Nước cờ chiến lược của Seoul
Theo bài phân tích trên trang CBC News của tác giả Sasa Petricic, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt chân tới Khu phi quân sự (DMZ) để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, mọi phương án đều đã được tính toán chi tiết trên tất cả các phương diện, từ công tác tổ chức, an ninh, hậu cần đến việc đưa tin và hình ảnh.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử, ngày 27/4. (Nguồn: Reuters) |
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Kim Jong-un chưa bao giờ đặt chân đến DMZ. Vì thế, trong suốt nhiều tuần qua, các quan chức hai nước đều đã rất tích cực phối hợp chuẩn bị và lên kế hoạch chi tiết cho cuộc gặp. Họ giám sát việc cải tạo “Nhà Hòa bình” để lắp đặt phòng họp và phòng tiệc; thống nhất về những nội dung được phát trực tiếp trên đài truyền hình Hàn Quốc và đang thảo luận về khả năng tiến hành cuộc họp báo chung sau hội đàm.
Ngay cả thực đơn cho bữa tối cũng được lên kế hoạch kỹ càng với món bánh bao và cá từ quê hương của một số nhà lãnh đạo Hàn Quốc, món mì lạnh từ một nhà hàng nổi tiếng ở thủ đô Bình Nhưỡng và món khoai tây rosti theo kiểu Thụy Sỹ - vốn là món ăn ưa thích của ông Kim Jong-un thời thơ ấu khi theo học nội trú tại đây.
Để có được bước tiến tới thời điểm này, Tổng thống Moon Jae-in đã đi nước cờ chiến lược đầu tiên khi ông chủ động mời Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông hồi tháng Hai vừa qua và không nề hà gạt qua một bên nguyên tắc ngoại giao cứng nhắc để chủ động tiến tới bắt tay Kim Jong-un và các quan chức Triều Tiên. Chính những cử chỉ này đã đặt nền tảng cho một loạt đột phá sau đó trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên nếu như so với bầu không khí căng thẳng trước đó chỉ vài tháng liên quan đến các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa dồn dập của Bình Nhưỡng. Kết quả là một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều diễn ra lần đầu tiên kể từ năm 2007.
Một cuộc gặp thượng đỉnh khác, cũng rất quan trọng, sẽ diễn ra trong nay mai giữa hai nhà lãnh đạo “khó đoán định” nhất thế giới là Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un.
Theo thông báo, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã được lên lịch vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu tới, dù chưa hoàn toàn chắc chắn 100% theo như tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump. Cuộc gặp - được tiến hành theo đề xuất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã đồng ý ngừng mọi cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, cũng như đóng cửa một bãi thử ở miền Bắc - thể hiện rõ thiện chí của chính quyền họ Kim. Sau một thời gian dài căng thẳng, có lúc tưởng chừng cận kề xung đột, cuối cùng các bên cũng đã tìm được cơ hội đối thoại hoà bình.
Đương nhiên, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và phương Tây không thể bỏ qua “Nhành Olive” của Bình Nhưỡng, vì đây có thể là chuyển động lớn để hướng tới mục tiêu lớn nhất là phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.
Sẽ có tuyên bố hòa bình?
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ là nhân tố quyết định việc có, hay không có, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, cuộc gặp được cho là cơ hội then chốt để tránh một cuộc xung đột quân sự. Vì thế, mọi ánh mắt giờ đây đang đổ dồn về làng Panmunjom, nơi đang chứng kiến cuộc gặp quyết định các chuyển động địa chính trị lớn ở khu vực trong thời gian tới. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, đây sẽ là một cuộc gặp nghiêm túc chứ không phải chỉ là “màn trình diễn” như đã có ý kiến đưa ra.
Bình luận về cuộc gặp này, ông Jeung Young-tae, Giám đốc Viện nghiên cứu Triều Tiên, nói: “Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn sử dụng cuộc gặp này để thiết lập vị thế lãnh đạo của một cường quốc hạt nhân trước cuộc gặp với Tổng thống Trump”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ phải chứng minh rằng ông ấy thật sự nghiêm túc trong đối thoại về cắt giảm vũ khí, điều mà nhiều người vẫn còn nghi ngờ sau nhiều năm đàm phán thất bại dưới thời của bố và ông nội Kim Jong-un. Triều Tiên bị cáo buộc tìm cách kéo dài thời gian để phát triển chương trình vũ khí của mình.
Người dân các thành phố lớn khác tại Hàn Quốc theo dõi cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được truyền hình trực tiếp. |
Trong khi đó, đối với Tổng thống Moon Jae-in, mục đích quan trọng nhất là phải ở lại trung tâm các cuộc đàm phán để bảo vệ lợi ích quốc gia. Theo một số nguồn nhận định khác, cả hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đều muốn sử dụng hội nghị hiện nay để đưa ra một tuyên bố hoà bình. Quan chức hai bên đã thảo luận về một thoả thuận chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, vốn mới chỉ tạm dừng kể từ năm 1953. Tổng thống Moon Jae-in cũng muốn hiện thực hoá giấc mơ của mình về tái thống nhất Bắc – Nam, điều chắc chắn sẽ không thể xảy ra ngay ngày mai hay trong tương lai gần. Rất nhiều người Hàn Quốc đang dần từ bỏ hy vọng hai miền Triều Tiên “về chung một nhà”, đặc biệt là giới trẻ.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hiện nay đang làm nhen nhóm tia hy vọng về một tương lai hoà bình và thống nhất toàn diện. “Sự hoà hợp hiện tại giữa hai miền Triều Tiên mang lại hy vọng rằng các bạn trẻ sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc đem lại hoà bình cho cuộc sống hàng ngày của họ”, Giám đốc nghiên cứu của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc Min Tae-eun, nói.
Nhưng để thực sự nắm bắt được cơ hội “hiếm hoi” hiện nay, Hàn Quốc đang phải đi những bước đi rất thận trọng. Tổng thống Moon Jae-in đã chỉ đạo không đề cập đến vấn đề nhân quyền trong thời điểm này, cũng như làm bất kỳ điều gì ảnh hưởng đến mối quan hệ Bắc - Nam. Các chương trình phát thanh chỉ trích Triều Tiên ở khu vực biên giới đã được dỡ bỏ. Mọi tuyên bố đưa ra cũng được cân nhắc kỹ từng câu từ.
Tổng thống Moon Jae-in cần phải đảm bảo rằng sẽ tạo ra được không khí thực sự thoải mái để hai bên có thể đi vào thảo luận những vấn đề cốt yếu nhất vì một tương lai thống nhất, hoà bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.