Nhiều cuộc biểu tình phản đối lẫn ủng hộ đảng cầm quyền Tunisia đã nổ ra từ ngày 25/7, có nguy cơ dẫn tới xung đột. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu trên truyền hình sau khi triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn, ông Saied khẳng định sẽ tiếp tục nắm giữ cương vị Tổng thống Tunisia với sự hỗ trợ của một thủ tướng mới.
Tổng thống Saied cũng khẳng định, quyết định của ông dựa trên Điều 80 của Hiến pháp, đồng thời trích dẫn một điều khoản tạm ngừng quyền miễn trừ đối với các nghị sĩ.
Đông đảo người dân Tunisia đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Tunis để biểu thị sự ủng hộ đối với quyết định của Tổng thống Saied. Đài truyền hình Tunisia đưa tin, Tổng thống Kais Saied sau đó cũng đã hòa vào đám đông ở trung tâm thủ đô Tunis đang tán dương quyết định của ông.
Trước đó, hàng nghìn người xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố ở Tunisia để phản đối đảng cầm quyền vì cho rằng, chính phủ đã thất bại trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19.
Tại thủ đô Tunis, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập trước Quốc hội, hô vang các khẩu hiệu phản đối đảng Ennahdha và Thủ tướng Hichem Mechichi. Theo truyền thông, một vài người biểu tình bị bắt giữ, 1 phóng viên bị thương khi người biểu tình ném đá và cảnh sát sử dụng đạn hơi cay.
Phản ứng trước quyết định trên, Chủ tịch Quốc hội Tunisia Rached Ghannouchi cùng ngày đã cáo buộc Tổng thống Saied thực hiện “một cuộc đảo chính chống lại Cách mạng và Hiến pháp”.
Ông Ghannouchi, lãnh đạo đảng Hồi giáo Ennahda, nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng các tổ chức vẫn giữ vững lập trường và những người ủng hộ đảng Ennahda cùng với nhân dân Tunisia sẽ bảo vệ cuộc cách mạng”.
Sáng 26/7, ông Ghannouchi tiếp tục kêu gọi người dân nước này xuống đường biểu tình sau quyết định của Tổng thống Tunisia.
Trong một đoạn video được đảng Hồi giáo Ennahda đăng tải, ông Ghannouchi cho rằng, người dân cần phải xuống đường "giống ngày 14/1/2011", thời điểm người Tunisia phát động cuộc cách mạng đòi dân chủ và bắt đầu "mùa Xuân Arab".
Trong khi đó, kênh truyền hình Al Mayadeen đưa tin, ngày 26/7, quân đội Chính phủ Tunisia đã được triển khai tại thủ đô Tunis.
Reuters dẫn nguồn một nhân chứng cho biết, quân đội Tunisia đã ngăn không cho Chủ tịch Quốc hội Rached Ghannouchi đi vào tòa nhà của cơ quan lập pháp này.
Bất đồng chính trị nhiều năm qua tại Tunisia đã khiến nước này không thể thành lập được các chính phủ lâu dài và hiệu quả.
Diễn biến mới nhất tại quốc gia Bắc Phi cũng là thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi nước này áp dụng Hiến pháp 2014 phân chia quyền lực giữa tổng thống, thủ tướng và Quốc hội.
Bất đồng hiện tại giữa Tổng thống Saied và chính phủ Thủ tướng Mechichi được cho là liên quan quá trình đàm phán khoản vay mới với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - vốn cần thiết để Tunisia tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính khi mà quốc gia châu Phi đang phải tìm cách hạn chế thâm hụt ngân sách trong khi các khoản vay sắp đáo hạn.
Những cải cách kinh tế mới nhằm đảm bảo khoản vay này có thể ảnh hưởng đến đa phần người dân Tunisia, khi chấm dứt trợ giá hoặc cắt giảm việc làm ở khu vực công.
Theo quy định, tranh cãi liên quan đến Hiến pháp Tunisia sẽ được một tòa án hiến pháp giải quyết. Tuy nhiên, 7 năm sau khi Hiến pháp được phê chuẩn, tòa án này đến nay vẫn chưa thể được thành lập do tranh cãi liên quan đến việc bổ nhiệm thẩm phán.
| Ngoại giao vaccine ‘cứu’ Tunisia Giữa lúc các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh trên toàn cầu, Tunisia là một trong những nước có tỷ lệ tử ... |
| Cập nhật Covid-19 ngày 23/7: Hàn Quốc gia hạn giãn cách xã hội mức cao nhất; dịch 'căng' ở Tunisia; khoảng cách tốt nhất giữa hai mũi tiêm Pfizer Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 193,41 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,15 triệu ca ... |