Hàng nghìn người Rohingya đang lênh đênh trên biển ngoài khơi Malaysia, Indonesia. |
Ông Najib nhấn mạnh đây không chỉ là mối quan tâm của những nhà lãnh đạo ASEAN mà còn là mối quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon và Thủ tướng Australia Tony Abbott.
“Chúng tôi tôn trọng những nguyên tắc của ASEAN, theo đó không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ quốc gia thành viên nào”, Thủ tướng Najib nói. Tuy nhiên, ông khẳng định khi trong một nước có vấn đề xảy ra và ảnh hưởng tới các quốc gia ASEAN cũng như các nước ngoài ASEAN khác thì ASEAN phải cùng tìm ra giải pháp thông qua diễn đàn ASEAN cũng như hợp tác với các đối tác trên thế giới.
Thủ tướng Najib đã có cuộc điện đàm với ông Ban Ki-moon và kêu gọi sự quan tâm, giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc về khủng hoảng nhân đạo này. Vấn đề người tị nạn Rohingya ảnh hưởng nghiêm trọng tới ổn định khu vực trong bối cảnh ASEAN đang hướng tới xây dựng cộng đồng vào cuối năm nay.
Malaysia rất thương cảm với những người tị nạn đang lênh đênh trên biển, nhiều người trong số họ đã bị giết hại, có cả phụ nữ và trẻ em. Chính quyền Malaysia cũng đã cho phép nhiều người tị nạn vào trong lãnh thổ và cung cấp cứu trợ nhân đạo cho họ. Tuy vậy, đây có thể là gánh nặng cho Malaysia khi ngày càng có nhiều người tị nạn đợi chờ lòng thương cảm của nước Chủ tịch ASEAN.
Một luật sư của Malaysia, ông Charles Santiago chia sẻ rằng vai trò Chủ tịch ASEAN của Malaysia có thể bị thất bại nếu như Thủ tướng Najib Razak không khiển trách Myanmar vì đã gây ra vấn đề người tị nạn Rohingya. Đồng thời ông kêu gọi chính phủ Malaysia cung cấp nhân đạo cho người Rohingya.
“Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Malaysia phải bảo vệ người Rohingya như nước này đã từng làm với người tị nạn Palestine và Syria. Chính sách đối ngoại của Malaysia nên nhất quán”, ông Santiago nói.
Malaysia đang hướng ASEAN tới một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm. Với mục tiêu như vậy, Malaysia không thể làm ngơ trước hàng nghìn người tị nạn tìm cách trốn thoát khỏi những cuộc đàn áp tại Myanmar và lênh đênh trên biển ngoài khơi Malaysia, Indonesia.
Hằng Phạm (tổng hợp)