TIN LIÊN QUAN | |
Bộ Nội vụ Ấn Độ: Bạo lực bùng phát liên quan Luật quốc tịch sửa đổi 'dường như được dàn xếp' | |
Mỹ thuyết phục, Afghanistan đồng ý hoãn Lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống |
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi tại thủ đô New Delhi ngày 25/2. (Ảnh: AP) |
Lần đầu tiên tới đất nước sông Hằng trên cương vị Tổng thống, ông Trump đã dừng chân tại Amedabad, thủ phủ bang Gujarat, quê hương của ông Modi. Sự nồng nhiệt của 125.000 người đón chào vị khách tại sân vận động khổng lồ mới xây dựng, cùng những lời tán dương mà hai nhà lãnh đạo dành cho nhau báo hiệu về quan hệ Mỹ - Ấn ngày một khăng khít.
Họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ đã thông báo quyết định nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện. Theo đó, quan hệ song phương đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết và là quan hệ “quan trọng nhất thế kỷ XXI”. Theo ông Narendra Modi, hợp tác Mỹ - Ấn, trên cơ sở song trùng về giá trị và mục tiêu, có vai trò then chốt với trật tự quốc tế có luật lệ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific Region - IPR) và lợi ích toàn cầu. Về phần mình, ông Donald Trump khẳng định trọng tâm chuyến thăm là an ninh khu vực và kinh tế thương mại.
Theo Tuyên bố chung, sự hội tụ chiến lược ở IPR, quan hệ đối tác chặt chẽ là trung tâm của một IPR tự do, rộng mở, bao trùm, hòa bình và thịnh vượng; công nhận vai trò trung tâm của ASEAN; tuân thủ luật pháp quốc tế và quản trị tốt; bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không và các quyền sử dụng hợp pháp khác đối với biển cả; thương mại không bị cản trở; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai bên ghi nhận nỗ lực đạt được một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) có ý nghĩa tại Biển Đông và nghiêm túc kêu gọi không được thành kiến đối với quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước theo luật pháp quốc tế.
Hợp tác toàn cầu, toàn diện
Về hợp tác quốc phòng, Mỹ sẽ bán 24 trực thăng chống ngầm Sea Hawk trị giá 3 tỷ USD và 6 trực thăng Apache trị giá 800 triệu USD cho Ấn Độ. Hai bên cam kết tăng cường chống khủng bố; Mỹ khẳng định đang hợp tác hiệu quả với Pakistan để chống khủng bố tại nước này. Washington đánh giá cao vai trò bảo đảm an ninh, hỗ trợ phát triển và nhân đạo của New Delhi tại IPR. Hai bên quyết định tăng cường cơ chế tham vấn 3 bên Mỹ - Nhật - Ấn, cơ chế 2+2 Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ - Ấn và cơ chế Tham vấn Bộ tứ Mỹ - Nhật - Ấn - Australia.
Về kinh tế, Thủ tướng Modi cho biết thương mại song phương đã tăng trưởng 2 con số trong 3 năm qua và trở nên cân bằng hơn. Theo Tổng thống Trump, từ năm 2017, xuất khẩu Mỹ sang Ấn Độ tăng 60%, riêng năng lượng tăng 500%; hai bên đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cuối cùng để ký Thỏa thuận thương mại tạm thời và tiến hành đàm phán về một Thỏa thuận thương mại toàn diện.
Về công nghệ, hai bên đã trao đổi đẩy mạnh hợp tác công nghệ 4.0. Tổng thống Trump mong muốn xây dựng mạng lưới 5G an toàn và đảm bảo tự do, tiến bộ, thịnh vượng, không phải là công cụ kiểm duyệt. Ngoài ra, hai bên đã đạt thỏa thuận về sức khỏe thần kinh, an toàn dược phẩm, hợp tác dầu lửa và lập nhóm chống ma túy.
Những kết quả trên đây, cùng việc hai bên nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện, cho thấy chuyến thăm đã thành công với cả Ấn Độ và Mỹ, đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ song phương. Dù không xuất hiện trong bất kỳ tuyên bố chính thức nào, nhưng Trung Quốc đang thay đổi đáng kể các phương trình chiến lược theo hướng bất lợi cho cả Ấn Độ và Mỹ, khiến hai nước xích lại gần nhau hơn.
Điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Ấn Độ là Ahmedabad, thủ phủ bang Gujarat - quê nhà của Thủ tướng Modi, ngày 24/2. (Ảnh: AP) |
Hai suy nghĩ, một mục tiêu
Với Mỹ, Ấn Độ là nước duy nhất có thể đối trọng với Trung Quốc về quy mô kinh tế và vị trí địa lý. Chuyến thăm cho thấy tầm quan trọng gia tăng của Ấn Độ trong chiến lược toàn cầu và IPR của Mỹ. Khác với người tiền nhiệm thường kết hợp thăm Ấn Độ với Pakistan, ông Trump chỉ thăm Ấn Độ. Thay đổi này phản ánh điều chỉnh chính sách Mỹ, từ cân bằng truyền thống sang cứng rắn hơn với Pakistan.
Washington muốn New Delhi đóng góp tích cực hơn về ngoại giao và quân sự nhằm duy trì trật tự mở và tự do ở IPR, thể hiện rõ qua thỏa thuận vũ khí 3 tỷ USD. Ấn Độ là thị trường béo bở cho vũ khí Mỹ, khi mua tới 18 tỷ USD vũ khí từ xứ cờ hoa trong 10 năm qua. Đồng thời, Washington muốn New Delhi tham gia vào Mạng lưới Xanh về phát triển hạ tầng cơ sở do nước này công bố tháng 11/2019, đối trọng với Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Bắc Kinh. Thêm vào đó, ông Trump mong Ấn Độ đóng vai trò chủ động, tích cực hơn tới hòa bình, phát triển của Afghanistan, tạo điều kiện cho Mỹ rút quân trong năm 2020.
Về phần mình, Ấn Độ muốn dùng Mỹ để đối trọng với Trung Quốc. Tăng cường quan hệ chiến lược Mỹ - Ấn cũng cho phép Ấn Độ gần gũi với đồng minh Mỹ như Nhật, Hàn Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương và UAE, Saudi Arabia ở Trung Đông.
Hơn nữa, Ấn Độ còn cho rằng Mỹ đang đánh giá lại các liên minh truyền thống. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Mỹ đang bố trí, sắp xếp lại mối quan hệ liên minh và đối tác, trong đó có Ấn Độ. Trật tự thế giới mới không cho phép duy trì quan hệ liên minh truyền thống, thay vào đó là các liên minh lỏng lẻo hơn, đi kèm xung khắc về lợi ích. Nếu Mỹ chấp nhận dạng thực tế này, Ấn Độ có tăng cường quan hệ với Mỹ mà không lo kích động Trung Quốc hay Nga.
Cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ cũng có thể sẽ giúp Ấn Độ đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt là Nam Á. Kinh tế Ấn Độ đã đạt thành tích ấn tượng trong năm 2019 (2.940 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới), song để trở thành đối trọng với Trung Quốc ở Nam Á, Ấn Độ cần một nền kinh tế lớn và tăng trưởng nhanh hơn. Do đó, đạt được một thỏa thuận thương mại nhằm mở cửa thị trường Mỹ rất quan trọng với Ấn Độ, khi nước này đã rút khỏi đàm phán RCEP. Ấn Độ cũng mong muốn tận dụng cơ hội từ cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung để thu hút đầu tư.
Về mặt nội bộ, chuyến thăm của ông Donald Trump nhằm tranh thủ 4 triệu cử tri gốc Ấn tại Mỹ, khi trong lần bầu cử trước, chỉ có 14% cử tri gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump. Đây là cộng đồng thiểu số giàu có nhất và đóng góp nhiều nhất trong các cuộc vận động tranh cử tại Mỹ. Do đó, chuyến thăm gửi thông điệp tới cộng đồng người Mỹ gốc Ấn rằng Mỹ vẫn coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Đối với các cử tri, một thỏa thuận thương mại Mỹ - Ấn được phê chuẩn trước bầu cử sẽ là thông điệp mạnh mẽ, khẳng định rằng Trump đang về mang nhiều lợi ích cho nước Mỹ.
Theo Reuters, tuyên bố tối ngày 25/2 của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi đã "nhất trí nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán thương mại hiện nay mà họ hy vọng có thể trở thành giai đoạn 1 của một thỏa thuận thương mại song phương toàn diện, phản ánh tham vọng thực sự và tiềm năng đầy đủ của các quan hệ thương mại song phương". |
Tổng thống Trump thăm Ấn Độ: 'Hai tính cách", một "cơ hội lớn" TGVN. Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần này có thể sẽ không đi theo truyền thống, hướng tới ... |
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Ấn Độ, ca ngợi: 'Đất nước mang lại hy vọng cho nhân loại' TGVN. Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã tới Thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, bắt đầu chuyến ... |
Snack gạo Nhật Bản từng bước chinh phục thị trường Ấn Độ TGVN. Bánh gạo giòn - một món ăn nhẹ (snack) phổ biến của Nhật Bản - đang tiến bước sâu hơn vào thị trường Ấn ... |