📞

Tin thế giới 9/8: Mỹ muốn hạn chế đầu tư ở Trung Quốc, Pakistan giải tán Quốc hội, Ba Lan đưa 2.000 quân 'canh' biên giới với Belarus

Nhất Phong 19:30 | 09/08/2023
Nga liên tiếp bắn hạ các UAV tấn công Moscow, Dân Đức phản đối cung cấp tên lửa cho Ukraine, Belarus tập trận gần biên giới với Litva và Ba Lan… là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua.
Ba Lan đưa 2.000 quân đến sát biên giới với Belarus. (Nguồn: DW)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

*Tổng thống Nga Putin thúc giục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng ở các khu mới sáp nhập: Tổng thống LB Nga Vladimir Putin ngày 9/8 đã chỉ ra tầm quan trọng của việc tiếp tục các công trình xây dựng tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng và các tỉnh Kherson và Zaporozhzhia. Đây là 4 khu vực Nga mới sáp nhập trong năm 2022 theo Hiến pháp Nga.

Tổng thống Putin nói: “Xây dựng giao thông, đường bộ và đường sắt… còn nhiều việc phải làm. Và đương nhiên, các hành lang giao thông quốc tế Bắc-Nam, tuyến đường biển Bắc Băng Dương, thao trường miền Đông, đường sắt xuyên Siberia...".

Theo nhà lãnh đạo Nga, khoảng 30.000 km đường đã được xây dựng và sửa chữa, đồng thời nhấn mạnh rằng ngành xây dựng có vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế và lĩnh vực xã hội của Nga. (TTXVN)

*Ukraine tấn công vào trung tâm Donetsk: Ngày 8/8, hãng thông tấn TASS đưa tin một loạt vụ nổ mạnh đã làm rung chuyển trung tâm Donetsk.

Theo phái đoàn của Donetsk tại Trung tâm Điều phối và Kiểm soát chung các vấn đề liên quan đến tội ác chiến tranh ở Ukraine (JCCC), 12 quả đạn pháo cỡ 155 mm đã được bắn vào Kievsky và quận trung tâm Voroshilovsky của thành phố này trong vòng chưa đầy nửa giờ. Một quả đạn đã bắn trúng khu vực cửa hàng ở trung tâm Donetsk.

Cùng ngày, quyền lãnh đạo Cộng hoà Nhân dân Donetsk tự xưng, ông Denis Pushilin, cho hay một vụ pháo kích của Ukraine đã giết chết 3 người và làm bị thương 11 người khác ở nước Cộng hoà này.(Reuters)

*Nga tuyên bố làm chủ các vị trí chiến lược ở tỉnh Kharkov: Trang mạng quân sự của Nga ngày 9/8 cho biết, tại khu vực thành phố Kupyansk thuộc tỉnh Kharkov, giao tranh ác liệt vẫn diễn ra giữa quân đội Nga và Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU).

Đến nay, các đơn vị quân đội Nga đã chiếm giữ các vị trí chiến lược quan trọng gần các điểm dân cư nằm ở phía Nam Olshany và Pervomaisky.

Tại khu vực làng Kleshcheevka ở ngoại ô thành phố Bakhmut, VSU đã nỗ lực đột phá tuyến phòng thủ của VSRF và đánh chiếm các điểm dân cư Kleshcheevka, Andreevka và Kurdyumovka. Pháo binh Ukraine đã tấn công vào các vị trí của quân Nga. Tuy nhiên, các đơn vị Nga đã tiêu diệt một số lượng lớn các khẩu đội pháo binh VSU. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng đặc nhiệm Akhmat và các bộ phận khác của quân đội Nga, lữ đoàn 22 VSU gần như bị tiêu diệt hoàn toàn. (Sputnik News)

*Nga liên tiếp bắn hạ các UAV tấn công thủ đô Moscow: Bộ Quốc phòng LB Nga ngày 9/8 cho biết các hệ thống phòng không của nước này đã chặn đứng kế hoạch của Kiev tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào thủ đô Moscow.

Tuyên bố cho biết: "Rạng sáng 9/8, trên lãnh thổ tỉnh Moscow, nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái đã bị chặn đứng”. Cuộc tấn công này không gây thương vong và thiệt hại.

Trước đó, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin đã thông báo rằng 2 UAV đang cố bay vào Moscow đã bị bắn hạ ở khu vực ngoại ô. Trước đó, hôm 6/8, hệ thống phòng Nga không đã phá hủy 1 UAV ở khu vực Podolsky thuộc tỉnh Mosscow. (Sputnik News)

Châu Á

*Trung Quốc lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nhật Bản bên lề cấp cao ASEAN 56 tại Indonesia: Các nguồn tin ngoại giao ngày 9/8 cho hay, Trung Quốc đã thông báo với phía Nhật Bản rằng Bắc Kinh đang cân nhắc cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Indonesia vào tháng 9 tới. Nếu kế hoạch được triển khai thì đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường.

Tokyo đã và đang tìm cách cải thiện quan hệ song phương với Bắc Kinh, khi quan hệ giữa hai quốc gia châu Á gần đây bị cản trở bởi kế hoạch của Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.(Kyodo)

*Triều Tiên chuẩn bị mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19: Triều Tiên đã mời những người chơi golf nước ngoài tham dự một giải đấu ở Bình Nhưỡng. Đây là một dấu hiệu khả dĩ khác cho thấy quốc gia này sẽ mở cửa trở lại sau khi các quan chức Trung Quốc và Nga tham dự một cuộc duyệt binh vào tháng trước.

Thông tin trên trang web DPR Korea Tour cho thấy Bình Nhưỡng hoan nghênh các tay golf nước ngoài tới tham gia cuộc thi được tổ chức vào mùa Xuân và mùa Thu ở Triều Tiên. Bài đăng cũng bao gồm địa chỉ email và số điện thoại của "Công ty du lịch golf" - thuộc cơ quan quản lý du lịch chính thức của Bình Nhưỡng - nhưng không cho biết khi nào giải đấu sẽ diễn ra.

Triều Tiên đã áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19 kể từ đầu năm 2020 cho đến nay. Nhưng đã có các dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể trở nên linh hoạt hơn trong các biện pháp kiểm soát biên giới. (AFP)

*LHQ quan ngại về việc Hàn Quốc mời Đại sứ Myanmar dự triển lãm vũ khí: Ông Thomas Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền ở Myanmar bày tỏ quan ngại về việc Chính phủ Hàn Quốc cho phép Đại sứ Myanmar tại Seoul tham dự một sự kiện quảng bá các hệ thống vũ khí vào tháng 5.

Trong bức thư gửi Chính phủ Hàn Quốc hôm 6/6, ông Andrews viết: " Việc ông ấy tham gia vào sự kiện này đã hợp pháp hóa một chính quyền quân sự bất hợp pháp, đồng thời làm dấy lên nghi ngờ về chính sách của Hàn Quốc liên quan đến việc chuyển giao vũ khí cho quân đội Myanmar".

Ông Andrews bày tỏ quan ngại sau khi Đại sứ Myanmar Thant Sin tham dự sự kiện nói trên ở Pocheon của Hàn Quốc hôm 2/5 vốn trưng bày xe tăng và các loại vũ khí khác cho các phái viên nước ngoài từ 18 quốc gia.

Chính phủ Hàn Quốc sau đó đã gửi thư trả lời vào ngày 26/7, giải thích rằng Seoul mời tất cả các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham dự sự kiện này "theo thông lệ đã được thiết lập".

Hàn Quốc đã cấm xuất khẩu hàng hóa quân sự sang Myanmar và tạm dừng hợp tác quốc phòng song phương sau khi quân đội nước này tiến hành một cuộc đảo chính vào tháng 2/2021.(Yonhap)

*Pakistan giải tán Quốc hội, mở đường cho bầu cử: Pakistan giải tán Quốc hội trong ngày 9/8, tạo điều kiện thành lập chính phủ lâm thời do các nhà kỹ trị lãnh đạo để giám sát cuộc bầu cử vốn sẽ không có sự tham gia của cựu Thủ tướng Imran Khan.

Theo luật pháp Pakistan, cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong vòng 90 ngày kể từ ngày giải tán Quốc hội. Tuy nhiên, chính phủ sắp mãn nhiệm cảnh báo rằng tiến trình bầu cử có thể bị trì hoãn.

Pakistan rơi vào tình trạng bất ổn chính trị kể từ khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị phế truất hồi tháng 4 năm ngoái, đỉnh điểm là việc ông bị bỏ tù vì tội danh tham nhũng. Ông Khan phủ nhận mọi tội danh và tuyên bố các vụ điều tra là âm mưu chính trị nhằm ngăn ông trở lại nắm quyền. Ngày 5/8 vừa qua, ông Khan đã bị bắt tại nhà riêng ở Lahore sau khi tòa án ở thủ đô Islamabad kết án ông 3 năm tù vì tội tham nhũng.(AFP)

*Ngoại trưởng Trung Quốc sắp thăm Singapore, Malaysia và Campuchia: Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/8 cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ đi thăm Singapore, Malaysia và Campuchia từ ngày 10-13/8 tới.

Ông Vương Nghị vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao thay ông Tần Cương bị miễn nhiệm ngày 25/7 vừa qua. Ông Vương Nghị từng giữ chức Ngoại trưởng Trung Quốc từ năm 2013-2022, trước khi giữ cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.(Reuters)

* Nhật Bản cân nhắc viện trợ quốc phòng cho nhiều nước, bao gồm Việt Nam: Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận việc cung cấp thiết bị quốc phòng cho 6 quốc gia trong năm 2024. Theo chương trình Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) của Nhật Bản, các nước trong danh sách được cung cấp thiết bị quốc phòng gồm: Việt Nam, Indonesia, Philippines, Papua New Guinea, Mông Cổ và Djibouti.

Để cung cấp thiết bị cho các quốc gia như Việt Nam, Mông Cổ và Djibouti, Bộ Ngoại giao Nhật Bản hy vọng sẽ đưa các chi phí liên quan trị giá khoảng 5 tỷ yen vào kế hoạch tài chính cho năm tài khóa 2024, tăng 150% so với khoản chi cùng mục đích cho Philippines, Malaysia, Bangladesh và Fiji trong tài khóa hiện tại.

OSA là một khuôn khổ hợp tác mới nhằm tăng cường an ninh của các quốc gia có “chung mục tiêu chính sách đối ngoại với Nhật Bản” về các vấn đề cụ thể. Không giống như vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA), chỉ giới hạn ở hỗ trợ phi quân sự, OSA - được quy định trong Chiến lược An ninh Quốc gia sửa đổi của Nhật Bản vào tháng 12/2022 cho phép cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho quân đội của một số quốc gia. (The Yomiuri Shimbun)

Châu Âu

* Ba Lan điều 2.000 quân tới củng cố biên giới với Belarus: Ngày 9/8, Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan Maciej Wasik thông báo nước này sẽ điều 2.000 binh sỹ tới biên giới giáp Belarus, gấp đôi số lượng theo yêu cầu của lực lượng biên phòng, nhằm ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép và duy trì sự ổn định tại khu vực này.

Ba Lan ngày càng lo ngại về khu vực biên giới kể từ khi hàng trăm chiến binh Wagner thiện chiến tới Belarus vào tháng 7 theo lời mời của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ba Lan cũng ghi nhận sự gia tăng lượng người di cư từ Trung Đông và châu Phi tìm cách vượt biên vào Ba Lan trong những tháng gần đây.

Thứ trưởng Wasik cũng cáo buộc mọi ý đồ xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Ba Lan của những người di cư hiện nay là do chính quyền Belarus dàn xếp.

Hiện chính quyền Minsk chưa đưa ra phản ứng trước quyết định trên của Vacsava, trong bối cảnh quân đội Belarus vừa bắt đầu cuộc tập trận gần biên giới với Ba Lan.(AFP)

*Đức phản đối cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine: Trong cuộc tranh luận về việc cung cấp tên lửa hành trình Taurus của Đức cho Ukraine, phần lớn người Đức phản đối điều này.

Theo trang tin NTV ngày 9/8, cuộc thăm dò do viện nghiên cứu dư luận Forsa thực hiện cho biết, chỉ có 28% số người dân tin rằng Đức nên nhượng bộ trước các yêu cầu từ Kiev, trong khi phần lớn (66%) từ chối yêu cầu này.

Kiev đã thúc ép Berlin chuyển giao tên lửa này từ nhiều tháng qua, trong khi các chính trị gia thuộc đảng Xanh, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và liên đảng bảo thủ CDU/CSU cũng đang yêu cầu Chính phủ Đức chuyển tên lửa đất đối không Taurus cho Ukraine. Đã có những chính trị gia đầu tiên thuộc đảng SPD của Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên tiếng ủng hộ việc chuyển giao tên lửa hành trình cho Ukraine. Tuy nhiên, cho tới nay, cả Thủ tướng Olaf Scholz và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius vẫn bác bỏ việc chuyển giao này.

Cũng theo thăm dò, chỉ có 7% số người Đức được hỏi cho rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ chấm dứt trong năm nay. Phần lớn 91% nhận định chiến tranh sẽ kéo dài sang năm tới.(DW)

*Ukraine có loại vũ khí mà hầu hết các nước NATO chưa có: Theo báo FAZ của Đức ngày 9/8, Ukraine thể hiện sự khéo léo về quân sự trong cuộc chiến chống Nga khi một mặt vẫn phải sử dụng khí tài của Liên Xô để phòng thủ, nhưng cũng sử dụng nhiều loại vũ khí của phương Tây và phải sửa đổi các hệ thống để sử dụng cho phù hợp, thậm chí phát triển được những vũ khí mà hầu hết các nước NATO chưa có được.

Ukraine đã thành công trong việc chuyển đổi máy bay của nước này để có thể phóng tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh bàn giao hồi tháng 5. Các tên lửa hành trình Taurus do Đức sản xuất mà Kiev đang muốn bàn giao cũng sẽ phải được bắn từ những chiếc máy bay cải tiến như vậy. Trong năm qua, Ukraine đã phóng tên lửa không đối đất AGM-88 HARM của Mỹ từ máy bay MiG-29 của Liên Xô.

Tuy nhiên, lực lượng vũ trang Ukraine không chỉ thể hiện sự sáng tạo khi kết hợp các hệ thống khác nhau, Kiev còn phát triển vũ khí của riêng mình mà ngay cả hầu hết các nước NATO vẫn chưa có. Cái gọi là thiết bị không người lái trên biển, do Ukraine sản xuất được trang bị chất nổ và phát nổ khi va chạm, đã tham gia vào một số cuộc tấn công Hạm đội Biển Đen của Nga.

Theo một nhà phát triển, tốc độ của thiết bị này hiện vượt qua bất kỳ phương tiện dưới nước nào khác ở khu vực Biển Đen và việc chế tạo chỉ bắt đầu khi chiến tranh nổ ra. Ngoài ra còn có những thông tin về việc Ukraine sử dụng thành công tên lửa chống hạm tự phát triển, máy bay không người lái tầm xa mới hay thiết bị gây nhiễu chống máy bay không người lái di động. (Reuters)

*Nga giới thiệu bệ phóng tổ hợp tên lửa di động tối tân Yars: Tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế "Army-2023" diễn ra ở công viên Patriot, ngoại ô Moscow, từ ngày 14-20/8, Nga sẽ lần đầu tiên giới thiệu bệ phóng của tổ hợp tên lửa di động Yars và tầng trên của tên lửa Avangard mới nhất.

Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược LB Nga, Thượng tướng Sergei Karakaev cho biết: "Cùng với khẩu đội phóng hệ thống tên lửa di động trên mặt đất Topol truyền thống, lần đầu tiên một bệ phóng tự động và phương tiện hỗ trợ nhiệm vụ chiến đấu cho hệ thống tên lửa di động Yars sẽ được giới thiệu".

Ngoài ra, tại diễn đàn, Nga cũng giới thiệu máy rà phá bom mìn từ xa Listva. Trước đó, Thượng tướng Karakaev cho biết Lực lượng Tên lửa chiến lược sẽ hoàn tất quá trình tái trang bị các tổ hợp tên lửa Yars hiện đại vào cuối năm 2023. (TASS)

*Italy đình chỉ "thị thực vàng" cho công dân Nga và Belarus: Cơ quan chức năng Italy cho biết nước này đã đình chỉ chương trình thị thực Nhà đầu tư đối với công dân Nga và Belarus.

Tạp chí Altreconomia của Italy ngày 8/8 cho hay chính quyền Italy đã cấp cho ít nhất 32 công dân Nga thị thực "nhà đầu tư" 2 năm trong số 36 đơn đăng ký. Điều này có nghĩa là "thị thực vàng" được cấp cho công dân Nga nhiều hơn số được cấp cho công dân Mỹ (12) và Anh (12).

Theo Altreconomia, Chính phủ Italy đã đưa ra quyết định này hơn 1 năm sau khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), kêu gọi các thành viên EU vào tháng 3/2022 đình chỉ các chương trình thị thực nhà đầu tư của họ đối với công dân Nga và Belarus do “một số công dân Nga hoặc Belarus đang bị trừng phạt hoặc đang hỗ trợ đáng kể cho cuộc chiến ở Ukraine có thể đã có quốc tịch EU hoặc được đặc quyền tiếp cận EU, bao gồm cả việc đi lại tự do trong khu vực Schengen”.(AP)

*Các công ty lớn của Mỹ muốn nối lại thị trường Nga: Tổng lãnh sự Nga tại Houston (Mỹ), ông Alexander Zakharov cho biết các công ty lớn của Mỹ không muốn mất thị trường Nga và muốn nối lại hợp tác.

Ông Zakharov nói: "Với các dự án mới ở châu Phi và châu Mỹ Latinh hấp dẫn đối với doanh nghiệp Mỹ, chúng cũng không thể thay thế các dự án mà họ từng có ở Nga xét về mặt lợi nhuận. Người Mỹ sẽ không muốn để mất thị trường Nga quy mô lớn trong tương lai. Có thể xây dựng chuỗi cung ứng mới, nhưng phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ".

Ông Zakharov nói thêm: "Các công ty lớn rõ ràng muốn nối lại hợp tác. Doanh nghiệp Mỹ không muốn mất thị trường Nga cũng như không trao thị trường này cho bất kỳ nước nào". (TASS)

* Nga mất gần 29 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2023: Theo số liệu của Bộ Tài chính Nga công bố ngày 8/8, thâm hụt ngân sách liên bang của Nga trong 7 tháng đầu năm nay ở mức 1,8% GDP, tương đương 2,817 nghìn tỷ ruble (khoảng 28,9 tỷ USD).

Bộ trên nêu rõ: “Theo ước tính sơ bộ, tổng chi ngân sách liên bang trong 7 tháng đầu năm nay lên tới 17,341 nghìn tỷ ruble (khoảng 178,3 tỷ USD)”. Bộ cho biết con số này tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, tổng thu ngân sách liên bang trong 7 tháng đầu năm nay đạt 14,525 nghìn tỷ ruble (khoảng 149,3 tỷ USD), thấp hơn 7,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, bộ này cũng đánh giá rằng có một xu hướng tích cực đáng chú ý đối với các khoản thu chính ngoài dầu mỏ và khí đốt. Cụ thể, doanh thu phi dầu khí đạt 10,332 nghìn tỷ ruble (khoảng 106,2 tỷ USD), tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu từ dầu khí đạt 4,193 nghìn tỷ ruble (khoảng 43,1 tỷ USD), giảm 41,4% so với cùng kỳ năm ngoái. (THX)

*Belarus tập trận gần biên giới với Litva và Ba Lan: Ngày 8/8, Belarus tuyên bố các lực lượng vũ trang nước này đang tổ chức các cuộc tập trận gần biên giới với Litva và Ba Lan.

Theo Bộ Quốc phòng Belarus, một trong những giai đoạn của cuộc tập trận diễn ra tại thao trường Gozhsky ở Grodno với điều kiện "gần với tình huống chiến đấu thực tế nhất có thể". Căng thẳng giữa Belarus và Ba Lan đã gia tăng trong những ngày gần đây, đặc biệt do sự hiện diện của lực lượng bán quân sự Wagner tại Belarus sau cuộc binh biến hồi tháng 6.

Trước đó ngày 7/8, Ba Lan đã triển khai thêm 1.000 binh sĩ tới khu vực biên giới với Belarus, một ngày sau khi Vacsava cáo buộc Minsk dàn xếp làn sóng di cư nữa vào Liên minh châu Âu (EU) qua biên giới Ba Lan. (TTXVN)

Trung Đông – Châu Phi

*Ai Cập trục vớt thành công tàu kéo bị chìm trên Kênh đào Suez: Ngày 8/8, Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập thông báo đã trục vớt thành công tàu kéo "Fahd" bị chìm trên Kênh đào Suez hôm 5/8, đồng thời khẳng định hoạt động trục vớt không ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải trên tuyến đường biển này.

Ngày 5/8, tàu kéo "Fahd" đã bị chìm sau vụ va chạm với tàu chở LPG China Gas Legend treo cờ Hong Kong (Trung Quốc) tại km thứ 51 trên đường tránh Al-Balah trên Kênh đào Suez, khiến một thuyền viên thiệt mạng. 6 thuyền viên khác đã được giải cứu. Theo SCA, trong 2 ngày qua, tổng cộng 146 tàu đã đi qua Kênh đào Suez, với tổng trọng tải ròng 8,4 triệu tấn. (Aljazeera)

*UAE và Mỹ thúc đẩy hành động chung nhằm đảm bảo sự ổn định ở Trung Đông: Tại cuộc gặp ở Abu Dhabi ngày 8/8, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã thảo luận về mối quan hệ chiến lược chặt chẽ giữa UAE và Mỹ, khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương.

Theo hãng thông tấn nhà nước WAM của UAE, Tổng thống Sheikh Mohamed và ông Sullivan cũng đã thảo luận về những diễn biến khu vực và quốc tế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động chung nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở Trung Đông.

Trước đó, ông Sullivan đã có cuộc gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và các quan chức khác của Saudi Arabia tại thành phố Jeddah vào tháng 7 vừa qua để thảo luận các biện pháp nhằm "thúc đẩy một tầm nhìn chung trong khu vực".(Aljazeera)

*Ai Cập mua khối lượng lớn lúa mì của Nga: Bộ Cung ứng và Thương mại Nội địa Ai Cập ngày 9/8 cho biết nước này đã ký một thỏa thuận với Nga để mua 235.000 tấn lúa mì. Bộ trên cho hay: "Hợp đồng mua lúa mì của Nga được ký kết phù hợp với thông lệ quốc tế". Theo thỏa thuận, 175.000 tấn lúa mì của Nga sẽ được giao bằng đường biển từ ngày 15-30/9, phần còn lại 60.000 tấn sẽ được chuyển đến các cảng của Ai Cập từ ngày 1-15/10.

Trước đó, báo thương gia đưa tin sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Moscow đã bán những lô lúa mì đầu tiên cho Ai Cập. Công ty quốc doanh Ai Cập GASC đã nhận được 30 đề xuất trong quá trình đấu thầu, 20 trong số đó là lúa mì của Nga. Ai Cập từng là nước mua một lượng lớn ngũ cốc của Ukraine theo thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen. (The Gulf News)

Châu Mỹ

*Mỹ lập kế hoạch hạn chế hoạt động đầu tư ở Trung Quốc: Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Động thái này có khả năng mở ra một mặt trận khác trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc kinh tế.

Trước đó, một số nguồn thạo tin cho hay, ông Biden dự kiến ban hành sắc lệnh được chờ đợi từ lâu để sàng lọc các khoản đầu tư ra nước ngoài vào các công nghệ nhạy cảm đối với Trung Quốc. Mục đích của sắc lệnh là ngăn chặn việc vốn và chuyên môn của Mỹ bị sử dụng để đẩy nhanh sự phát triển của các công nghệ vốn có nguy cơ hỗ trợ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Sắc lệnh này dự kiến nhắm mục tiêu vào vốn cổ phần tư nhân, vốn mạo hiểm và đầu tư liên doanh của Mỹ tại Trung Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo. (Reuters)