Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell. (Nguồn: AFP) |
Hôm 25/6, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, đã thuyết phục được Iran và Mỹ đồng ý nối lại tiến trình đàm phán hạt nhân gián tiếp sau 3 tháng tạm dừng do bất đồng quan điểm.
Trước thông báo trên, ngày 26/6, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đã trao đổi với ông Borrell rằng, quyết định này là một sai lầm nghiêm trọng.
Israel không trực tiếp tham gia đàm phán, nhưng là một trong những bên liên quan chính, bởi giữa quốc gia Do Thái và nước Cộng hòa Hồi giáo hiện tồn tại mối quan hệ thù địch.
Theo Ngoại trưởng Israel, “đây là một sai lầm chiến lược khi gửi một thông điệp sai lệch đến Iran… Trong khi Iran đang cố gắng ám sát công dân Israel trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Thổ Nhĩ Kỳ, thì quyết định này thể hiện (EU) đang thiếu quan tâm đến sinh mạng của nhân dân Israel”.
Trong khi chính phủ Israel kiên quyết phản đối các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, một số tờ báo của Nhà nước Do Thái dẫn lời các tướng quân đội, trong đó có Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Aharon Haliva, lên tiếng ủng hộ sớm nối lại thỏa thuận 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Các quan chức quân đội cho rằng, việc nối lại thỏa thuận, dù không tối ưu, sẽ cho phép Israel có thời gian chuẩn bị cho mục tiêu tấn công các cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran.
Phản ứng trước thông tin này, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz tuyên bố: “Chỉ cấp chính phủ mới quyết định được vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành không công khai các cuộc đối thoại cởi mở và sâu sắc. Các phương thức khác đều có hại cho an ninh của Israel”.
Phía quân đội Israel chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Trong một diễn biến khác liên quan, trong ngày 26/6, Phủ Tổng thống Pháp thông báo, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Mỹ sẽ tổ chức hội đàm 4 bên vào sáng 28/6 để bàn về chương trình hạt nhân của Iran và hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran.
Cuộc hội đàm sẽ diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Ngoài ra, trong bữa tối của phiên thảo luận về chính sách đối ngoại, G7 cũng sẽ thảo luận về tham vọng hạt nhân của Iran.
Một quan chức cấp cao của Pháp cho biết, trong số những chủ đề được thảo luận sẽ có “vấn đề về dầu mỏ” và “việc sẵn sàng ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Iran là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, song hoạt động xuất khẩu dầu thô của Tehran đang vấp phải khó khăn do các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Kể từ năm 2018, Washington đã tìm cách ngăn cản bất kỳ quốc gia nào mua dầu của Tehran sau khi Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đơn phương đưa Mỹ rút khỏi JCPOA, trong đó Iran cam kết giảm mạnh chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã tìm cách quay trở lại JCPOA, cho rằng đây sẽ là con đường can dự tốt nhất với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Trong khi đó, với việc giá dầu thô tăng vọt sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các nhà phân tích thị trường cho rằng, dầu của Iran có thể thay thế một số nguồn năng lượng của Nga hiện đang bị tẩy chay.
| G7 tính thành 'niêu cơm Thạch Sanh' cho Ukraine, Mỹ sắp chi hệ thống phòng thủ hiện đại cho Kiev? Một bản dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có ... |
| Tên lửa Nga lại hướng đến mục tiêu ở thủ đô Kiev? Ukraine tiếp tục tấn công giàn khoan dầu ngoài khơi Crimea Bộ Quốc phòng Nga thông báo, quân đội nước này sáng 26/6 đã sử dụng tên lửa tấn công một nhà máy sản xuất vũ ... |