Sau khi chính phủ sụp đổ, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố sẽ không tranh cử vào tháng 11 tới. (Nguồn: LBC International) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga: Ukraine tấn công cầu Crimea bằng S-200: Ngày 9/7, viết trên Telegram, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã tìm cách tấn công vào các mục tiêu ở khu vực Crimea, Kaluga và Rostov bằng tên lửa S-200. Đây vốn là tên lửa phòng không, song đã được chuyển đổi thành phiên bản tấn công.
Tuy nhiên, quân đội Nga nêu rõ các nỗ lực trên đã không thành công. Cụ thể, các hệ thống phòng không nước này đã phá hủy 2 tên lửa S-200 của Ukraine và 2 tên lửa nữa bị các hệ thống tác chiến điện tử phá sóng. Tổng tham mưu trưởng Các Lực lượng vũ trang Nga (VS RF), Tướng Valery Gerasimov đã chỉ thị xác định địa điểm có tên lửa S-200 của VSU để tấn công phủ đầu. (Sputnik)
Tin liên quan |
Tổng thống Mỹ thăm châu Âu: Ukraine, bom chùm là trọng tâm? |
* Nga cảnh báo về quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraine: Ngày 10/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền phát triển mối quan hệ với bất kỳ quốc gia nào, bao gồm Ukraine, nhưng những mối quan hệ đó không nên nhằm mục đích chống lại Nga. Tuần trước, quan hệ song phương đã căng thẳng hơn sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trao trả 5 chỉ huy quân đội cho Ukraine, điều Nga gọi là vi phạm thỏa thuận trao đổi tù nhân.
Tuy nhiên, bình luận về tác động của sự kiện này tới đề xuất thành lập “Trung tâm khí đốt” của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Peskov nhấn mạnh Moscow sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với Ankara. Liên quan tới thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Điện Kremlin cho hay hiện chưa có kế hoạch gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về vấn đề này, hay lịch trình về chuyến thăm của nhà lãnh đạo xứ bạch dương tới Ankara. (Reuters)
* Nga gấp đôi sản lượng tiêm kích Su-34 và Su-35: Ngày 10/7, RIA (Nga) dẫn lời một quản lý cấp cao của tập đoàn khoa học công nghệ nhà nước Rostec cho biết xứ bạch dương đã tăng gấp đôi sản lượng máy bay tiêm kích Su-34 và Su-35 để đáp ứng nhu cầu quân sự trong xung đột hiện nay tại Ukraine.
Trước đó, phi công Ukraine thừa nhận các tiêm kích Su-35 của Nga là đối thủ đáng gờm nhất. Theo đó, các máy bay của VSU phải bay ở độ cao rất thấp để thoát khỏi tên lửa không đối không được phóng từ các tiêm kích Su-35. (RIA)
* Ukraine: VSU chiếm được điểm cao quan trọng quanh Bakhmut: Ngày 10/7, viết trên Telegram, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ganna Malyar cho biết: “Trong quá trình tiến công, quân đội của chúng tôi đã kiểm soát các điểm cao chỉ huy quan trọng xung quanh Bakhmut”. Trước đó cùng ngày, bà cũng cho biết VS RF đang tiếp tục bảo vệ Bakhmut, nhưng VSU đã “có bước tiến cụ thể” tại phía Nam. Tình hình ở phía Bắc không đổi, song hai bên tiếp tục đụng độ ác liệt tại phía Tây Bakhmut và gần Lyman, Bắc Donetsk. (AFP/Reuters)
* Ukraine khởi công nhà máy UAV Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 10/7, phát biểu trên truyền hình Rada (Ukraine), Bộ trưởng các ngành công nghiệp chiến lược nước này, ông Oleksandr Kamyshin thông báo nước này đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất máy bay không người lái (UAV) Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói: “Đã có các cuộc đàm phán về nó, sau đó là những điểm dừng, vụ bê bối. Hiện nhà máy bắt đầu được xây dựng trên thực tế chứ không chỉ trên bản ghi nhớ”.
Hồi tháng 6, Giám đốc điều hành công ty Baykar, ông Haluk Bayraktar công bố kế hoạch sản xuất UAV ở Ukraine vào năm 2025. (Rada)
* Mỹ gửi bom chùm tới Ukraine: Nhật Bản không phản đối, Trung Quốc có “thái độ lạ”: Ngày 10/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, quyết định của Washington về gửi bom chùm tới Kiev đã thu hút “sự chú ý rộng rãi của cộng đồng quốc tế, với nhiều quốc gia bày tỏ sự phản đối’.
Tuy nhiên, bà Mao Ninh không lên án thẳng thừng kế hoạch này mà lưu ý “việc chuyển giao bom chùm một cách vô trách nhiệm có thể dẫn đến các vấn đề nhân đạo”. Bà Nói: “Chúng ta nên xem xét một cách công bằng các mối quan ngại nhân đạo cũng như các nhu cầu an ninh và quân sự hợp pháp, đồng thời duy trì thái độ thận trọng và kiềm chế đối với việc chuyển giao bom chùm”.
Phát biểu cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu không đưa ra đánh giá trực tiếp về kế hoạch của Mỹ. Tuy nhiên, Tokyo xác nhận cam kết của Washington nhằm giảm thiểu tác động của bom chùm đối với người dân ở Ukraine. Theo quan chức này, Nhật Bản biết Mỹ sẽ cung cấp bom chùm được thiết kế để giảm thiểu nguy cơ bom không phát nổ. Đồng thời, Mỹ khẳng định Ukraine cam kết chỉ sử dụng loại bom này trong lãnh thổ của mình và cố gắng giảm thiểu tác động đối với dân thường.
Trước đó, ngày 6/7, Washington thông báo lần đầu tiên cung cấp bom chùm cho Kiev như một phần của gói viện trợ quân sự 800 triệu USD. Động thái này đã vướng phải sự phản đối trong nội bộ Mỹ, cũng như nhiều đồng minh, đối tác lớn như Đức, Anh, Canada, Tây Ban Nha và các tổ chức nhân đạo quốc tế.(AFP/Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Đức và nhiều nước phản ứng như thế nào khi Mỹ muốn đưa loại vũ khí này tới Ukraine? |
Nam Thái Bình Dương
* New Zealand tin tưởng báo cáo của IAEA về Fukushima: Ngày 10/7, phát biểu sau cuộc gặp Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta khẳng định, nước này tin tưởng vào báo cáo về đề xuất xả nước thải đã xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) ra biển.
Bà cũng nêu rõ: “Điều quan trọng là... cần có sự tham gia liên tục có ý nghĩa với Thái Bình Dương về kế hoạch xả nước thải đã được đề xuất. Sau hai năm xem xét, IAEA cho biết kế hoạch của Nhật Bản xả lượng nước thải tương đương khoảng 500 bể bơi tiêu chuẩn Olympic từ nhà máy Fukushima bị sóng thần tàn phá hơn một thập kỷ trước là phù hợp các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và chúng sẽ có mức độ tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường”.
Bà Mahuta cho biết, New Zealand hiểu sâu sắc tác động mà thử nghiệm hạt nhân đã gây ra đối với láng giềng Thái Bình Dương trong quá khứ và sẽ tiếp tục kêu gọi giải quyết việc xả nước thông qua đối thoại minh bạch và có ý nghĩa. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Các quốc đảo Thái Bình Dương muốn 'mổ xẻ' kế hoạch xả thải nhà máy điện hạt nhân Fukushima |
Đông Bắc Á
* Trung Quốc, Quần đảo Solomon thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện: Chiều ngày 10/7 tại Bắc Kinh, Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare và Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình đã thông báo thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Ngày 9/7, ông Sogavare đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên sau khi ký kết thỏa thuận an ninh. (Reuters)
* Triều Tiên chỉ trích tàu ngầm hạt nhân Mỹ thăm Hàn Quốc: Ngày 10/7, KCNA (Triều Tiên) dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng nước này về việc Mỹ triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang đầu đạn hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên. Theo đó, đây là lần đầu tiên vũ khí hạt nhân chiến lược của xứ cờ hoa xuất hiện ở khu vực này từ năm 1981.
Trong bối cảnh đó, tuyên bố này khẳng định, Mỹ đang thực hiện một “vụ tống tiền hạt nhân chống lại Triều Tiên và láng giềng, đồng thời là mối đe dọa và thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu”. Bình Nhưỡng kêu gọi Washington lập tức chấm dứt tất cả các động thái khiêu khích. (Tân Hoa xã)
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Solomon công du Trung Quốc: Phía sau chuyến thăm là cuộc tranh giành ảnh hưởng |
Trung Á
* Tổng thống Uzbekistan tái cử: Ngày 10/7, Ủy ban Bầu cử Trung ương Uzbekistan dẫn các kết quả sơ bộ cùng ngày cho hay, Tổng thống Shavkat Mirziyoyev tái đắc cử với 87,1% phiếu ủng hộ. Ông Mirziyoyev, nắm quyền từ năm 2016, đã kêu gọi bầu cử sớm sau khi thay đổi Hiến pháp thông qua một cuộc trưng cầu ý dân về gia hạn nhiệm kỳ tổng thống từ 5 lên 7 năm. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, Tổng thống Uzbekistan cần giải quyết một vấn đề cấp bách |
Châu Âu
* Nga: Ông Putin gặp lãnh đạo Wagner năm ngày sau cuộc nổi dậy: Ngày 10/7, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp người sáng lập công ty quân sự tư nhân (PMC) Wagner, ông Yevgeny Prigozhin trong ngày 29/6, năm ngày sau khi nhóm này thực hiện cuộc “hành quân vì công lý” tới Moscow trong cuộc nổi dậy ngắn ngủi.
Theo đó, Tổng thống Putin đã mời 35 người tới họp, kể cả chỉ huy các đơn vị Wagner. Cuộc gặp kéo dài 3 tiếng. Các chỉ huy Wagner khẳng định họ là binh sĩ dưới quyền ông Putin và sẽ tiếp tục hành động vì nhà lãnh đạo này.
Trước đó, ông Prigozhin dự định đến Belarus theo các điều khoản của thỏa thuận giữa Nga, Belarus và Wagner. Tuy nhiên, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, ông Prigozhin đã trở lại Nga trong tuần trước và các tay súng Wagner vẫn chưa chấp nhận đề nghị chuyển tới Belarus.
Trong một tin liên quan, Tổng tham mưu trưởng VS RF Valery Gerasimov lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc nổi dậy của Wagner ngày 24/6. Cụ thể, vị chỉ huy này đã tham gia cuộc họp ngày 9/7 của Bộ Quốc phòng Nga, lắng nghe báo cáo về các cuộc tấn công tên lửa của Ukraine. (AFP/Reuters)
* Ukraine hoan nghênh NATO tạo điều kiện kết nạp: Ngày 10/7, trong một bài đăng trên Twitter trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Lithuania, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết: “Sau đàm phán chuyên sâu, các đồng minh NATO đã đạt sự đồng thuận để loại bỏ Kế hoạch hành động dành cho thành viên (MAP) khỏi lộ trình của Ukraine. Tôi hoan nghênh quyết định được chờ đợi từ lâu này, quyết định này giúp rút ngắn con đường của chúng tôi đến với NATO”.
Theo ông, cuộc họp ở ở Vilnius là “thời điểm duy nhất” để mang đến câu trả lời rõ ràng: “Với NATO, đánh mất cơ hội này đồng nghĩa với trao cho (Tổng thống Nga Vladimir) Putin một món quà đúng thời điểm ông ấy cần để gây áp lực trên mọi mặt trận”. Nhà ngoại giao Ukraine lưu ý nỗ lực của Kiev sẽ tiếp tục “cho đến phút chót thông qua tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Vilnius”. (Reuters)
* Ba Lan bắt gián điệp Nga: Ngày 10/7, viết trên Twitter, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski thông báo: “Cơ quan An ninh nội bộ Ba Lan đã bắt giữ một thành viên nữa thuộc mạng lưới gián điệp làm việc cho tình báo Nga. Nghi phạm tiếp tục giám sát các cơ sở quân sự và cảng biển. Đối tượng này đã được phía Nga trả tiền một cách có hệ thống". Như vậy, tổng số bị các nhà chức trách Ba Lan bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp cho Nga hiện đã lên tới 15.
Hiện Đại sứ quán Nga tại Ba Lan chưa có bình luận về thông tin trên. (Reuters)
* Thủ tướng Hà Lan không tranh cử nhiệm kỳ thứ 5: Ngày 10/7, ông Mark Rutte cho biết sẽ không tranh cử Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 5 và sẽ rời chính trường Hà Lan sau cuộc bầu cử tháng 11 tới. Trước đó ba ngày, ông đã đệ đơn từ chức sau khi không đạt thỏa thuận về chính sách nhập cư chặt chẽ hơn.
Trải qua bốn cuộc bầu cử, chính trị gia này đã đi vào lịch sử của đất nước hoa tulip khi trở thành Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất với 13 năm, với tiếng nói lớn tại EU. (Reuters)
* Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện chấp nhận Thụy Điển vào NATO: Ngày 10/7, phát biểu trước khi lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết, việc gia nhập NATO của Thụy Điển sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện một thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Madrid mùa Hè năm ngoái, liên quan đến các cam kết chống khủng bố của Stockholm. Nhấn mạnh không ai nên mong đợi sự thỏa hiệp từ Ankara, ông khẳng định EU nên mở đường cho nước này gia nhập khối trước khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đề xuất của Thụy Điển về việc gia nhập NATO. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Chính phủ Hà Lan sụp đổ, Thủ tướng Rutte đã trình đơn từ chức vì lý do gì? |
Châu Mỹ
* Cuba và Trung Quốc tham vấn liên Bộ Ngoại giao: Ngày 9/7, Cuba và Trung Quốc đã tổ chức Tham vấn Chính trị liên Bộ Ngoại giao diễn ra tại La Havana. Tại sự kiện này, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi và thúc đẩy triển khai các đồng thuận đã đạt được giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của hai Bộ Ngoại giao.
Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Anayansi Rodríguez Camejo và Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nhấn mạnh “mức độ tốt đẹp của quan hệ song phương” và “mức độ nhất trí cao, sự trùng khớp và hỗ trợ lẫn nhau trong các tổ chức quốc tế, luôn ủng hộ chủ nghĩa đa phương, các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế và vai trò của Liên hợp quốc”.
Cuba cảm ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với đảo quốc Caribbean trong những thời điểm phức tạp và ghi nhận lập trường bất biến của Bắc Kinh chỉ trích bao vây cấm vận và việc Mỹ đưa Cuba vào danh sách đơn phương các quốc gia bảo trợ khủng bố. Trong khi đó, Trung Quốc cảm ơn Cuba đã luôn ủng hộ không hạn chế nguyên tắc “một Trung Quốc” và bác bỏ hành vi can thiệp công việc nội bộ.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla đã tiếp bà Hoa Xuân Oánh. Ông bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường mối quan hệ lịch sử của tình anh em, đoàn kết và hợp tác giữa hai dân tộc, hai Đảng Cộng sản và Chính phủ. (Prensa Latina)
TIN LIÊN QUAN | |
Diễn biến mới trong chiến dịch quân sự của Colombia triển khai dọc biên giới với Venezuela |
Trung Đông-Châu Phi
* Tổng thống Mỹ bất ngờ chỉ trích Israel: Ngày 9/7, trả lời phỏng vấn CNN (Mỹ) ông Joe Biden đã bất ngờ chỉ trích chính quyền đương nhiệm tại Israel. Theo ông chủ Nhà Trắng, chính phủ hiện tại của Israel là một trong những chính phủ cực đoan nhất 50 năm qua từ thời Thủ tướng Golda Meir. Ông Biden cho biết đây là lý do ông vẫn chưa mời Thủ tướng Benjamin Netanyahu tới Nhà Trắng.
Đồng thời, nhà lãnh đạo xứ cờ hoa nhận định chính quyền đương nhiệm tại Israel có quan điểm cực đoan đối với người Palestine. Theo ông, an ninh của Nhà nước Do Thái phụ thuộc vào việc đạt được giải pháp hai nhà nước. (CNN)
| Tổng thống Ba Lan bất ngờ hiện diện ở Ukraine, tăng viện trợ cho Kiev Ngày 9/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda cùng đến một nhà thờ ở thành phố Lutsk, miền ... |
| Tổng thống Hàn Quốc dự Hội nghị thượng đỉnh NATO nhằm ngăn chặn leo thang hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, cam kết hỗ trợ Ukraine Ngày 10/7, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đến Vilnius, Lithuania để tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc ... |
| Tổng thống Biden thăm châu Âu, dự Thượng đỉnh NATO: Thông điệp có trong mỗi điểm dừng chân, đặt lên 'bàn cân' những bài toán khó giải Trong chuyến công du châu Âu và dự Thượng đỉnh NATO lần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden sốt sắng sớm đưa Thụy Điển vào ... |
| Ngoại trưởng Nhật Bản sắp thăm các quốc đảo Thái Bình Dương Nhật Bản mong muốn nhận được sự ủng hộ của ba quốc đảo về thúc đẩy một ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và ... |
| Xung đột Israel-Palestine: Châu Âu bày tỏ quan ngại, Mỹ nêu ưu tiên hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích chiến dịch tấn công Jenin của Israel, đồng thời kêu gọi nước này và Palestine tiếp tục phối ... |