Tổng thống Obama và Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đến thăm Nhà thờ Hồi giáo Blue, ngày 7/4. |
Theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng, ông Obama đề cập với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ về nhu cầu giải quyết các mối đe dọa trong khu vực như nạn khủng bố, chiến tranh Afghanistan, quan hệ với Iran và mục tiêu chung xây dựng nền hòa bình lâu dài giữa Israel và các nước láng giềng. Chặng dừng chân tại Thổ Nhĩ Kỳ của ông Obama nhằm ít nhất hai mục đích: thắt chặt quan hệ đồng minh, đưa Ankara vào trung tâm chính sách Trung Cận Đông của Mỹ và củng cố vai trò tại khu vực của quốc gia Hồi giáo theo thể chế thế tục này.
Quan hệ giữa Washington và Ankara đã lâm vào cảnh “lục đục” từ năm 2003 khi Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ lời đề nghị của Mỹ cho phép trung chuyển quân qua lãnh thổ để mở mặt trận tấn công Iraq từ phía Bắc. Nước này cũng luôn bất bình với Mỹ khi cho phép các phần tử đòi ly khai người Kurk ẩn náu tại miền Bắc Iraq và dùng khu vực này làm bàn đạp tấn công vào lãnh thổ của mình.
Theo Cengiz Candar, chuyên gia Trung Cận Đông nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, do những hoạt động và uy tín của Ankara trong khu vực, Tổng thống Obama đang thực sự muốn làm mới quan hệ chiến lược thực sự giữa hai nước. Quả vậy, Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở vị trí “bản lề” chiến lược giữa châu Âu, Trung Cận Đông và Kavkaz. Quốc gia có gần 77 triệu người Hồi giáo này cũng đang đóng vai trò then chốt trong đời sống chính trị khu vực.
Là đồng minh của Israel, Thổ Nhĩ Kỳ đang làm trung gian trong các cuộc hòa đàm giữa nhà nước Do Thái và Syria, lại có chung đường biên với Iraq và Iran - những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chính quyền Obama.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ là đường chuyển quân và khí tài quân sự quan trọng nhất của Mỹ cho chiến trường Iraq và Afghanistan. Hơn nữa, vào thời điểm Mỹ đang có ý định rút bớt quân ra khỏi Iraq thì căn cứ không quân Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Trong bối cảnh tiếp vận bằng đường không qua Kyrgystan vừa bị cắt đứt và tuyến vận chuyển bằng đường bộ qua Pakistan liên tục bị quân nổi dậy tấn công, Mỹ cũng rất muốn Ankara thuyết phục các nước trong khu vực cho phép trung chuyển đồ tiếp tế cho chiến trường Afghanistan.
Cũng cần phải nói rằng, trước khi đặt chân đến Ankara, ông Obama đã chuẩn bị một “món quà lấy lòng nước đồng minh này, đó là sự ủng hộ của Washington đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, điều mà bấy lâu nay vẫn bị nhiều quốc gia thành viên, trong đó có Pháp và Đức, phản đối kịch liệt. Theo ông, việc gia nhập này sẽ gửi một tín hiệu quan trọng tới thế giới Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gắn bó chặt chẽ hơn với châu Âu. Ông Obama cũng phát biểu rằng Mỹ và châu Âu cần đối xử với người Hồi giáo như bạn bè, hàng xóm, và đối tác trong cuộc chiến chống lại bất công và bạo lực.
Theo các chuyên gia, chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của ông Obama đã thể hiện rõ bức thông điệp rằng Mỹ mong muốn chìa tay với thế giới Hồi giáo vốn có nhiều xa cách với chính quyền Mỹ thời Tổng thống Bush. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi lịch trình của ông Obama tại Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều địa chỉ mang ý nghĩa biểu trưng tôn giáo như lăng Mustafa Kemal Ataturk và các nhà thờ Hồi giáo.
Nguyên Pháp