Ông Emmanuel Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2 với tỷ lệ ủng hộ trên 58%. (Nguồn: AP) |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/4 đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2 với tỷ lệ ủng hộ trên 58%. Tuy nhiên, theo giới quan sát, ông Macron sẽ không nhận được một sự “khoan dung”, “ân hạn” ngay từ đầu nhiệm kỳ tới.
Một loạt hồ sơ "nóng" đang chờ ông giải quyết, chẳng hạn như vấn đề sức mua, nợ công chồng chất, giáo dục tụt dốc, công nghiệp suy yếu, chuyển đổi sinh thái, lương hưu, y tế, an ninh, tái vũ trang châu Âu và cuộc chiến Ukraine,...
Một nước Pháp chia rẽ
Giới quan sát đều có chung nhận định, ông Macron tái đắc cử sau khi kết thúc một nhiệm kỳ được đánh dấu bằng một chuỗi cuộc khủng hoảng, những cuộc biểu tình như phong trào Áo Vàng, đại dịch Covid-19...
Nhà lãnh đạo cũng đang đứng trước một nước Pháp bị "xẻ làm đôi", mà kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua là một bằng chứng rõ nét.
Đó là nước Pháp với một bên là những khu đô thị lớn, những tầng lớp trung lưu khá giả và những người về hưu ủng hộ Tổng thống, còn bên kia là tầng lớp bình dân, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Bắc, vùng Địa Trung Hải và ủng hộ ứng cử viên Marine Le Pen.
Tờ Le Echos (Pháp) cho rằng, nhiệm vụ của Tổng thống Macron là phải đoàn kết được một đất nước đang bị chia rẽ cao độ, nhưng đồng thời cũng cần tiếp tục sự táo bạo từng khiến một bộ phận khá đông cử tri tin tưởng ông.
Trong bối cảnh này, làm thế nào giữ được đa số hiện có ở Quốc hội là một thách thức lớn đối với ông Macron trong kỳ bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới. Đồng thời, ông phải thực hiện rất nhiều cải cách để đáp ứng mong mỏi của người dân như đã hứa trong cuộc vận động tranh cử vòng 2.
Trong khi đó, báo La Croix (Pháp) cho rằng, sẽ là vô lý khi đặt toàn bộ những thách thức khổng lồ về kinh tế, xã hội, thể chế của nước Pháp lên vai một người duy nhất. Sau cuộc bầu cử vừa qua, Tổng thống Macron sẽ phải hợp tác nhiều hơn với Quốc hội mới.
Theo báo Le Figaro (Pháp), những bất bình, phẫn nộ của cử tri, không phân biệt cực tả hay cực hữu sẽ là một hiểm họa lớn đối với ông Macron.
Trước tình hình nghiêm trọng hiện nay, tờ báo này kêu gọi Tổng thống tái đắc cử tiếp tục các dự án cải cách táo bạo. Le Figaro cảnh báo: “Nếu Tổng thống Macron chọn con đường giữ nguyên trạng và mập mờ, nhiều khả năng nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai của ông sẽ kết thúc trong sự tan rã và hỗn loạn”.
Trong khi đó, tờ Libération (Pháp) đã chỉ rõ trách nhiệm của Tổng thống khi cho rằng, trong nhiệm kỳ 5 năm qua, ông Macron đã chưa giải quyết được “những nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng khó khăn của nước Pháp” như ông từng hứa hẹn. Khoảng cách giữa tầng lớp khá giả và tầng lớp nghèo khó đã gia tăng hơn.
Tuy nhiên, Libération cũng có nhận xét như La Croix khi nhận định trách nhiệm này không thể đặt lên vai một người duy nhất là tổng thống, cho dù hiển nhiên ông là người chịu trách nhiệm đầu tiên.
Sáu thách thức lớn
Theo Libération, có ít nhất 6 hồ sơ lớn sẽ thử thách ông Macron trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới.
Thứ nhất, làm thế nào cải thiện sức mua của người dân trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Pháp không như dự báo, chỉ đạt 2,9% (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF), thay vì 4%, và lạm phát cũng như giá nhiên liệu tăng vọt.
Thứ hai, trong những hồ sơ được cho là “ưu tiên” như cải cách ngành giáo dục và y tế, ông Macron cam kết tìm kiếm một phương thức mới và những giải pháp phù hợp với thực tế.
Thứ ba là sinh thái, một vấn đề cấp bách được giới trẻ cũng như những người lo lắng về tình trạng biến đổi khí hậu rất quan tâm. Trong quá trình tranh cử, ông Macron cam kết bổ nhiệm một thủ tướng chính phủ “trực tiếp phụ trách kế hoạch hóa môi trường”.
Thứ tư, một hồ sơ khác không kém phần "nóng" là cải cách hưu trí. Đây được cho là một trong những biện pháp chủ đạo nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất trong chương trình tranh cử.
Đề xuất của ông Macron nâng tuổi về hưu từ 62-65 đang vấp phải nhiều phản ứng dữ dội, một trong những yếu tố khiến ông bị mất nhiều lá phiếu cử tri, đặc biệt là những cử tri có xu hướng cánh tả, từng bỏ phiếu ủng hộ ông năm 2017.
Thứ năm, trong lĩnh vực tư pháp và an ninh, nhà lãnh đạo cũng được mong đợi sẽ cải thiện điều kiện làm việc, soạn lại luật tố tụng hình sự, quy trình thụ lý hồ sơ khi cam kết tăng ngân sách và tuyển dụng thêm nhân sự.
Thứ sáu, về châu Âu, trong 2 tháng còn lại với tư cách là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), ông Macron muốn triển khai các cam kết được đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh Versailles ngày 10-11/3, ủng hộ quyền “tự chủ chiến lược quốc phòng” rộng lớn cả trên bình diện công nghiệp lẫn năng lực.
Trong bối cảnh này, Pháp sẽ tìm cách gia tăng áp lực nhằm buộc Đức phải chấp nhận một gói trừng phạt mới chống Nga, ít nhất là đối với dầu lửa, vì Moscow đã thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.