Theo cựu Thủ tướng Bỉ, những nỗ lực trừng phạt Nga của EU đang phản tác dụng.(Nguồn: Export.org.uk) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Nga nêu điều kiện đối thoại về Ukraine: Điện Kremlin ngày 5/1 thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về tình hình ở Ukraine, Syria và các vấn đề năng lượng.
Theo Điện Kremlin, ông Putin tuyên bố Nga sẵn sàng tiến hành đối thoại về Ukraine, nhưng Kiev phải đáp ứng các yêu cầu đã công bố trước đó và chấp thuận "thực tế lãnh thổ mới".
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi Nga ngừng bắn, nhấn mạnh rằng, lệnh ngừng bắn đơn phương và "tầm nhìn về một giải pháp công bằng" sẽ hỗ trợ nỗ lực đạt được hòa bình trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. (Reuters, AFP)
* NATO cảnh báo hậu quả nếu đánh giá thấp Nga: Ngày 5/1, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói: "Nga đã thể hiện sự sẵn sàng chịu đựng những mất mát và đau khổ. Không tìm thấy dấu hiệu nào về việc Tổng thống Vladimir Putin thay đổi kế hoạch tổng thể cũng như mục tiêu ở Ukraine. Vì vậy, thật nguy hiểm nếu đánh giá thấp Nga". (Reuters)
* Mỹ không dính dáng vụ Ukraine dùng HIMARS tấn công thị trấn Makiivka, miền Đông Ukraine, khiến 89 quân nhân Nga thiệt mạng, theo lời Điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng John Kirby.
Ông Kirby nói rằng, chính Nga mới là bên phải chịu trách nhiệm bởi "Người Ukraine đang đánh trả và tự vệ. Binh lính Nga trên lãnh thổ của họ là mục tiêu hợp pháp đối với hoạt động quân sự của Ukraine”.
Quan chức an ninh quốc gia Mỹ cũng nhấn mạnh, phía Washington sẽ từ chối bình luận về vai trò của HIMARS trong cuộc tấn công song nước này "đang và sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các hệ thống khác nhau và sự hỗ trợ mà họ cần để phòng thủ". (AFP)
* Nga bác đề xuất trung gian hòa giải của Italy trong cuộc xung đột với Ukraine, bởi nước này cho rằng, Rome có "lập trường chống Nga rõ ràng và rất tích cực", trong khi ủng hộ và cung cấp "sự hỗ trợ đáng kể về quân sự và kỹ thuật" cho Kiev.
Nga cảnh báo, những hành động này sẽ "kéo các nước NATO vào cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga". (TASS)
* Gói trừng phạt Nga của EU thất bại: Mới đây, cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt - hiện là thành viên của Nghị viện châu Âu (MEP) - nhận định, 9 gói trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) có tác động rất nhỏ bé và vô nghĩa đối với Nga.
Theo ông, những nỗ lực trừng phạt Nga đã đưa đến kết quả trái ngược và "chúng ta đang thưởng cho Nga vì cuộc chiến chống lại chúng ta", dẫn chứng một biểu đồ cho thấy, hầu hết các nước EU, trong đó có Đức, Pháp, Italy và Ba Lan đã tăng đáng kể nhập khẩu từ Nga. (Twitter)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine: Moscow thấy kỳ lạ khi Italy đề xuất hòa giải, Kiev dọa Đức nếu bị từ chối một điều |
Châu Âu
* Truyền thông Anh cảnh báo NATO về nguy cơ Nga triển khai lên lửa Zircon: Ngày 4/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điều Đô đốc Gorshkov được trang bị tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon đến Đại Tây Dương.
Ngay lập tức, Nhật báo The Express của Anh cảnh báo, nguy cơ hệ thống phòng thủ của NATO sẽ bị phá vỡ bởi Zircon có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa hàng nghìn km, từ đó chọc thủng phòng tuyến trên biển của NATO.
Trong khi đó, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khủng hoảng ở Oxford (Anh) Mark Almond nhận định, Tổng thống Putin có thể sử dụng vũ khí tối tân tương tự để ngăn phương Tây “đi quá xa” ở Ukraine và gây leo thang xung đột.
* Ba Lan phản đối việc Đức từ chối bồi thường tổn thất trong Thế chiến II mà Warsaw phải gánh chịu. Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Arkadiusz Mularczyk tuyên bố: "Chúng tôi không chấp nhận quan điểm của Đức, chúng tôi bác bỏ hoàn toàn và coi đó là điều vô căn cứ và sai trái".
Ông Mularczyk gọi phản ứng của Berlin là "đáng ngạc nhiên", nói rằng "Đức không thể khép lại chủ đề chưa từng được mở ra trước đây" và Ba Lan sẽ có văn bản trả lời.
Trước đó ngày 3/1, Đức đã chính thức bác bỏ yêu cầu của Ba Lan về việc bồi thường thiệt hại chiến tranh mà Chính phủ Ba Lan ước tính là 1.300 tỷ Euro (1.400 tỷ USD).
Bộ Ngoại giao Ba Lan kêu gọi Liên hợp quốc "hợp tác và hỗ trợ những nỗ lực của Ba Lan để nhận được bồi thường cho những tổn thất phải gánh chịu trong thời kỳ chiếm đóng của Đức năm 1939-1945". (Polskie Radio)
* Moldova tự tin sẽ được gia nhập EU trong thập kỷ này, theo lời Tổng thống nước này Maia Sandu hôm 4/1.
Nhà lãnh đạo quốc gia Đông Âu nói rõ: "Tôi nghĩ Moldova phải là một phần của EU trong những năm tới - vào cuối thập kỷ này. Điều đó có thể xảy ra nếu chúng ta nỗ lực, nếu tất cả chúng ta cùng làm việc, để sự cố gắng của chúng ta trở thành sự thật".
Theo bà Sandu, việc gia nhập EU sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế và sẽ tăng cường an ninh quốc gia. (TASS)
* Tổng thống Serbia trông chờ nhiều nước rút lại việc công nhận Kosovo: Ngày 4/1, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić đã nêu tên 9 nước gần đây đã rút lại việc công nhận cộng hòa tự xưng Kosovo là Somalia, Burkina Faso, Gabon, Eswatini, Libya, Guinea, Antigua và Barbuda, Saint Lucia và Maldives.
Theo ông Vucic, hiện có 106 nước không công nhận nền độc lập của Kosovo, “84 nước công nhận rõ ràng”, và 3 nước chưa có quan điểm dứt khoát. Ông cho biết, đang trông đợi nước thứ 10 rút việc công nhận trên. (Anadolu)
* Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết giải quyết 5 vấn đề đối nội cấp bách mà ông muốn công chúng sẽ nhìn nhận để đánh giá mình trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, gồm: giảm một nửa lạm phát, tăng trưởng kinh tế, giảm gánh nặng nợ công, cắt giảm danh sách chờ đợi khám chữa bệnh của Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép bằng thuyền qua eo biển Manche.
Ngoài ra, ông Sunak cũng xác nhận kế hoạch yêu cầu tất cả thanh niên ở Anh học một số dạng toán học cho đến năm 18 tuổi.
Ông Sunak cho biết ông muốn mang lại “sự yên tâm” cho một quốc gia đang phải đối mặt với suy thoái, đình công và khủng hoảng trong các dịch vụ công quan trọng, đặc biệt là NHS. (Evening Standard)
* Ba Lan ký hợp đồng mua 116 xe tăng của Mỹ vào ngày 4/1, là loại xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, để bổ sung cho quân đội nước này trong bối cảnh tình hình chiến sự đang tiếp tục diễn ra ở nước láng giềng Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết, nước này đang tăng cường "nắm đấm sắt" của Quân đội Ba Lan... để ngăn chặn kẻ xâm lược một cách hiệu quả. Những chiếc xe tăng đầu tiên theo thỏa thuận sẽ được bàn giao vào cuối năm nay, bổ sung cho lực lượng quan sự khu vực miền Đông Ba Lan.
Bộ quốc phòng nước này cho biết, giá trị của hợp đồng là 1,4 tỷ USD, trong đó Ba Lan được phía Mỹ tài trợ 200 triệu USD. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Đức dứt khoát cự tuyệt yêu cầu bồi thường cả nghìn tỷ USD của Ba Lan |
Châu Á
* Philippines muốn đuổi chính sách đối ngoại độc lập: Ngày 5/1, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết, ông đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng chính quyền của ông dự định theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập.
Ông bày tỏ Philippines "rất sẵn lòng hợp tác bất cứ khi nào có thể để theo đuổi hòa bình khu vực và lợi ích quốc gia của hai nước".
Ông Marcos đã kết thúc chuyến thăm 3 ngày đến Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Philippines đã hội đàm cùng Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình và thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có việc nhất trí thiết lập các kênh liên lạc trực tiếp về vấn đề Biển Đông, cũng như xử lý mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Ông Tập Cận Bình đã nói với ông Marcos rằng, Trung Quốc mong muốn thúc đẩy năng lượng tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực cũng như "thúc đẩy hợp tác khai thác dầu khí ở các khu vực không tranh chấp".
* Trung Quốc “kịch liệt phản đối” chuyến thăm của nghị sĩ Hàn Quốc tới Đài Loan, xem đây là động thái “vi phạm nghiêm trọng” thỏa thuận chung giữa Seoul và Bắc Kinh.
Ngày 5/1, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hàn Quốc ra tuyên bố nhấn mạnh: “Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chính sách ‘một Trung Quốc’, cũng như tinh thần của tuyên bố chung về quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời đi ngược lại chủ trương phát triển của quan hệ hữu nghị”.
Tuyên bố cho hay, Bắc Kinh hối thúc phía Seoul thực hiện “các biện pháp kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực” của chuyến thăm và ngừng tham gia “bất kỳ hoạt động trao đổi chính thức nào với Đài Loan”. Đại sứ quán Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối tới Chính phủ Hàn Quốc. (Yonhap)
* Trung Quốc kêu gọi WHO có "lập trường đúng đắn" đối với vấn đề Covid-19: Ngày 4/1, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cơ quan này “lo ngại” về sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc.
Ông đồng thời "yêu cầu Trung Quốc cung cấp dữ liệu một cách nhanh chóng, thường xuyên, đáng tin cậy hơn về số ca nhập viện và tử vong toàn diện hơn, cũng như giải trình tự gen virus”.
Ngày 5/1, phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại Trung Quốc Mao Ninh nói: "Chúng tôi... hy vọng ban thư ký của WHO sẽ duy trì lập trường khoa học, khách quan và công bằng, đồng thời nỗ lực đóng vai trò tích cực đối với phản ứng của thế giới trước thách thức từ đại dịch".
Quan chức Trung Quốc này cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ "duy trì hợp tác chặt chẽ với WHO". (Reuters, AFP)
* Pakistan muốn Trung Quốc giúp theo dõi thông tin về 22 "mục tiêu" ở Ấn Độ: Ủy ban nghiên cứu không gian và thượng tầng khí quyển (SUPARCO) của Pakistan đã đề nghị Cục quản lý vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) hỗ trợ việc này. SUPARCO và CNSA có thỏa thuận hợp tác trong 10 năm.
Trong số 22 mục tiêu có các căn cứ Không quân Ấn Độ (IAF) đang hoạt động ở khu vực phía Bắc và phía Tây như Srinagar, Adampur, Ambala, Bathinda, Sirsa và Bhuj. Những căn cứ này thuộc Bộ Tư lệnh miền Tây và Tây Nam của IAF. (Times Now News)
* Hải quân Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật lần đầu tiên trong Năm mới 2023 vào ngày 4/1, nhằm phô trương sức mạnh hải quân trước mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ phía Triều Tiên.
Cuộc tập trận hải quân thường niên diễn ra tại vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông, phía Tây và phía Nam Hàn Quốc, có sự tham gia của các tàu chiến chỉ huy và quân nhân từ Hạm đội 1, 2 và 3 của Hải quân Hàn Quốc.
Hải quân Hàn Quốc đã huy động 13 tàu, trong đó có tàu khu trục lớp KDX-I, Eulji Mundeok, lượng giãn nước 3.200 tấn và 4 máy bay tham gia tập trận.(Yonhap)
* Thủ tướng Thái Lan sẽ gia nhập đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN), theo các nguồn thạo tin cho biết ngày 4/1.
Theo đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha dự kiến sẽ chính thức đăng ký làm thành viên của đảng này vào ngày 9/1 tới trong một sự kiện tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia Queen Sirikit.
Nguồn tin này cho biết thêm, một số nghị sĩ đã rời khỏi đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân (PPRP) - đảng liên minh của chính phủ cầm quyền - cũng sẽ có mặt tại sự kiện để chào đón đảng viên mới của họ. (Pattaya Mail)
* Iran-Pháp căng thẳng vì bức tranh biếm họa: Ngày 5/1, chính phủ Iran thông báo đóng cửa Viện Nghiên cứu Iran của Pháp tại Tehran nhằm phản đối việc lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei vừa bị biếm họa trên tạp chí trào phúng Charlie Hebdo.
Bộ Ngoại giao Iran ra thông báo cho biết đây chỉ là “bước đi đầu tiên” và chính phủ Pháp phải chịu trách nhiệm về “các tác giả thù địch”, đồng thời kêu gọi “đấu tranh nghiêm túc chống lại chủ nghĩa bài Hồi giáo và sợ Hồi giáo”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Pháp tại Tehran để phản đối động thái của tạp chí trên.
TIN LIÊN QUAN | |
Hội đàm lãnh đạo Philippines-Trung Quốc: Bắc Kinh nói 'muốn thúc đẩy năng lượng tích cực cho hòa bình' |
Châu Mỹ
* Hạ viện Mỹ chật vật tìm Chủ tịch mới: Cho đến nay, Hạ viện Mỹ đã trải qua 6 lần bỏ phiếu, song, vẫn chưa thể tìm ra Chủ tịch mới cho cơ quan lập pháp này.
Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát 222 ghế Hạ viện, trong khi đảng Dân chủ nắm 213 ghế. Người muốn trở thành Chủ tịch Hạ viện cần nhận được ít nhất 218 phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, các thành viên bảo thủ của đảng Cộng hòa đang ủng hộ Hạ nghị sĩ Byron Donalds thay vì ông Kevin McCarthy - lãnh đạo phe đa số Hạ viện.
* Mỹ lần đầu tiên công bố chiến lược về an ninh kinh tế cho phụ nữ toàn cầu, một nỗ lực nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động trên toàn thế giới.
Theo Ngoại trưởng Antony Blinken, mục tiêu của chính quyền Mỹ là nhằm dỡ bỏ những rào cản như các luật phân biệt đối xử đối với sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào nền kinh tế.
Các ưu tiên khác trong chiến lược bao gồm hỗ trợ tiếp cận và tài trợ cho chăm sóc trẻ em và chăm sóc người già, thúc đẩy các chương trình tư vấn và đào tạo cho phụ nữ để khuyến khích tinh thần kinh doanh và làm việc, từ đó gia tăng cơ hội để phụ nữ có thể nắm giữ các vị trí lãnh đạo như Giám đốc điều hành (CEO) hay thành viên hội đồng quản trị. (The Hill)
* Brazil sẽ quay trở lại tổ chức Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Bolivia Fredy Mamani.
Trong cuộc gặp người đồng cấp Bolivia Luis Arce, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã thông báo quyết định trên, coi đây là một bước đi quan trọng để thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực mà nhà lãnh đạo cánh tả Brazil vốn là một “đầu tầu” trong hai nhiệm kỳ trước đây vào những năm 2000.
Tổng thống Lula da Silva cũng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh CELAC lần thứ 7 sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại Argentina. (Utimas Nuticias)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ: 5 vòng bỏ phiếu thất bại, phe 'phá phiếu' đang chơi 'chiêu độc'? |
Châu Phi
* Morocco hoãn mở sứ quán tại Israel: Tờ Times of Israel ngày 4/1 đưa tin, giới lãnh đạo của Morocco đang tìm cách trì hoãn mở đại sứ quán tại Israel nhằm gây sức ép để được công nhận chủ quyền đối với Tây Sahara.
Gần đây, phía Morocco liên tục đề nghị Israel công nhận chủ quyền của Rabat đối với Tây Sahara. Một số chính trị gia Israel đã công khai ủng hộ Morocco, nhưng Bộ Ngoại giao Israel vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức.
* Tổng thống Togo Faure Gnassingbe thăm Mali, theo tuyên bố ngày 4/1 từ văn phòng tổng thống Mali cho biết.
Tổng thống Togo Faure Gnassingbe, người đang làm trung gian trong cuộc tranh cãi ngoại giao về vấn đề 46 binh sĩ Côte d’Ivoire bị Mali giam giữ, đã đến Bamako trong khuôn khổ một "chuyến thăm và làm việc hữu nghị".
Tuyên bố nói rằng Tổng thống Gnassingbe - người đang làm trung gian trong cuộc tranh cãi ngoại giao về vấn đề 46 binh sĩ Côte d’Ivoire bị Mali giam giữ - đã được lãnh đạo chính quyền quân sự Assimi Goita "chào đón" trước khi tham dự "một buổi làm việc" tại dinh tổng thống Koulouba. (Africa News)
TIN LIÊN QUAN | |
Lật ngược quyết định thời ông Trump, Mỹ đưa quân trở lại một quốc gia châu Phi |
Australia có kế hoạch mua hệ thống tên lửa tầm xa HIMARS của Mỹ
Theo trang mạng ABC, quân đội Australia sẽ sở hữu khả năng sẽ tấn công tầm xa chưa từng có với việc mua 20 hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất vào năm 2026.
Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese cũng đã ký một thỏa thuận khác để mua tên lửa tấn công hải quân (NSM) do Na Uy sản xuất cho tàu chiến của Australia vào năm tới.
Chi phí chính xác của việc mua bán này đang được giữ bí mật vì lý do an ninh, nhưng chính phủ đã xác nhận rằng, con số tổng thể là "từ 1-2 tỷ AUD".
| Tin thế giới 4/1: Đức nói Nga phải trả giá; Moscow phát cảnh báo liên quan Trung Đông; việc hy hữu ở Hạ viện Mỹ Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, chuyến thăm của Tổng thống Philippines tới Trung Quốc, bầu cử Chủ tịch Hạ viện Mỹ, tình hình Trung Đông... ... |
| Vụ pháo kích làng Makiivka, miền Đông Ukraine: Gần 90 binh sĩ thiệt mạng, Nga nêu sai lầm, LHQ lên tiếng Cho tới nay, số quân nhân Nga bị thiệt mạng trong vụ pháo kích đêm giao thừa vào một tòa nhà ở làng Makiivka, miền ... |
| Pháp muốn Thụy Điển, Phần Lan sớm vào NATO, Thổ Nhĩ Kỳ nói 'không vội' Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mong Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) càng sớm ... |
| Ukraine-Canada bàn về 'Công thức Hòa bình', Mỹ không tin Nga đã chuẩn bị cho chính sách thiện chí? Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có cuộc điện đàm ngày 3/1 để thảo luận về việc tăng cường ... |
| Tình hình Ukraine: Liên hợp quốc đưa ra bình luận mới, Pháp hứa hẹn với Kiev Liên hợp quốc (LHQ) cho biết sẽ tập trung vào việc chấm dứt xung đột ở Ukraine và các bên tham gia trực tiếp vào ... |