Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama (trái) và Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Kiến Siêu (China daily) |
Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Kiến Siêu cho biết tình hình thế giới đã thay đổi đáng kể trong bốn năm qua, và những mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á xung quanh vấn đề chủ quyền và nhận thức lịch sử đã phần nào được xoa dịu.
Ông Lưu cho rằng điều quan trọng là phải duy trì đối thoại giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng của “hai nước láng giềng và là cường quốc khu vực”. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của cuộc đối thoại góp phần duy trì hòa bình ở châu Á – Thái Bình Dương.
Bắc Kinh bày tỏ mong muốn Tokyo sẽ cùng “đối mặt với lịch sử và nhìn về tương lai”. Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi một thái độ chân thành và thực dụng để cải thiện các cuộc đàm phán và hiệu quả hợp tác.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama cho biết quan hệ Nhật – Trung dần dần được cải thiện kể từ năm ngoái khi hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đàm phán và đường dây nóng liên lạc về hàng hải. Tokyo chủ trương hai nước nên trực tiếp đối thoại để giải quyết vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương và thực hiện hợp tác thông qua đàm phán.
Thỏa thuận bốn điểm năm 2014 nhấn mạnh Bắc Kinh và Tokyo tôn trọng lập trường của đối phương về một vấn đề bất đồng.
Ông Shinsuke Sugiyama hy vọng 2 bên sẽ “nghiêm túc thảo luận về những dự định đằng sau chính sách quốc phòng của nhau”.
Đối thoại an ninh cấp cao Trung – Nhật ra đời vào năm 1993. Lần cuối cùng được tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 1 năm 2011 nhưng sau đó bị gián đoạn khi Nhật Bản đơn phương "quốc hữu hóa" quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Sau khi trở lại cầm quyền năm 2012, chính sách ngoại giao và quốc phòng cứng rắn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng bị Bắc Kinh chỉ trích.
Kết thúc đối thoại an ninh Trung – Nhật, ngày 21/3, cuộc gặp ba bên Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản sẽ diễn ra tại Tokyo.
Nguyên Bảo (tổng hợp)