📞

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in 'vấp hòn đá' Covid-19 trong giai đoạn 'về đích'

13:31 | 03/03/2020
TGVN. Những rối ren trong quan hệ liên Triều, các vấn đề trong nước và đặc biệt là dịch Covid-19 đang trở thành thách thức đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra trong 2 năm nữa. 
Tổng thống Moon Jae-in đang phải gánh chịu hậu quả vì dự báo sai về dịch bệnh Covid-19 khiến Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc đại lục. (Nguồn: AP)

Cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra trong 2 năm nữa, nhiều khả năng là vào ngày 9/3/2022. Ngay sau cuộc bầu cử đó sẽ là giai đoạn lãnh đạo của Tổng thống đắc cử và Ủy ban chuyển giao quyền lực kéo dài 2 tháng cho đến khi Tổng thống Moon Jae-in chính thức mãn nhiệm vào nửa đêm 9/5/2022.

Ông Moon Jae-in nhậm chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ cuối năm 2016, khi người tiền nhiệm Park Geun-hye đang ở tâm điểm của vụ rắc rối lạm dụng quyền lực liên quan đến người bạn tâm giao Choi Soon-sil.

Rất nhiều cuộc thăm dò ý kiến đã cho thấy ông Moon Jae-in nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân trong năm đầu của nhiệm kỳ ở Nhà Xanh (giai đoạn 2017-2018). Ngay cả những cử tri cánh tả cũng ủng hộ những nỗ lực tích cực của chính quyền ông Moon Jae-in trong việc thúc đẩy đối thoại liên Triều và đấu tranh chống tham nhũng.

Các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều đã góp phần nâng mức độ tín nhiệm của ông Moon Jae-in lên 70-80%. Bên cạnh đó, thành công của Đại hội thể thao Olympic Pyeongchang 2018 đã giúp ông Moon Jae-in giành được thêm nhiều sự mến mộ của người dân Xứ sở kim Chi.

Khi niềm tin bị đánh mất

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người mất dần niềm tin khi tiến trình giải giáp hạt nhân ở Triều Tiên không đạt thêm tiến triển cụ thể nào, chính quyền Bình Nhưỡng liên tục không giữ đúng cam kết đã đạt được, trong khi đó, những bế tắc trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa có lời giải.

Giới chính trị gia và cử tri cánh hữu đã bắt đầu lên tiếng chỉ trích ông Moon Jae-in về việc dành sự quan tâm "hơi quá mức” cho Triều Tiên và có thái độ “phục tùng” cả Mỹ lẫn Triều Tiên. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (dự kiến diễn ra vào ngày 3/11/2020) cũng được kỳ vọng sẽ góp phần định đoạt tương lai của các cuộc đàm phán liên Triều.

Ở trong nước, các vấn đề kinh tế cũng trở thành điểm yếu của chính quyền ông Moon Jae-in kể từ quý III/2018 - thời điểm chỉ số tín nhiệm dành cho ông bắt đầu sụt giảm và hiện chỉ còn khoảng 40%. Mặc dù Chính phủ đã có sự ưu tiên trong việc phân bổ ngân sách thường niên để giúp tạo việc làm, song tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ vẫn ở mức cao bởi chính sách đó mới chỉ được thực hiện trong lĩnh vực công và mang lại lợi ích cho những người ở độ tuổi 60 trở lên.

Hơn nữa, việc kiên quyết tăng lương tối thiểu trong năm 2018 và 2019 đã làm tăng gánh nặng chi phí lao động và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp tư nhân nhỏ do những người 40 và 50 tuổi làm chủ. Một số nhà phân tích nói rằng điều này cũng đã tước đi cơ hội có việc làm bán thời gian của những người ở độ tuổi 20.

Hiệu suất xuất khẩu của quốc gia là không rõ ràng, cho thấy sự tăng trưởng âm trong suốt năm 2019 và tiêu dùng tư nhân cho thấy có rất ít sự cải thiện. Thêm vào đó, các chính sách về sở hữu bất động sản của chính quyền ông Moon cũng đã khiến những người Seoul không có sở hữu nhà ở trở nên "điên đảo". Một loạt biện pháp được triển khai để đối phó với hoạt động đầu cơ bất động sản đã khiến giá nhà đất ở thành phố bị đẩy lên mức cao nhất, bất chấp những thắc mắc của người dân về tính hiệu quả của chúng.

Trong lĩnh vực giáo dục và bất bình đẳng xã hội, người dân đòi hỏi sự công bằng và minh bạch trong nửa cuối năm 2019, khi một vụ bê bối xuất hiện có liên quan đến cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk với cáo buộc rằng con gái ông đã được ưu ái trong thủ tục nhập học. Đồng thời, nhiều người cũng đặt câu hỏi về quyết định của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in về việc loại bỏ các trường chuyên ở cấp phổ thông trung học.

Dù vậy, vẫn có rất nhiều cử tri lên tiếng ủng hộ nỗ lực của ông Moon Jae-in trong việc thúc đẩy thành lập Đơn vị điều tra tội phạmtrong giới quan chức cấp cao - một yếu tố cốt lõi trong sáng kiến cải cách tư pháp của ông. Kế hoạch nàyđã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua hồi cuối năm 2019 và sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2020. Các nhà bình luận đánh giá đây là một thành quả thực tế nhất mà ông Moon Jae-in có được trên cương vị Tổng thống, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các công tố viên và những người thuộc phe bảo thủ.

Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực tối đa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và dự kiến sẽ ngăn chặn sự lây lan trong vòng một tháng. (Nguồn: Time)

Và nỗi lo mang tên Covid-19

Đến năm 2020, vào thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ từ Vũ Hán (Trung Quốc), dư luận Hàn Quốc một lần nữa bắt đầu cảm thấy vô cùng bất an trước những chính sách liên quan đến sự an toàn và sức khỏe người dân của chính quyền ông Moon Jae-in.

Trong hơn 10 ngày, số người nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Hàn Quốc đã tăng như vũ bão. Ngày 18/2 chỉ có 31 người nhiễm, đến ngày 29/2 đã tăng thành 3.150 người nhiễm và tính đến nay (3/3) là 4.812 ca nhiễm, trong đó 28 người tử vong.

Theo báo chí Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đang phải gánh chịu hậu quả vì dự báo sai về dịch bệnh. Mỗi ngày trôi qua đối với ông là một quả núi đè lên vai. Không kể áp lực từ phe đối lập, hơn 1 triệu người dân đã ký tên vào bản kiến nghị trên mạng yêu cầu luận tội ông.

Chính giới Hàn Quốc cũng không tiếc lời chỉ trích ông vì cách xử lý cuộc khủng hoảng sai lầm, cụ thể là những chính sách đối với người Trung Quốc sau khi dịch bùng phát ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Quả thực, Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đã do dự trước quyết định cấm người dân Trung Quốc đại lục nhập cảnh. Thậm chí, sau khi 40 quốc gia (trong đó có Mỹ, Triều Tiên) đã làm điều này, Hàn Quốc vẫn chỉ cấm mỗi dân Trung Quốc đến từ tâm dịch Hồ Bắc. Những người chỉ trích cho rằng chính thái độ thiếu dứt khoát đó đã khiến SARS-CoV-2 dễ lây lan bám rễ ở Hàn Quốc, phá hoại thêm cơ hội phục hồi kinh tế vốn đã ảm đạm của nước này.

Trong bài xã luận đăng mới đây trên tờ Chosun Ilbo, tác giả đã chỉ rõ rằng "chống dịch mà không cấm người Trung Quốc nhập cảnh chẳng khác nào bắt muỗi trong lúc cửa sổ còn mở". Choi Dae-zip, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, đã chỉ trích việc chính quyền Moon Jae-in không cấm khách Trung Quốc: "Những gì chúng ta thấy cho đến nay là sự thất bại hoàn toàn của hệ thống phòng dịch của Hàn Quốc. Nguyên nhân lớn nhất là Chính phủ đã bỏ qua quy tắc kiểm soát dịch bệnh vô cùng cơ bản: ngăn chặn tất cả nguồn lây nhiễm".

Các đối thủ chính trị của ông Moon cáo buộc ông ủng hộ Trung Quốc, hoặc sợ làm "phật ý" Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dẫn chứng trong cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình ngày 20/2, ông Moon nói rằng "khó khăn của Trung Quốc cũng là khó khăn của Hàn Quốc".

Trên thực tế, Hàn Quốc đã quyên góp số lượng lớn vật tư y tế cho Trung Quốc, bao gồm 2 triệu khẩu trang loại thường, 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 bộ đồ bảo hộ và 100.000 kính bảo hộ. Để rồi, đến khi dịch bệnh bùng phát tại Hàn, chính người dân Hàn Quốc lại không có đủ dùng.

Cơn thịnh nộ của người Hàn tiếp tục tăng lên trong tuần qua khi một số thành phố Trung Quốc bắt đầu cách ly những khách Hàn Quốc nhập cảnh, trong khi chính phủ Hàn Quốc không áp dụng biện pháp tương tự với khách Trung Quốc.

Một số quyết định ban đầu của chính quyền Moon Jae-in trong công tác phòng chống dịch cũng bị lên án. Các thành viên giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu, tâm dịch Covid-19 tại Hàn Quốc, bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh từ ngày 7-10/2 song họ vẫn tiếp tục tham dự những buổi lễ vài ngày sau đó, nơi hàng trăm tín đồ cầu nguyện và hát lớn trong không gian kín chật hẹp, khiến virus nhanh chóng lây lan. Tại thời điểm đó, Chính phủ Hàn Quốc nhiều lần thông báo với người dân rằng họ không cần hủy những buổi tụ tập đông người.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc theo đuổi những biện pháp cứng rắn ở trong nước cũng tiềm ẩn rủi ro chính trị, nhất là khi cuộc tổng tuyển cử ở Hàn Quốc (bầu cử Quốc hội) theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 4 tới. Khi Chính phủ Hàn Quốc cố gắng cấm các cuộc biểu tình vì lo ngại cho sức khỏe cộng đồng, những người tham gia biểu tình đã cáo buộc đây là sự đàn áp chính trị.

Kế hoạch "phong tỏa" thành phố Daegu và khu vực lân cận cũng bị nhiều chính trị gia bảo thủ coi là động thái bao vây các địa phương của chính nước mình, trong khi lại không thể quay lưng với Trung Quốc. Những "đòn đánh" chính trị diễn ra chớp nhoáng, buộc chính quyền Moon Jae-in phải gạt bỏ toàn bộ kế hoạch phong tỏa Daegu.

(theo báo chí Hàn Quốc)