Ba Lan vừa tiếp nhận thêm hai hệ thống HIMARS từ Mỹ. (Nguồn: Wall Street Journal) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga xác định Ukraine đứng sau vụ tấn công Điện Kremlin: Ngày 25/5, người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov cho biết Nga đã xác định ngay từ đầu rằng Ukraine đứng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào Điện Kremlin hồi đầu tháng Năm. Theo ông, vào thời diểm đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phủ nhận trách nhiệm của Kiev, song “chúng tôi lập tức cho rằng Kiev đứng sau vụ này”.
Trước đó, tờ New York Times (Mỹ) dẫn các nguồn tin từ cơ quan tình báo Mỹ không biết chính xác thủ phạm thực hiện vụ tấn công, song cho rằng một trong các đơn vị tình báo hay quân sự của Ukraine có thể dàn dựng vụ này. (Reuters)
* Phòng không Crimea bắn hạ 6 UAV: Ngày 25/5, viết trên Telegram, người đứng đầu chính quyền Crimea Sergei Aksyonov nêu rõ: “Trong đêm qua, 6 máy bay không người lái đã bị bắn hạ hoặc bị chặn... ở các khu vực khác nhau của Crimea”. Quan chức này cũng cho biết hiện “không có thiệt hại về người”.
Vụ việc xảy ra sau khi Moscow triển khai máy bay phản lực và pháo binh chống lại một nhóm vũ trang vượt biên từ Ukraine, trong vụ tấn công nghiêm trọng nhất vào lãnh thổ nước này kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát tháng 2/2022. Trước đó, hôm 24/5, Tỉnh trưởng tỉnh Belgorod của Nga, Vyacheslav Gladkov, cho biết khu vực này đã trở thành mục tiêu tấn công của UAV trong đêm. (AFP)
* Ukraine bắn hạ toàn bộ UAV Nga tấn công Kiev: Ngày 25/5, giới chức Ukraine thông báo đêm qua, các lực lượng Nga triển khai đợt tấn công thứ 12 mới bằng UAV, kéo dài 3 giờ nhằm vào Kiev. Ông Serhiy Popko, người đứng đầu các lực lượng quân sự tại Kiev, nói: “Đó là cuộc tấn công quy mô lớn. Đối thủ tiếp tục sử dụng chiến thuật tấn công thành nhiều đợt, có khoảng cách giữa các nhóm UAV tấn công”. Tuy nhiên, các hệ thống phòng không Ukraine “đã tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không bị phát hiện di chuyển về hướng Kiev”. (AFP)
* Ukraine: Quân Nga thay thế lực lượng Wagner ở ngoại ô Bakhmut: Ngày 25/5, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết Nga đã thay thế các đơn vị quân sự tư nhân Wagner bằng lực lượng quân sự chính quy ở ngoại ô Bakhmut. Tuy nhiên, các thành viên của Wagner vẫn ở trong thành phố này.
Phát biểu trên của quan chức Ukraine đã phần nào xác nhận thông báo của ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn Wagner rằng các binh sĩ dưới quyền ông đã bắt đầu rút khỏi Bakhmut và bàn giao các cứ điểm cho lực lượng chính quy. (Reuters)
* Mỹ bán hệ thống NASAMS cho Ukraine: Ngày 24/5, Mỹ thông báo đã phê duyệt thương vụ trị giá 285 triệu USD bán hệ thống phòng không NASAMS và thiết bị liên quan cho Ukraine. Trong một tuyên bố, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) cho hay: “Ukraine có nhu cầu cấp thiết tăng cường khả năng phòng thủ trước các đợt tấn công tên lửa và máy bay của Nga… Việc có được và triển khai hiệu quả hệ thống này sẽ giúp Ukraine nâng cao khả năng bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia”. Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ trên, còn DSCA đã gửi thông báo theo yêu cầu tới Quốc hội. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine: Nga bắn hạ 22 UAV ở Biển Đen, Kiev sắp phải đối mặt vấn đề gì? |
Mỹ-Trung
* Mỹ: Trung Quốc cấm Micron “không ảnh hưởng quan hệ song phương”: Ngày 25/5, Điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng, ông John Kirby nhận định lệnh cấm gần đây của chính phủ Trung Quốc đối với nhà sản xuất chip Micron (Mỹ) vì những lo ngại về an ninh rõ ràng là một nỗ lực nhằm làm suy yếu lập trường mạnh mẽ của các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) chống lại sự ép buộc kinh tế, diễn ra chỉ một ngày sau khi G7 ra tuyên bố đầu tiên về vấn đề này.
Khẳng định Nhà Trắng đang liên lạc trực tiếp với chính phủ Trung Quốc, song quan chức này mong rằng vụ việc này sẽ làm chệch hướng các nỗ lực của Nhà Trắng nhằm đạt được mối quan hệ hiệu quả hơn với Bắc Kinh. Ông Kirby khẳng định điều quan trọng hơn bao giờ hết là đảm bảo các đường dây liên lạc “cởi mở hơn” và các nỗ lực đang được tiếp tục nhằm mở đường cho các chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Lầu Năm Góc cũng đang thu xếp cho cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc bên lề Đối thoại Shangri-la tại Singapore vào tháng 6 tới.
Ngoài ra, hai bên cũng đang thảo luận về khả năng gặp gỡ giữa Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bên lề Hội nghị cấp bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Detroit, thành phố bang Michigan, trong tuần này. (TTXVN)
* Trung Quốc bác cáo buộc do thám cơ sở hạ tầng Mỹ: Ngày 25/5, phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nêu rõ: “Thông tin liên quan từ các cơ quan phương Tây là vô căn cứ”. Trước đó, tình báo phương Tây và Microsoft cho biết nhóm tin tặc, được cho là do nhà nước Trung Quốc bảo trợ, đang do thám các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Vượt qua 'bài kiểm tra' phi USD hóa, vị thế thống trị của đồng USD vẫn khó bị lật đổ |
Đông Nam Á
* Mỹ từ chối bán F-35 cho Thái Lan: Ngày 25/5, người phát ngôn của Không quân Hoàng gia Thái Lan Marshall Prapas Sornchaidee cho biết việc bán lô máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm phải tuân thủ điều kiện bao gồm thời gian, yêu cầu kỹ thuật và khả năng tương thích trong công tác bảo trì, do đó Mỹ không thể chuyển giao máy bay này cho Thái Lan. Ông cũng lưu ý thêm rằng không quân Thái Lan vẫn sẽ thay thế các máy bay F-16 và Mỹ đã sẵn sàng cung cấp các mẫu F-15 và F-16 phiên bản nâng cấp để việc chuyển giao có thể diễn ra nhanh hơn.
Năm ngoái, Thái Lan đã dành ngân sách 13,8 tỷ Baht (407,68 triệu USD) để mua các máy bay chiến đấu thế hệ mới nhằm thay thế lô máy bay F-5 và F-16 cũ kỹ cũng do Mỹ sản xuất. Thái Lan đã hướng tới việc mua 8 máy bay F-35A của Mỹ. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Thái Lan: Lãnh đạo đảng giành chiến thắng bị kiện, EC nói gì? |
Đông Bắc Á
* Hàn-Nhật nối lại đàm phán về hợp tác năng lượng: Ngày 25/5, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) thông báo nước này và Nhật Bản đã tiến hành đối thoại đầu tiên về năng lượng sau 6 năm tại cảng Busan, Hàn Quốc. Hai bên đã chia sẻ tầm quan trọng của việc hợp tác nhằm tăng cường an ninh năng lượng và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đồng thời thảo luận về sử dụng các nguồn năng lượng không carbon như năng lượng hạt nhân và hydro.
Một quan chức MOTIE cho hay: “Cả hai nước đều phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng và có cơ cấu tiêu thụ năng lượng tương tự nhau. Vì vậy, hai bên thấy cần phải tăng cường điều phối chính sách và hợp tác trong lĩnh vực này”. Dự kiến, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán ở cấp chuyên viên trong lĩnh vực này. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Thấy gì từ Tuyên bố chung Thượng đỉnh G7? |
Châu Âu
* Nga đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vì phương Tây: Ngày 25/5, TASS (Nga) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Sergei Shoigu nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tình hình leo thang cực kỳ nghiêm trọng mối đe dọa ở biên giới phía Tây của Nga và Belarus, một quyết định đã được đưa ra để thực hiện các biện pháp đối phó trong lĩnh vực quân sự-hạt nhân”. Trước đó cùng ngày, ông cùng người đồng cấp Belarus đã ký một văn kiện về vấn đề này. (Reuters/TASS)
* Nga triệu đại sứ Đức, Đan Mạch, Thụy Điển vì Nord Stream: Ngày 25/5, Bộ Ngoại giao xứ bạch dương thông báo đã triệu Đại sứ Đức, Thụy Điển và Đan Mạch để phản đối cuộc điều tra “hoàn toàn không có kết quả” về các vụ nổ tại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) tháng 9/2022.
Trước đó, hôm 23/5, TASS dẫn lời Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) Bruno Kahl cho biết hiện không có cơ quan tình báo nào có thể nêu rõ tên thủ phạm tiến hành vụ phá hoại các đường ống Dòng chảy phương Bắc. (Reuters)
* EU đình chỉ áp thuế đối với hàng hóa Ukraine thêm 1 năm: Ngày 25/5, viết trên Twitter ngày 25/5, Hội đồng châu Âu, nhóm các chính phủ Liên minh châu Âu (EU) cho biết trong cuộc họp cùng ngày, các bộ trưởng EU về thương mại đã nhất trí đình chỉ hạn chế với hàng nhập khẩu từ Ukraine thêm một năm.
Trước đó, tháng 6/2022, EU đã dỡ bỏ thuế quan và hạn chế khác trong 12 tháng với hàng hóa từ Ukraine. Việc đình chỉ tất cả các loại thuế với hàng nhập khẩu từ Ukraine đã dẫn đến khiếu nại từ các tổ chức nông nghiệp, đỉnh điểm là khi Ba Lan và Hungary cấm nhập khẩu một số ngũ cốc Ukraine hồi tháng Tư. (Reuters)
* Ba Lan nhận thêm HIMARS từ Mỹ: Ngày 24/5, viết trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Mariusz Blaszczak xác nhận: “Thêm hai bệ phóng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 và các thành phần của hệ thống Patriot/IBCS đã tới Ba Lan. Việc chuyển giao, bắt đầu từ tuần trước, nhằm tăng cường đáng kể lực lượng phòng không và pháo binh tên lửa của Ba Lan".
Trước đó, năm 2019, Ba Lan từng mua 20 hệ thống HIMARS đầu tiên trị giá 414 triệu USD từ Mỹ. Vào giữa tháng 3/2023, Bộ trưởng Mariusz Blaszczak cũng cho hay Quốc hội Mỹ đã chấp thuận đơn đặt hàng của Ba Lan cho 500 bộ module cơ cấu phóng nạp (LLM) cho HIMARS khác, với trị giá lên tới 10 tỷ USD. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Sự cố Dòng chảy phương Bắc: Tình báo Đức nói về thủ phạm, châu Âu thấy có sự hiện diện của 'dấu vết Ukraine' |
Châu Mỹ
* Mỹ có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân mới: Ngày 24/5 (theo giờ địa phương), một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ Tổng thống Joe Biden đã chọn Tham mưu trưởng Không quân, Tướng Charles Q. Brown làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Nếu được Thượng viện phê chuẩn, ông sẽ là sĩ quan gốc Phi thứ hai trở thành Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, sau ông Colin Powell cách đây 2 thập kỷ. Theo nguồn tin trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chính thức công bố quyết định của mình trong ngày 25/5.
Quan chức nêu trên cho biết động thái trên đã được đồn đoán từ lâu. Ông Brown từng là phi công máy bay chiến đấu với nhiều kinh nghiệm tại Thái Bình Dương, khu vực chứng kiến căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. (Reuters)
* Mỹ: Quan chức chính sách hàng đầu về Trung Quốc sắp từ chức: Ngày 24/5, bốn nguồn thạo tin cho biết ông Rick Waters, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan, lãnh đạo bộ phận Chính sách Nội vụ Trung Quốc, đã công bố ý định từ chức trong cuộc họp cùng ngày với nhân viên. Tuy nhiên, ông Waters dự định vẫn ở lại Bộ Ngoại giao Mỹ. Hiện Bộ này và ông Waters đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về động thái trên. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Fed nói Mỹ sẽ suy thoái nhẹ, Fitch gửi tín hiệu tiêu cực đến Washington |
Trung Đông-Châu Phi
* Iran “trình làng” tên lửa đạn đạo có tầm bắn 2.000 km: Ngày 25/5, IRNA đưa tin nước này đã ra mắt thế hệ thứ 4 của tên lửa đạn đạo Khorramshahr, có tên Khaibar, với tầm bắn 2.000 km và có thể mang đầu đạn 1,5 tấn. Hãng thông tấn Iran nêu rõ: “Trong buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng hôm nay, Iran đã ra mắt tên lửa đạn đạo mới nhất và cũng là sản phẩm mới nhất của Tổ chức Công nghiệp Hàng không Vũ trụ (AIO) thuộc Bộ Quốc phòng”. (Reuters)
* Ukraine tuyên bố thúc đẩy chính sách ngoại giao về châu Phi: Ngày 25/5, phát biểu tại Addis Ababa (Ethiopia) nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tổ chức tiền thân của Liên minh châu Phi (AU), Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói: “Gần đây, chúng tôi đã thông qua chiến lược châu Phi đầu tiên của mình và tăng cường đối thoại chính trị với nhiều quốc gia trên lục địa. Năm nay, chúng tôi sẽ thành lập các đại sứ quán mới ở các khu vực khác nhau và dự định tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Ukraine-châu Phi đầu tiên. Tôi mời các nhà lãnh đạo của các nước bạn tham gia vào sự kiện quan trọng này”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi muốn phát triển một quan hệ đối tác chất lượng mới dựa trên ba nguyên tắc chung: tôn trọng lẫn nhau, cùng quan tâm và cùng có lợi”. Trong khuôn khổ chuyến công du châu Phi, nhà ngoại giao này đã kêu gọi “những người bạn châu Phi” chấm dứt quan điểm trung lập về xung đột tại Ukraine. (AFP)
* Sudan: Các bên cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn: Tối ngày 24/5, nhóm bán quân sự Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) cho biết Quân đội Sudan “đã phát động các đợt tấn công không thể chấp nhận được trong ngày hôm nay”. Lực lượng này cũng khẳng định đã “kiên quyết đẩy lùi các cuộc tấn công này”.
Trong khi đó, sáng ngày 25/5, Quân đội Sudan khẳng định đã “đáp trả cuộc tấn công vào xe bọc thép của RSF, hành động vi phạm rõ ràng thỏa thuận ngừng bắn”. Trước đó, thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần kể từ ngày 22/5, được cho là đã bị vi phạm chỉ vài phút sau khi có hiệu lực.
Người dân thủ đô Khartoum đã báo cáo các cuộc không kích và pháo kích làm rung chuyển thành phố. Kể từ đó, các vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vẫn tiếp diễn. Đây là thỏa thuận mới nhất trong một loạt các lệnh ngừng bắn đã bị vi phạm một cách có hệ thống. (AFP)
| Ukraine tha thiết khuyên Iran nghĩ lại, nói 'rất buồn' với động thái của châu Phi Ukraine đang tiến hành các nỗ lực ngoại giao nhằm kêu gọi nhiều hơn nữa các quốc gia thay đổi lập trường trong xung đột ... |
| Brazil đánh giá G7 đang dần bị G20 và BRICS thế chỗ, cảnh báo các nỗ lực loại Nga là 'nguy hiểm' Ngày 24/5, phát biểu trong phiên điều trần tại quốc hội, Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira cảnh báo, Nhóm các nước công nghiệp phát triển ... |
| Tình hình Sudan: Lệnh ngừng bắn bị vi phạm, Mỹ cảnh báo hậu quả Ngày 24/5, Saudi Arabia và Mỹ đã chỉ trích các bên tham chiến tại Sudan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết ... |
| Thương mại Nga-Trung trên đà đạt mục tiêu 'khủng' và giảm giao dịch bằng đồng USD Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Bắc Kinh hôm 24/5, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, gần 3/4 ... |
| Nga đi bước tiếp trong việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, tại sao lại là Minsk? Ngày 25/5, các bộ trưởng quốc phòng Nga và Belarus đã ký một văn kiện về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ... |