Tân Chủ tịch LDP Nhật Bản Kishida Fumio mừng chiến thắng cùng người tiền nhiệm Suga Yoshihide trong ngày 29/9. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga muốn nhận thông tin trực tiếp từ các bên liên quan AUKUS
Ngày 29/9, hãng Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moscow đã gửi cho Washington các câu hỏi về thỏa thuận an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời có kế hoạch hành động tương tự với Canberra và London.
Liên quan thỏa thuận này, cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim khẳng định, AUKUS không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào và không đặt các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "vào tình thế khó xử".
Nhà ngoại giao Mỹ cho biết, các nước không nên lo ngại AUKUS đặt ra vấn đề về phổ biến vũ khí, nhấn mạnh ba bên tham gia thỏa thuận đều tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thoả thuận AUKUS làm thay đổi cuộc chơi trong bàn cờ chính trị quốc tế, Nga sẽ đối phó như thế nào? |
Ukraine ra chỉ thị đặc biệt ở Donbass
Ngày 29/9, TASS đưa tin, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny đã ban hành chỉ thị đặc biệt cho phép các quân nhân Ukraine bắn trả tại khu vực xung đột Donbass mà không cần sự chấp thuận trước của các chỉ huy tối cao.
Theo chỉ thị, các chỉ huy được phép sử dụng tất cả các loại vũ khí hiện có, tự mình đưa ra quyết định ngay tại chỗ tùy thuộc vào tình hình. (TASS)
Thỏa thuận khí đốt Nga-Hungary: Ủy ban châu Âu lên tiếng, chuyên gia nói Ukraine có lỗi
Ngày 28/9, Cao ủy châu Âu về năng lượng Kadri Simson đã tiếp Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko tại Ủy ban châu Âu (EC) sau khi Nga và Hungary tuyên bố thỏa thuận cung cấp khí đốt dài hạn mới kéo theo căng thẳng gia tăng giữa Kiev-Budapest.
Bộ trưởng Ukraine Galushchenko đã nêu vấn đề về thỏa thuận trên và trình bày quan điểm của Ukraine, còn bà Simson giải thích vai trò của EC trong việc đánh giá các hợp đồng tương tự như thỏa thuận trên theo Luật An ninh nguồn cung của EU.
Cao ủy Simson cũng nhắc lại quan điểm rõ ràng của Ủy ban châu Âu rằng, EC coi Ukraine là một quốc gia trung chuyển đáng tin cậy.
Trong diễn biến khác liên quan, Giám đốc Viện Phân tích và Quản lý Chính sách Ukraine Ruslan Bortnik nhận định, chính Kiev có lỗi trong việc đánh mất quyền trung chuyển khí đốt của Nga thông qua lãnh thổ nước mình sang Hungary.
Theo quan điểm của chuyên gia này, chính sách đối ngoại của Ukraine đã dẫn đến việc "mất hết bạn bè dọc biên giới".
Ông Bortnik cho rằng, Ukraine sẽ phải trả giá không chỉ cho thỏa thuận hiện tại giữa Nga-Hungary mà còn cả cho tình hình trong tương lai. (Sputnik, TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Hungary chơi lớn, ký hợp đồng để Nga cung cấp khí đốt 15 năm, Ukraine đòi kiện |
Pháp tố Anh chơi trò chính trị
Trước đó, ngày 28/9, phía Anh cho biết nước này đã phê duyệt 12 trong tổng số 47 tàu đánh cá cỡ nhỏ của Pháp được quyền đánh bắt cá ở khu vực 6-12 hải lý trong vùng biển nước Anh.
Giới chức Anh cho biết, sẵn sàng đối thoại với những chủ tàu bị từ chối, đồng thời nêu rõ những tàu đã không cung cấp đầy đủ bằng chứng về lịch sử hoạt động đánh bắt cá trong khu vực trên như quy định trong Thỏa thuận hợp tác và thương mại (TCA), ký giữa Anh và EU hồi năm ngoái.
Một người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết, cách thức London giải quyết sự việc này là hợp lý và phù hợp với cam kết trong TCA. Quan chức này khẳng định, liên quan đến khu vực 6-12 hải lý, các tàu của EU phải cung cấp bằng chứng về hồ sơ theo dõi hoạt động đánh bắt trong các vùng biển đó.
Ngày 29/9, Pháp cáo buộc Anh chơi "trò chính trị" với quyền đánh bắt cá trong thỏa thuận thương mại hậu Brexit sau vụ việc trên.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin nhấn mạnh, việc Anh không phê duyệt giấy phép đánh cá cho phần lớn tàu cá của Pháp là động thái từ chối triển khai thỏa thuận Brexit và London không nên tận dụng sự việc này vì mục đích chính trị. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Xích mích khó gỡ hậu Brexit, Pháp tuyên bố cứng, cảnh báo trả đũa Anh |
Nga-YouTube vướng xích mích, Đức vội vạch ranh giới
Ngày 28/9, YouTube đã xóa các kênh tiếng Đức của RT khi cho rằng, đài truyền hình được nhà nước Nga hậu thuẫn này đã vi phạm chính sách thông tin Covid-19 của họ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Có những dấu hiệu cho thấy các luật pháp của Nga bị vi phạm, vi phạm một cách vô cùng thô bạo và dĩ nhiên, điều này liên quan tới sự kiểm duyệt, cũng như cản trở việc phổ biến thông tin trên các phương tiện truyền thông".
Ông Peskov cảnh báo: "Nếu các cơ quan giám sát của chúng tôi đi đến kết luận, đây thực sự là vi phạm pháp luật của chúng tôi, thì tất nhiên, chúng tôi không thể, chúng tôi không nên loại trừ khả năng thực hiện các biện pháp để buộc nền tảng này tuân thủ luật pháp của chúng tôi".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, đây là hành động "tấn công thông tin chưa từng có từ phía Youtube, thực hiện với sự dung túng rõ ràng nếu như không phải do yêu cầu của phía Đức".
Ngay lập tức, chính phủ Đức tuyên bố không liên quan đến quyết định của YouTube.
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert nêu rõ: "Đây là quyết định của YouTube, dựa trên các quy định do nền tảng này đề ra, không phải là biện pháp do chính phủ Đức hoặc các tổ chức chính thức khác đưa ra". (Reuters, AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
YouTube chặn loạt kênh tiếng Đức của đài Nga, Moscow gửi cảnh báo |
Lãnh đạo Nga-Thổ Nhĩ Kỳ hội đàm trực tiếp tại Sochi
Điện Kremlin thông báo, ngày 29/9 (giờ Nga) Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc hội đàm trực tiếp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại khu nghỉ dưỡng Sochi của Nga ở Biển Đen.
Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về thương mại, hợp tác kinh tế và cũng như tình hình ở Syria, Libya, Afghanistan và Kavkaz.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, không có kế hoạch ký bất kỳ văn bản nào sau cuộc gặp giữa hai tổng thống.
Bên cạnh đó, bán đảo Crimea cũng sẽ không nằm trong chương trình hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, trong bối cảnh tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần trước, ông Erdogan khẳng định quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về nguyên tắc "không công nhận việc sáp nhập Crimea", qua đó ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Trước thềm Thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: Ankara điều thêm quân tới Syria, lộ toan tính với Moscow dễ khiến Mỹ 'nóng mặt' |
Bầu Chủ tịch đảng LDP Nhật Bản: Tìm ra người thắng cuộc
Chiều 29/9, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Kishida Fumio đã xuất sắc vượt qua 3 ứng cử viên khác trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) để trở thành lãnh đạo mới của đảng cầm quyền với 256 trong vòng 1 và 257/427 phiếu hợp lệ trong vòng 2.
Theo dự kiến, Quốc hội Nhật Bản sẽ tổ chức phiên họp bất thường vào ngày 4/10 để bỏ phiếu bầu tân Chủ tịch LDP làm thủ tướng thay thế cho ông Suga Yoshihide.
Ông Kishida, người sẽ giữ chức Chủ tịch LDP cho đến cuối tháng 9/2024, gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản bởi liên minh cầm quyền đang chiếm đa số ghế tại Hạ viện.
Trong phản ứng về kết quả trên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ mới của Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của ông Fumio Kishida.
Bộ trên nêu rõ: "Chính phủ Hàn Quốc mong muốn tiếp tục hợp tác với nội các mới thành lập của Nhật Bản để phát triển quan hệ song phương Hàn-Nhật hướng tới tương lai". (Yonhap, Japan Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Chủ tịch LDP Nhật Bản: Giải mã chiến thắng của ông Kishida Fumio |
Bán đảo Triều Tiên: Bình Nhưỡng thử tên lửa siêu thanh, Mỹ-Hàn kiên định một cuộc đàm phán
Ngày 29/9, Triều Tiên tuyên bố, vụ phóng vật thể ra biển Nhật Bản sáng ngày 28/9 là để thử nghiệm tên lửa siêu thanh mới Hwasong-8, một trong 5 nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của kế hoạch 5 năm đối với lĩnh vực vũ khí chiến lược được đề ra tại Đại hội lần thứ VIII của Đảng Lao động nước này.
Bất chấp các vụ phóng thử gần đây, Phái viên hạt nhân Mỹ về Triều Tiên kiêm Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim khẳng định, nước này kiên định quyết tâm tìm kiếm con đường ngoại giao với Bình Nhưỡng để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Ông Sung Kim nêu rõ: "Chúng tôi đang chờ và hy vọng sẽ sớm nhận được phản hồi từ Bình Nhưỡng. Chúng tôi đã đề xuất các cuộc đối thoại về nhiều chủ đề".
Trước đó, Phó Trợ lý của Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Kin Moy cũng khẳng định, Mỹ muốn tổ chức một cuộc họp với Triều Tiên để thảo luận về bất cứ mối quan ngại nào của hai bên.
Trong khi đó,Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young cho rằng, việc tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên có thể là một bước đi “rất hữu ích” và “ý nghĩa” để xây dựng lòng tin giữa hai miền và mở đường cho hòa bình và hợp tác trên Bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu họp báo trước khi lên đường công du Đức, Bỉ và Thụy Điển, Bộ trưởng Lee In-young hối thúc Triều Tiên tiến tới đối thoại sớm nhất có thể để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa, quan hệ liên Triều và các vấn đề xuyên biên giới khác.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên của Hàn Quốc Noh Kyu-duk đã có cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc Lưu Hiểu Minh và thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất cũng như những tuyên bố gần đây của Bình Nhưỡng.
Tại cuộc họp trực tuyến, ông Noh "đề nghị Trung Quốc đóng vai trò xây dựng trong các nỗ lực nhằm đưa Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại".
Về phần mình, ông Lưu tái khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)
| Triều Tiên phóng tên lửa: Chút mới trong mô thức cũ Triều Tiên lại vừa phóng thử nghiệm một loại tên lửa mới, sau một loạt các diễn biến gần đây liên quan đến Bán đảo ... |
| Tin thế giới 28/9: Ukraine nóng lòng kéo cả châu Âu về vụ thỏa thuận Nga-Hungary; Moscow 'nhắc nhẹ' Kiev; Trung Quốc bóng gió với NATO Căng thẳng Hungary-Ukraine liên quan thỏa thuận cung cấp khí đốt giữa Budapest và Moscow, quan hệ Nga-Mỹ, Triều Tiên thử tên lửa, quan hệ ... |