Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: SCMP) |
Bước sang ngày thứ hai của chiến dịch tuyên truyền cho học thuyết chính trị “Tứ toàn” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, đã nỗ lực phân tích, phổ biến tầm nhìn của ông Tập. Theo thứ tự, “Tứ toàn” lần lượt bao gồm: Xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện, quản lý đảng nghiêm ngặt toàn diện.
Trong nỗ lực tuyên truyền ấy, một bài báo của Nhân dân nhật báo phát hành thông qua ứng dụng tin nhắn phổ biến WeChat cho biết tầng lớp trung lưu ngày càng có tiếng nói giá trị, trở thành một lực lượng quan trọng trong việc duy trì ổn định xã hội. Bài báo này khẳng định xã hội mà không có một tầng lớp trung lưu, chẳng hạn như Trung Đông và Mỹ Latinh, phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị và sự hỗn loạn.
Bài viết nhấn mạnh rằng tầng lớp trung lưu gia tăng sẽ không đối đầu với chế độ mà còn hỗ trợ tính chính danh của Đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc. Tác giả cũng chỉ ra các biện pháp cần thực hiện để đảm bảo rằng các tầng lớp trung lưu trở thành một phần của xã hội "chính thống".
Trong khi đó, một xã luận khác của tờ Nhân dân nhật báo ngày hôm qua giải thích thuật ngữ "xây dựng xã hội khá giả" bằng cách kết hợp nó với thuật ngữ "Giấc mơ Trung Hoa" vốn được công Tập đưa ra sau khi lên nắm quyền. Bài viết dài 2.000 chữ này sau đó được dẫn lại trên Tân Hoa Xã, các báo đảng của địa phương và chương trình tin tức của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Tổng cộng có năm xã luận sẽ được công bố với các nội dung khác nhau để giải thích về học thuyết “Tứ toàn”.
Tầng lớp trung lưu là một bộ phận quan trọng của mọi nền kinh tế. Các chuyên gia đánh giá tầng lớp này là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tiêu dùng, dễ bị tác động đến thu nhập nhất theo tình trạng sức khỏe của tình hình kinh tế.
Nếu tình hình kinh tế khả quan, lượng người gia nhập giới thượng lưu từ tầng lớp trung lưu sẽ tăng lên. Còn khi tình hình kinh tế ảm đạm, số người thuộc giới trung lưu sẽ bị đẩy xuống các tầng lớp thấp hơn, hoặc ít nhất cũng bị giảm thu nhập một cách đáng kể. Do đó, những nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc dễ đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, đảm bảo hiện trạng giới trung lưu có thu nhập và đời sống sung túc sẽ là một biện pháp hiện thực hóa nội dung đầu tiên trong thuyết “Tứ toàn” là “xây dựng xã hội khá giả”.
Học thuyết chính trị của các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn được tuyên truyền rộng rãi và từng bước đi vào đời sống trước khi được ghi nhận trong Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Chủ tịch Giang Trạch Dân có thuyết “Ba đại diện”, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có thuyết “Tầm nhìn phát triển khoa học”, trước đó là “Bốn hiện đại hóa” của Chu Ân Lai, “Cải cách và mở cửa” của Đặng Tiểu Bình.
Nguyên Bảo (theo South China Morning Post)