Người di cư từ Myanmar và Bangladesh tại một đồn cảnh sát ở Kuah, Malaysia. (Ảnh: EPA) |
Nhà cựu lập pháp Malaysia Yasmani Yusoff cho rằng việc các quốc gia Đông Nam Á không thảo luận về vấn đề người tị nạn từ Myanmar tại Hội nghị cấp cao ASEAN tại Langkawi hồi đầu tháng Năm là một cơ hội bị bỏ lỡ.
Theo ông Yasmani, thành viên của AIPMC - tổ chức liên nghị viện ASEAN vận động cho nhân quyền và cải cách dân chủ ở Myanmar, vấn đề này phải được các nước chung tay giải quyết chứ không riêng gì các nước tiếp nhận làn sóng người di cư Rohingya như Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
"Vấn đề người Rohingya phải được nhìn nhận như một trách nhiệm tập thể chứ không phải cứ đi tìm thiếu sót để thu hẹp thành vấn đề của riêng Myanmar. Như thế, cơ hội giải quyết sẽ nhiều hơn. Vì vậy, tôi cho rằng trách nhiệm này thuộc khối ASEAN”, ông Yasmani nói.
Cựu Ngoại trưởng Malaysia Syed Hamid Albar cho biết, một thảm kịch sẽ diễn ra nếu vấn đề với những người tị nạn Rohingya không được giải quyết tận gốc.
Malaysia chưa tham gia Công ước của Liên hợp quốc liên quan đến tình trạng của người tị nạn. Do đó, Kuala Lumpur không bắt buộc phải giải quyết vấn đề người di cư, ngay cả khi những người này bị mắc kẹt gần bờ biển nước này.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Wan Junaidi cho biết Malaysia đã thể hiện thiện chí bằng cách cung cấp chỗ ở cho người di cư Rohingya vì sự thông cảm đối với cộng đồng Hồi giáo này. Ngày 10-11/5 vừa qua, gần 2.000 người di cư từ Myanmar và Bangladesh đã được Malaysia và Indonesia giải cứu ở ngoài khơi đảo Langkawi và tỉnh Aceh.
Là một trong những nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á, Malaysia đang trở thành “nam châm” của nhiều người di cư bất hợp pháp từ các quốc gia nghèo hơn trong khu vực. Theo Ủy ban về người tị nạn của Liên hợp quốc, hiện có hơn 100.000 người tị nạn ở Malaysia, trong đó hơn 90% đến từ Myanmar. Ước tính khoảng 7.000 người di cư vẫn còn ở trên biển.
Cảnh sát Malaysia cho biết mới đây họ đã phối hợp với cảnh sát Thái Lan phá vỡ bảy tổ chức buôn người. Tuy nhiên, việc phanh phui đường dây buôn người Hồi giáo Rohingya trong khu vực phức tạp hơn nhiều một phần bởi cuộc hành trình đến các nước láng giềng bằng đường biển thường phải mất vài tuần.
Là một nhóm người Hồi giáo sống chủ yếu ở bang Arakan ở phía Bắc Myanmar, Rohingya không được chính quyền Myanmar công nhận và hàng trăm ngàn người phải chạy trốn tình trạng bạo lực sắc tộc diễn ra trong những năm gần đây. Cuộc hành trình đến các nước láng giềng tìm vận hội đổi đời thường ngốn từ 200 USD đến 2.000 USD cho mỗi người di cư và không ít rủi ro khi bọn buôn người trái phép bỏ rơi trên biển.
Theo Liên hợp quốc, riêng trong ba tháng đầu năm 2015, có khoảng 25.000 người Rohingya và người Bangladesh đã vượt biên bằng đường biển, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Vinh Hà (theo Channel NewsAsia)