toàn, toàn diện và đổi mới, tôn trọng các giá trị đạo đức.

Tuy nhiên, khó khăn nằm ở việc cân bằng giữa nhu cầu quản lý và thúc đẩy đổi mới trong bối cảnh sự đa dạng của các quốc gia trong khu vực. Mặc dù có 3 cách tiếp cận toàn cầu riêng biệt đối với quản trị AI như cách tiếp cận lấy nhà nước làm trung tâm của Trung Quốc, cách tiếp cận dựa trên thị trường của Mỹ và cách tiếp cận dựa trên các quyền của Liên minh châu Âu (EU), nhưng cách tiếp cận tăng cường và linh hoạt lại là giải pháp khả thi để thiết lập các quy tắc và chuẩn mực chung trong việc quản lý AI ở Đông Nam Á.

Tính bền vững đóng vai trò trụ cột khác cho sự phát triển theo cấp số nhân của AI hiện nay. Sự phát triển của AI đã gia tăng nhu cầu về trung tâm dữ liệu và đòi hỏi nhu cầu nâng cấp đào tạo chuyên sâu về dữ liệu cho các mô hình ngôn ngữ lớn được sử dụng trong khu vực, chẳng hạn như ChatGPT, SEA-LION của Singapore và Yellow.AI của Indonesia.

Với sự hỗ trợ thông qua các quy định mạnh mẽ về AI giữa các quốc gia thành viên ASEAN, AI có thể giúp các quốc gia trong khu vực hiểu sâu hơn về các tác động bên ngoài môi trường và giúp tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong nghiên cứu môi trường.

Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Singapore Josephine Teo xem thuyết trình các giải pháp AI tổng quát do các nhóm khởi nghiệp và khu vực công phát triển tại sự kiện ra mắt sáng kiến AI Trailblazers. (Nguồn: Google Cloud Singapore)

Hợp tác khu vực trên hành trình công nghiệp hóa AI

Sự tiến bộ của AI được ước tính sẽ tăng gấp đôi số lượng trung tâm dữ liệu trên toàn cầu và tăng cường đào tạo mô hình lớn, dẫn đến mức sử dụng điện toàn cầu tăng vọt đáng kể vào năm 2030. Do đó, các quốc gia thành viên ASEAN cần phải có hành động đón đầu khẩn trương, nếu không AI sẽ thể cản trở nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Việc thực hiện chính sách công nghiệp AI chiến lược trong khu vực Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng để đảm bảo cho các quốc gia thành viên có thể khai thác tác động kinh tế đáng kể của AI một cách bình đẳng.

Công nghiệp hóa AI là chìa khóa để tăng lợi thế cạnh tranh trong AI. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tăng cường đầu tư của chính phủ vào các sáng kiến AI đồng thời tăng cường quan hệ đối tác công và tư để hỗ trợ sản xuất AI trong khu vực.

Các nhà phát triển AI lớn khác ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đã cải tiến việc sản xuất các bộ xử lý đồ họa và loại chip dùng để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn.

Trong khu vực, Singapore và Malaysia đã thiết lập các sáng kiến AI với nhà sản xuất chip Nvidia để xây dựng siêu máy tính và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất AI. Những nỗ lực như vậy có thể tạo động lực cho các quốc gia thành viên khác làm điều tương tự.

Điều này có thể nâng cao hơn nữa năng lực của khu vực Đông Nam Á để trở thành trung tâm AI mới ở Nam bán cầu và là điểm đến thay thế cho các công ty Mỹ và châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất sản phẩm liên quan đến AI để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong hành trình này, ASEAN cũng có thể học hỏi từ các nhà lãnh đạo toàn cầu về AI như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mỹ và EU, những bên đang hỗ trợ công tác nghiên cứu AI trong các trường đại học, áp dụng luật lao động cho các chuyên gia tài năng về AI có tay nghề cao và cung cấp hỗ trợ trong môi trường cạnh tranh theo định hướng thị trường.

ASEAN cũng có thể quy định việc sử dụng và phát triển AI để tôn trọng quyền kỹ thuật số của công dân, đồng thời ngăn chặn sự độc quyền thị trường AI của bất kỳ công ty hoặc quốc gia công nghệ lớn nào.

Hợp tác chung khu vực giữa các quốc gia thành viên cần được chú trọng để tăng cường sự đoàn kết, đảm bảo quản trị AI đáng tin cậy, công bằng và bền vững trong tương lai.

(theo East Asia Forum)